Có 7/14 khoản thu từ thuế, phí, lệ phí đạt mức tăng trưởng từ 8% đến 130% so với cùng kỳ, như: Thu thuế từ các doanh nghiệp Nhà nước trung ương đạt 98% dự toán, tăng 36% so với cùng kỳ; thuế thu nhập cá nhân đạt 104%, tăng 11%; lệ phí trước bạ đạt 104%, tăng 23%; xổ số kiến thiết đạt 100%, tăng 8%; Thu thuế công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh tuy đạt 57% dự toán, nhưng chỉ tăng 13% so với cùng kỳ. Hầu hết các đơn vị thu đều có tiến độ thu thuế, phí, lệ phí đạt khá và tăng trưởng cao so với cùng kỳ. Riêng nguồn thu tiền sử dụng đất đến nay mới được 138,3 tỷ đồng, đạt 32% dự toán HĐND tỉnh, bằng 66% so với cùng kỳ. Thu thuế từ hoạt động xuất, nhập khẩu được 182,2 tỷ đồng, đạt 50% dự toán, bằng 75% so với cùng kỳ này năm trước.
Để phấn đấu thu ngân sách năm 2013 đạt 2.850 tỷ đồng trở lên theo kế hoạch, 2 tháng còn lại toàn tỉnh còn phải thu ngân sách trên 1.082 tỷ đồng nữa, trong đó riêng thu từ thuế, phí, lệ phí và thu khác còn phải thu 600 tỷ đồng, thu tiền sử dụng đất còn 295 tỷ đồng và thu thuế xuất nhập khẩu còn 185 tỷ đồng. Đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn mà thời gian chỉ còn tính bằng ngày. Cục Thuế tỉnh đã báo cáo chi tiết từng nguồn thu, số có khả năng hụt thu, đồng thời chỉ đạo quyết liệt, cao độ cho nhiệm vụ thu ngân sách cuối năm, tập trung nguồn lực cho công tác chống thất thu ngân sách, mà trọng tâm là việc thu hồi nợ thuế.
Xác định công tác thu nợ thuế là một trong những công tác trọng tâm góp phần tích cực cho hoàn thành dự toán thu, ngay từ đầu năm, lãnh đạo Cục Thuế tỉnh đã chỉ đạo, thực hiện nghiêm Chỉ thị của Bộ Tài chính, các văn bản của Tổng cục Thuế và chỉ đạo của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác thu hồi nợ thuế. Do vậy, đến ngày 31-10-2013 bằng các biện pháp đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ thuế toàn tỉnh đã thu về cho ngân sách trên 600 tỷ đồng, trong đó riêng trong tháng 10 đã thu nợ được trên 122 tỷ đồng. Tuy vậy, tình hình thu nợ thuế vẫn chưa đạt được mục tiêu đặt ra, cùng với số nợ cũ đã phát sinh thêm nợ mới. Đến hết tháng 10, tổng số nợ thuế toàn tỉnh còn lớn, với số nợ hàng trăm tỷ đồng. Nguyên nhân nợ thì có nhiều, nhưng chủ yếu là một bộ phận người nộp thuế ý thức về trách nhiệm, nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước chưa cao, cá biệt có doanh nghiệp cố tình dây dưa chiếm dụng tiền thuế. Nhiều doanh nghiệp do bị tác động chung của kinh tế thị trường, sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, khó tiếp cận và hấp thu vốn vay. Thời tiết không thuận lợi nên sản xuất vật liệu xây dựng, kinh doanh vận tải đường sông, đường biển và nhất là doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ không thực hiện đúng hợp đồng xuất khẩu, vì vậy khó khăn trong việc thanh toán tiền hàng; một số doanh nghiệp thành lập sau một thời gian hoạt động có số thuế phát sinh phải nộp đã bỏ trốn, không xác định được nơi thường trú, tạm trú; một số doanh nghiệp đầu tư vào sản phẩm mới, sản phẩm tiêu thụ chậm, giá trị tồn kho lớn. Cục Thuế tỉnh đã tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố, thị xã, thành lập các đoàn công tác chống thất thu, tiến hành rà soát và yêu cầu các doanh nghiệp còn nợ thuế ký cam kết nộp tiền vào ngân sách theo quy định; tăng cường đôn đốc thu nợ các tháng cuối năm 2013; kiên quyết thực hiện biện pháp cưỡng chế một số doanh nghiệp nợ thuế, chuyển cho cơ quan điều tra những doanh nghiệp cố tình trốn lậu thuế điển hình.
Phòng Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế thuộc Cục thuế, các Đội quản lý nợ thuộc Chi cục Thuế trong tỉnh phối hợp với các phòng chức năng thuộc Cục thuế thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở các doanh nghiệp nộp thuế kịp thời không để nợ mới phát sinh, xem xét, đánh giá về khả năng tài chính của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có số nợ lớn để có những chế tài cụ thể. Đối với khoản nợ thuế khó thu của một số doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản, bỏ trốn mất tích..., ngành Thuế nên củng cố và hoàn tất hồ sơ đề nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế xóa nợ theo quy định của pháp luật thuế. Đối với người nộp thuế cố tình chây ỳ, các đơn vị lập danh sách người nộp thuế nợ quá hạn 90 ngày trình lãnh đạo Cục thuế, Chi cục Thuế phê duyệt, đồng thời kiên quyết thực hiện các biện pháp cưỡng chế nợ thuế, kể cả biện pháp đình chỉ sử dụng hóa đơn, thu hồi mã số thuế, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và chuyển cho cơ quan điều tra.
Đối với bộ phận liên quan trong ngành Thuế như: Thanh tra, Kiểm tra thuế, Kê khai và Kế toán thuế, cần xác định chính xác số tiền thuế nợ sau thanh tra, kiểm tra trên ứng dụng quản lý thuế, số đang theo dõi của Phòng Kiểm tra, các đoàn thanh tra, đồng thời cũng cần phân loại nợ thuế sau thanh tra. Có trách nhiệm đôn đốc người nộp thuế trong thời hạn kể từ ngày Quyết định xử lý vi phạm hành chính thuế có hiệu lực. Theo dõi và đôn đốc doanh nghiệp nộp kịp thời số thuế phát sinh phải nộp theo kê khai.
Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với hệ thống Kho bạc, Ngân hàng và các tổ chức tín dụng trong tỉnh thực hiện nghiêm chỉ thị của Bộ Tài chính, hướng dẫn của Tổng cục Thuế và chỉ đạo của UBND tỉnh về việc khấu trừ tiền thuế của các doanh nghiệp xây dựng cơ bản thi công công trình bằng vốn ngân sách thông qua kế hoạch giải ngân của Kho bạc trước khi thanh toán cho doanh nghiệp trên địa bàn.
Nhiệm vụ thu ngân sách còn lại năm nay là rất nặng nề, trong đó toàn ngành Thuế tập trung cao độ cho công tác đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ thuế. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giải đáp, giám sát, kiểm tra. Kiên quyết áp dụng các biện pháp chế tài đủ mạnh để đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời những khoản thuế phải nộp vào ngân sách Nhà nước, góp phần hoàn thành dự toán thu ngân sách tỉnh giao.
Bài, ảnh:Mạnh Huy