Trước đây, gia đình ông Nguyễn Xuân Thanh, thôn Nga 2 đã chăn nuôi gà, lợn thương phẩm nhưng hiệu quả không cao do đầu tư nhiều nhưng hay xảy ra dịch bệnh. ở thời điểm năm 2009, ông thấy nhu cầu tiêu thụ thịt lợn rừng trên thị trường rất lớn. Du khách đến với Cúc Phương ngày càng nhiều và nhu cầu thưởng thức thực phẩm từ con nuôi đặc sản cũng tăng theo.
Qua tìm hiểu ông biết được lợn rừng là loài động vật cho thịt thơm ngon, giá trị kinh tế cao. Mặc dù chi phí đầu tư mua con giống, làm chuồng trại khá cao nhưng lợn rừng lại dễ nuôi, dễ chăm sóc, tỷ lệ hao hụt thấp, khi được chăm sóc tốt lợn mau lớn. Do đó ông đã quyết định chuyển sang xây dựng mô hình chăn nuôi lợn rừng.
Thời điểm ban đầu vốn ít nên ông chỉ mua vài con lợn giống, đến nay gia đình ông đã nhân nuôi và phát triển lên hàng trăm con cả lợn mẹ, lợn con và lợn trưởng thành. Với lợn mẹ đẻ một năm 2 lứa, trung bình mỗi lứa được từ 8 - 12 lợn con, sau 5 - 6 tháng thả nuôi, lợn sẽ đạt trọng lượng từ 15-20 kg/con, lúc này có thể xuất chuồng được.
Với giá thị trường hiện nay từ 240-250 nghìn đồng/kg lợn hơi cùng với bán lợn giống, trừ chi phí mỗi năm gia đình ông Thanh thu nhập trên 200 triệu đồng. Từ năm 2011 đến nay, gia đình ông đưa thêm giống lợn lai giữa lợn rừng Thái Lan và lợn bản địa vào nuôi, cho hiệu quả cao.
Nhiều hộ dân của xã Cúc Phương cũng đã xây dựng thành công mô hình nuôi lợn rừng, thu nhập đạt trên 100 triệu đồng/năm/hộ. Để có kết quả đó có sự vào cuộc của các cấp, ban ngành trong công tác phát triển kinh tế địa phương và sự nỗ lực của các nhà khoa học trong việc nghiên cứu đưa về những giống lợn rừng phù hợp và nhân rộng. Trong đó phải kể đến nhóm tác giả của Vườn Quốc gia Cúc Phương đã thực hiện thành công đề tài "Mô hình nhân nuôi lợn rừng Thái Lan thuần và lợn cỏ bản địa dưới tán vườn tạp kết hợp với bảo vệ môi trường tại xã Cúc Phương", góp phần quan trọng vào sự phát triển nuôi lợn rừng trên địa bàn xã.
Ông Lê Hoài Đức, Tổ trưởng tổ nghiên cứu và bảo tồn động vật hoang dã Vườn Quốc gia Cúc Phương, Chủ nhiệm đề tài cho biết: Hiện nay việc chăn nuôi và phát triển lợn rừng Thái Lan và các con lai của chúng trên địa bàn xã Cúc Phương là rất khả quan, thế hệ con lai thương phẩm đã kế thừa các đặc điểm ngoại hình và trọng lượng của giống lợn rừng Thái Lan, có tỷ lệ thịt cao, tỷ lệ xương thấp, chất lượng thịt giàu đạm, nhiều khoáng, ít mỡ, giàu các axit amine. Khẩu phần ăn của lợn rừng và các thế hệ con lai chủ yếu là thức ăn thô xanh.
Đề tài cũng đã xây dựng được quy trình chăm sóc, nhân giống, phòng trị bệnh cho lợn. Từ những kết quả trên, đề tài đã được nhân dân trong xã đồng tình ủng hộ, tiếp nhận và nhân rộng mô hình, góp phần phát triển kinh tế địa phương, xóa đói, giảm nghèo và giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn.
Bài, ảnh: Hồng Giang