Liên tục từ ngày 9 - 12/10 trên địa bàn xã Cúc Phương xảy ra mưa lớn, tình trạng lũ quét gây ngập ứng cục bộ nhiều đoạn đường giao thông, làm sạt lở đất đá, ngập nhà dân, hoa màu và nhiều tài sản của các công trình công cộng, phúc lợi xã hội khác.Đối với ông Nguyễn Văn Quyền, người sống gần 70 năm cạnh Vườn Quốc gia Cúc Phương, năm nay là năm lũ lớn nhất, chưa từng thấy khi lũ quét tràn về thôn Nga 3 nơi ông sinh sống. Ông Quyền cho biết: Nước tràn về và dâng cao nhanh đến chóng mặt, tính theo thời gian bằng phút chứ không phải bằng giờ. Hai ông bà già gần 70 tuổi chỉ kịp gọi cho người con trai ở cách đó vài trăm m về kê tạm các đồ dùng, thiết bị cần thiết trong nhà như ti vi, tủ lạnh, máy giặt, quần áo… lên tầng 2 - nơi cao nhất của gia đình, còn lại bàn ghế, tủ đựng đồ và nhiều đồ dùng khác đành chịu ngập trong nước lũ mấy giờ đồng hồ. Chỉ trong gần 3h đồng hồ, trên 30 hộ dân thôn Nga 3, xã Cúc Phương đã chìm trong biển nước, nhà nào cũng bị nước ngập vào nhà đến hơn 1m. Ruộng vườn, gia súc, gia cầm trôi nổi, lềnh bềnh trong các khu vườn dù đã được xây tường bao, chăng bờ rào bằng thép gai hoặc trồng cây che chắn. Đặc biệt, con suối dọc thôn chưa bao giờ cuồn cuộn nước xiết như vậy, kéo theo hàng chục con bò, hươu, nai được nuôi trong các trang trại của một số gia đình bị dòng nước cuốn đi, chao đảo không thể trụ lại được. Rất may, cơn lũ quét không đủ mạnh cuốn theo nhà cửa, nên không thiệt hại về người và tài sản, số bò, hươu, nai bị cuốn trôi sau đó cũng đã được người dân cứu thoát.
Theo ông Quyền, nguyên nhân xảy ra lũ quét nguy hiểm như vừa qua là do mưa to và mưa nhiều, nước tràn về với khối lượng lớn từ trên cao xuống, và 1 phần nữa là do biến đổi khí hậu dẫn đến thời tiết bất thường gây mưa lớn, mưa cục bộ. Rất may người dân Cúc Phương nói chung, người dân thôn Nga 3 nói riêng được sự bao bọc, chở che của Vườn Quốc gia Cúc Phương.
Đặc biệt những năm gần đây, người dân Cúc Phương đã rất ý thức trong việc không khai thác, chặt phá rừng, đồng thời rất tích cực trong việc khoanh nuôi, trồng rừng phòng hộ, từ đó góp phần hình thành lá chắn không để xảy ra lũ quét lớn gây thiệt hại về người và tài sản. Hiện người dân thôn Nga 3 - nơi có trận lũ quét đi qua đang khẩn trương dọn dẹp, chỉnh trang lại nhà cửa, gia cố lại chuồng trại chăn nuôi, sớm ổn định cuộc sống.
Ngay sau khi lũ quét xảy ra vào ngày 11-12/10, đoạn đường dài hàng trăm m thuộc thôn Quèn Thạch (đoạn đường từ xã Cúc Phương vào Vườn quốc gia Cúc Phương - là tuyến đường cứu hộ Cúc Phương - Nho Quan) bị lũ cuốn hư hỏng hoàn toàn. Mặt đường bị nước lũ cầy xới, hình thành các khe lỗ sâu rộng, đất đá dồn cục lộn nhộn, gây khó khăn cho việc đi lại của nhân dân bằng xe máy, đối với xe khách du lịch, xe tải trọng lượng lớn du lịch không thể đi qua được, cảnh báo sạt lở, sập gầm.
Ngày 13/10, sau khi nước lũ rút cạn, BCĐ PCTT-TKCN xã Cúc Phương đã khẩn trương huy động lực lượng, máy xúc, xe chở cát đá… san lấp, bổ sung đất đá làm phẳng mặt đường, gia cố để thông tuyến giao thông đi lại trên địa bàn.
Ông Đinh Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã Cúc Phương cho biết: Trong đợt mưa lũ vừa qua, từ ngày 9-12/10, trên địa bàn xã Cúc Phương xảy ra mưa lớn và lũ quét gây ngập úng cục bộ nhiều đoạn đường giao thông, sạt lở đất, ngập nhà dân, ngập hoa màu… Đặc biệt ngày 10/10, với thời gian mưa lớn từ 9-12h đã làm ngập cục bộ 4 điểm (trường Tiểu học Cúc Phương, khu vực UBND xã, khu dân cư thôn Đồng Quân, lòng hồ Thường Xung) không đi lại được.
Ban chỉ huy PCTT-TKCN xã đã huy động toàn bộ lực lượng tại chỗ 50 người, lực lượng huyện hỗ trợ 15 người khẩn trương khắc phục bằng cách: Chốt giữ 2 đầu đoạn đường bị ngập để cảnh báo nguy hiểm và giúp đỡ người qua đường; sử dụng 3 máy xúc (trong đó có 1 máy của huyện Nho Quan bổ sung) phá kè chắn nước đoạn cuối dòng suối Nga 2 và tuyến đường thôn Đồng Quân và dốc Quèn Thach để phân luồng nước lũ và giảm độ ngập. Đồng thời bổ sung dụng cụ, vật liệu như cuốc, xẻng, rọ sắt với 700 bao tải, 80m3 đá hộc, 30m3 cát, 30m3 đá… tập kết tại đỉnh dốc Quèn Thạch, lực lượng công an, dân quân, thanh niên xung kích và nhân dân với gần 100 người đã tập trung đóng cát vào bao tải, sẵn sàng cho công tác cứu hộ và ứng phó với mưa lũ.
Ngày 11 và 12/10, mưa lũ tiếp tục làm ngập úng các tuyến đường nêu trên, đặc biệt với lượng mưa lớn hơn ngày 10/10 đã làm ngập cục bộ 72 hộ dân ngập sâu dưới 70cm, sạt lở đất gây ách tắc đường đoạn thôn Sấm 2 và Sấm 3 (dài 15m); sạt lở tuyến đường cứu hộ đoạn tiếp nối giữa Vườn Quốc gia Cúc Phương với thôn Nga 1 (dài 50m), sạt lở chân dốc Quèn Thạch dài 200m, lũ quét phá hủy 100 m tường bao, làm ngập úng nhiều giờ gần 60ha cây hoa màu (gồm 50 ha mía, lúa 5ha, ngô 4 ha)… Nước tràn về thung Đinh gây tràn dốc Quèn Thạch, xã tiếp tục huy động 2 máy xúc túc trực nạo vét các điểm sạt lở, huy động lực lượng gia cố bờ kè chắn nước nắn dòng.
Như vậy, đến thời điểm hết ngày 13/10, thiệt hại do mưa bão ở xã Cúc Phương vẫn còn 7 hộ ngập úng chưa rút nước tại thung Đin và hồ Thường Xung; ngập sâu hơn 20 ha mía tại thung Đin, thung Bương và thung Mát; đổ gãy 1 cột điện tại dốc Quèn Thạch. Tài sản của nhân dân bị trôi 2 xe máy, đã tìm thấy và vớt được 1 xe, còn 1 xe đang tiếp tục tìm kiếm… Đoạn đường dốc Quèn Thạch bị sạt lở 200m đã được huy động lực lượng và máy xúc gia cố, khắc phục để thông đường.
Với sự chủ động, tích cực, khẩn trương, xã Cúc Phương đã khắc phục cơ bản ảnh hưởng của mưa lũ, đảm bảo an toàn các công trình hạ tầng, giao thông, sớm ổn định đời sống cho người dân trên địa bàn.
Bài, ảnh: Hạnh Chi