Đạt được kết quả trên là sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, của Tổng cục Thuế, sự phối hợp của các đơn vị liên quan trong thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ nói chung và sự nỗ lực vượt bậc của cán bộ, công chức Cục Thuế tỉnh trong thời gian qua, nhằm giảm thời gian không cần thiết trong việc khai thuế, nộp thuế, tạo thuận lợi nhất cho người nộp thuế, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh (CPI) quốc gia, đồng thời nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của địa phương. Bằng những biện pháp cụ thể, song hành cùng với triển khai nhiệm vụ thu ngân sách, ngay từ đầu năm Cục Thuế tỉnh đã thành lập Tổ chỉ đạo do một đồng chí Phó Cục trưởng làm Tổ trưởng, triển khai quyết liệt việc nộp thuế điện tử và hàng tháng có sự giám sát tiến độ sát sao.
Các Phòng Kiểm tra thuộc Cục Thuế, các Chi cục Thuế được giao kế hoạch đôn đốc các doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử giao nhiệm vụ cho từng cán bộ trong đơn vị, thường xuyên báo cáo kết quả hàng tuần, hàng tháng về Ban chỉ đạo, những đơn vị đạt kết quả thấp phải có báo cáo giải trình và đề xuất biện pháp khắc phục.
Ngoài ra, Cục Thuế tỉnh đã có sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng với các ngân hàng trên địa bàn như BIDV, Vietinbank, Liên Việt, Agribank... tạo điều kiện thuận lợi, hướng dẫn tận tình cho các doanh nghiệp thực hiện việc đăng ký, nộp thuế điện tử.
Tuy vậy, bên cạnh thuận lợi, việc triển khai, đôn đốc các doanh nghiệp tự nguyện đăng ký cũng có những khó khăn: nhiều doanh nghiệp trên địa bàn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ; trình độ về công nghệ thông tin chưa đồng đều và có thói quen sử dụng tiền mặt.
Do đó, trong giai đoạn đầu, một số ngân hàng, doanh nghiệp còn có những vướng mắc về vấn đề công nghệ, chưa quen trong việc kết nối giữa các hệ thống.
Ông Tạ Hải Triệu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế thành phố Tam Điệp cho biết: Đến ngày 30-9, thành phố Tam Điệp đã có 230/243 doanh nghiệp đang hoạt động đã hoàn thành đăng ký nộp thuế điện tử với cơ quan thuế, đạt tỷ lệ 95%, vượt 5% chỉ tiêu được giao.
Lãnh đạo Chi cục vừa qua đã trực tiếp chỉ đạo từng đội nỗ lực đôn đốc doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử, đồng thời Chi cục gắn việc triển khai nộp thuế điện tử với các chỉ tiêu thi đua, đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức, nắm tiến độ từng ngày về tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện, doanh nghiệp nào chưa làm và phải nêu rõ lý do.
Ngoài ra, để kịp thời tháo gỡ vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình nộp thuế điện tử, đơn vị đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn cụ thể.
Còn một số doanh nghiệp chưa thực hiện đăng ký nộp thuế điện tử, tới đây Chi cục sẽ tổ chức đối thoại, trao đổi, tháo gỡ các vướng mắc, phấn đấu 100% doanh nghiệp trên địa bàn đều thực hiện nộp thuế điện tử.
Bà Lê Thị Thanh Xuân, Phó Giám đốc BIDV Chi nhánh Ninh Bình cho biết: Sau hơn 5 tháng phối hợp triển khai nộp thuế điện tử, BIDV Ninh Bình đã có trên 200 doanh nghiệp đăng ký thành công, với số tiền giao dịch hàng trăm tỷ đồng. BIDV cũng là ngân hàng có doanh số từ doanh nghiệp nộp thuế điện tử cao nhất trên địa bàn.
Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, không ít doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ còn e ngại, nhận thức chưa đúng, chưa quan tâm đúng mức về việc nộp thuế điện tử.
Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn ngần ngại đơn giản là "theo thói quen" hoặc lãnh đạo doanh nghiệp lo bị mất tiền khi giao cho cán bộ tự chuyển tiền qua mạng.
Thời gian tới, cần có sự tuyên truyền sâu rộng và hiệu quả hơn nữa của các phương tiện thông tin đại chúng về ý nghĩa và lợi ích của nộp thuế điện tử. BIDV Ninh Bình sẽ giao chỉ tiêu khách hàng sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử đến từng phòng nghiệp vụ và từng cán bộ, thực hiện giám sát kết quả định kỳ. Ngân hàng cũng đảm bảo vận hành hệ thống dịch vụ an toàn, đảm bảo, chất lượng để khách hàng thấy rõ tính ưu việt của việc nộp thuế điện tử n
Mạnh Huy