Xã có nguồn lao động và diện tích đất nông - lâm nghiệp là chủ yếu, quy hoạch sản xuất đã được lập và từng bước triển khai thực hiện. Năm 2015, xã hoàn thành dồn điền, đổi thửa, quy hoạch vùng sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, các loại con nuôi đặc sản phù hợp với đặc điểm, tiềm năng của địa phương (như hươu, ong, dê, gà đồi....).
Tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn xã, phát triển mạnh kinh tế theo hướng xây dựng, thương mại, dịch vụ, du lịch, các mô hình phát triển kinh tế gia trại mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vận động nhân dân tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; triển khai các đề án, dự án hỗ trợ phát triển trồng trọt, chăn nuôi; hỗ trợ học nghề, đào tạo nghề, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất ngành nghề, dịch vụ, du lịch, nâng cao thu nhập người dân.
Kết quả rà soát, đánh giá thu nhập năm 2019 đạt 36-40 triệu đồng/người/năm. Công tác xóa đói, giảm nghèo luôn được Đảng ủy, UBND xã, MTTQ xã quan tâm, tạo mọi điều kiện để các hộ phát triển kinh tế, vươn lên xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng như: thực hiện tốt các chính sách khuyến nông, tập huấn cho hộ nghèo, chính sách vay vốn ưu đãi cho các hộ nghèo, cận nghèo phát triển kinh tế. Tuyên truyền, vận động gia đình, con cháu quan tâm chăm sóc người cao tuổi, không ỷ lại cho xã hội, đảm bảo an sinh xã hội.
Từ sự đồng thuận trong hệ thống chính trị và nhân dân, xã Cúc Phương đã hoàn thành một số tiêu chí tưởng chừng khó đạt được như: tiêu chí về giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, nhà ở dân cư… Trong 10 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, xã Cúc Phương đã huy động nguồn vốn đầu tư 170,7 tỷ đồng, trong đó: Vốn ngân sách nhà nước 86,9 tỷ đồng, chiếm 50,9%; vốn nhân dân đóng góp và huy động khác 83,9 tỷ đồng, chiếm 49,1%.
Trong đó: Nhân dân tự bỏ vốn đầu tư, xây dựng, chỉnh trang nhà ở: 40 tỷ đồng, chiếm 23,5%; nhân dân đóng góp làm đường giao thông là 4,3 tỷ đồng; 1.612 ngày công lao động; hiến đất 1,3 ha, nhận 1.520 tấn xi măng để xây dựng, nâng cấp 82 tuyến đường với 11,92 km đường giao thông nông thôn; đóng góp 200 triệu đồng và 1.042 ngày công lao động để làm nhà văn hóa thôn.
Toàn xã có 10/10 thôn có nhà văn hóa, trong đó: xây mới 8 nhà, nâng cấp sửa chữa 1 nhà, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, vui chơi giải trí của cộng đồng dân cư. Tiêu biểu trong những hộ hiến đất, cây cối, hoa màu để xây dựng các công trình công cộng và đường giao thông là các hộ 2 bên dọc tuyến đường Cúc Phương - Nho Quan điểm từ Bưu điện Cúc Phương đến UBND xã và điểm từ chân dốc Quèn Thạch đến điểm tiếp giáp với xã Văn Phương chiều dài trên 3 km với diện tích hiến đất là 2.241 m2 (đất vườn và đất ở).
Đến nay, 46,8km đường giao thông trên địa bàn xã đã được nhựa hóa, bê tông hóa, cứng hóa, không lầy lội vào mùa mưa, đạt 100%, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Các tiêu chí cần sự đầu tư kinh phí lớn đã được quan tâm đầu tư như: sửa chữa nâng cấp và xây mới trường lớp học cho 3 khối: mầm non, tiểu học và trung học cơ sở; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất văn hóa xã; trạm y tế với tổng mức kinh phí trên 20 tỷ đồng.
Trường học, trạm y tế đều đã đạt chuẩn Quốc gia. Hệ thống chính trị cơ sở được củng cố và tăng cường, công tác cán bộ được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên. Các tổ chức trong hệ thống chính trị được giữ vững và ngày càng hoàn thiện về chất lượng. Quốc phòng, an ninh được đảm bảo và luôn được giữ vững. Xã đã hoàn thành 16/20 tiêu chí, tăng 12 tiêu chí so với năm 2010.
Tuy nhiên, để xã về đích nông thôn mới theo kế hoạch thì tỉnh, huyện cần có cơ chế đặc thù cho vùng khó khăn có đông đồng bào dân tộc thiểu số về nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững để giảm sự chênh lệch giữa các xã vùng cao có đông đồng bào dân tộc với các xã khác trong tỉnh và huyện.
Đinh Chúc