Phóng viên (P.V): Xin đồng chí đánh giá những khó khăn tác động đến công tác thu ngân sách Nhà nước lĩnh vực xuất nhập khẩu trong năm nay?
Đ/c Nguyễn Duy Thuận: Do đặc thù các Chi cục Hải quan thuộc Cục Hải quan Hà Nam Ninh là Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu, chủ yếu hoạt động đầu tư theo loại hình doanh nghiệp gia công, sản xuất xuất khẩu, doanh nghiệp chế xuất được ưu đãi miễn thuế, không chịu thuế, nên số thu của toàn Cục cũng như trên địa bàn tỉnh Ninh Bình phụ thuộc nhiều từ kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn Thành Công.
Đặc biệt, những tháng đầu năm 2022, tình hình sản xuất và thương mại quốc tế nói chung và trên địa bàn tỉnh Ninh Bình nói riêng vẫn bị ảnh hưởng bởi hậu quả của dịch COVID-19. Chính phủ một số nước áp dụng giãn cách xã hội để hạn chế nguồn lây nên nguồn cung về hàng hóa khan hiếm. Việc gián đoạn hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đã ảnh hưởng không nhỏ đến số thu ngân sách Nhà nước (NSNN).
Bên cạnh đó, một số chính sách thuế có sự thay đổi như Nghị định số 101/2021/NĐ-CP ngày 15/11/2021 về áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0% đối với nguyên liệu, linh kiện sản xuất, gia công các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, thời gian tới dự kiến các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ sẽ đăng ký tham gia chương trình ưu đãi thuế do đó tác động đến số thu NSNN trên địa bàn giai đoạn 2020- 2024; Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã quy định giảm thuế giá trị gia tăng đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ 10% xuống 8% từ ngày 01/02/2022, ảnh hưởng đến nguồn thu thuế của Cục, cụ thể số thu thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu giảm khoảng 320 tỷ đồng. Ngoài ra, việc cắt giảm thuế nhập khẩu theo các cam kết gia nhập WTO và tham gia các khu vực mậu dịch tự do đã làm ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn thu NSNN.
Thêm một yếu tố bất lợi ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung và công tác thu ngân sách nói riêng đó là cuộc xung đột giữa Nga và Ucraina đã ảnh hưởng sâu sắc đến nền kinh tế thế giới vốn chưa kịp phục hồi sau đại dịch: giá dầu thô, khí đốt tự nhiên và khí tự nhiên hóa lỏng tăng mạnh nhất kể từ năm 2011 đến nay; kéo theo giá thực phẩm, nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất, cước vận chuyển quốc tế, logistics tăng mạnh; chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy; tình trạng lạm phát tại một số nước gia tăng, thị trường tỷ giá hối đoái bất ổn,...
P.V: Thưa đồng chí, trước những khó khăn đó Cục Hải quan Hà Nam Ninh đã có những giải pháp gì để hoàn thành số thu ngân sách được giao?
Đ/c Nguyễn Duy Thuận: Để đạt được các kết quả thu ngân sách trong bối cảnh khó khăn do tác động của các yếu tố kể trên, Cục Hải quan Hà Nam Ninh đã tích cực triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó nhóm giải pháp về cải cách hành chính được ngành đặt lên hàng đầu. Cụ thể: Cục Hải quan Hà Nam Ninh đã đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính; thực hiện các giải pháp để giảm thời gian thông quan/giải phóng hàng hóa, không làm gián đoạn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Duy trì hoạt động của hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ hải quan, đảm bảo hệ thống công nghệ thông tin vận hành thông suốt 24/7.
Hàng năm, Cục tổ chức hội nghị đối thoại Hải quan - Doanh nghiệp trên địa bàn 3 tỉnh (Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam) với mục tiêu tuyên truyền, phổ biến các quy định, chính sách pháp luật mới nhằm nâng cao tính tuân thủ và giúp cho người khai hải quan hiểu, thực hiện đúng quy định của pháp luật; kịp thời giải đáp những vướng mắc cho doanh nghiệp ngay tại hội nghị …
Đồng thời, tăng cường thực hiện làm thủ tục xuất, nhập khẩu qua hệ thống Hải quan điện tử, cử cán bộ trực ngoài giờ hành chính và ngày nghỉ để phục vụ hoạt động làm thủ tục xuất nhập khẩu của doanh nghiệp. Thực hiện theo phương châm "Hết việc chứ không hết giờ".
Bên cạnh đó, ngành Hải quan cũng quyết liệt thực hiện nhóm giải pháp về chống thất thu bao gồm: quản lý chặt chẽ các khâu nghiệp vụ trước, trong và sau thông quan để đảm bảo thu đúng, thu đủ NSNN. Trong đó, chú trọng tăng cường rà soát, kiểm tra, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện đúng quy định về việc khai báo tên hàng, mã số, trị giá đối với những mặt hàng có thuế suất cao, kim ngạch lớn nhập khẩu thường xuyên; kết hợp với việc đánh giá tính tuân thủ của doanh nghiệp, trong đó chú trọng những doanh nghiệp khai báo giá thấp, đột biến, đã phát hiện vi phạm để kịp thời phát hiện các trường hợp khai sai mã số, khai ngụy trang tên hàng hóa hoặc khai tên hàng hóa không rõ ràng để được áp dụng mức thuế suất thấp.
Thực hiện công tác kiểm tra nội bộ, thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch, kiểm tra sau thông quan, trong đó tập trung vào các mặt hàng có trị giá lớn, thuế suất cao, hàng hóa nhập khẩu của các doanh nghiệp từ các thị trường có nghi vấn; hàng hóa khai giảm giá, mức giá khai báo thấp hơn cơ sở dữ liệu; hàng hóa khai báo thuế suất ưu đãi đặc biệt, khai thuộc đối tượng miễn thuế, hoàn thuế; hàng hóa khai sai loại hình sau đó đề nghị thanh khoản, hoàn thuế.
Cục Hải quan cũng tập trung rà soát, nắm chắc tình hình nợ thuế của doanh nghiệp các Chi cục trực thuộc; phân loại các nhóm nợ có khả năng thu, nợ không có khả năng thu, mỗi nhóm nợ có đánh giá chi tiết từng khoản nợ theo từng tờ khai, từng doanh nghiệp nợ.
Cục chỉ đạo các đơn vị tăng cường triển khai áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Tích cực, chủ động kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu, nhất là đối với những mặt hàng nhạy cảm, nhằm kịp thời phát hiện các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế gây thất thu cho NSNN.
P.V: Với những giải pháp đồng bộ mà ngành Hải quan đã triển khai, xin đồng chí đánh giá về khả năng hoàn thành số thu ngân sách năm 2022?
Đ/c Nguyễn Duy Thuận: Năm 2022, Cục Hải quan Hà Nam Ninh được giao chỉ tiêu pháp lệnh về thu NSNN là 6.500 tỷ đồng, chỉ tiêu phấn đấu là 6.690 tỷ đồng. Trong đó, địa bàn tỉnh Ninh Bình được Bộ Tài chính giao nhiệm vụ thu NSNN từ hoạt động xuất nhập khẩu theo Quyết định số 2295/QĐ-BTC ngày 07/12/2021 là 4.105 tỷ đồng, chỉ tiêu phấn đấu là 4.195 tỷ đồng.
Tính đến ngày 22/11/2022, số thu NSNN từ hoạt động xuất, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Ninh Bình là 4.443 tỷ đồng, đạt 108,2% so với chỉ tiêu được giao; đạt 105,9% so với chỉ tiêu phấn đấu.
Trên cơ sở đánh giá tình hình thu NSNN, đánh giá tác động của các yếu tố đã được đề cập ở trên, Cục Hải quan Hà Nam Ninh ước thực hiện thu NSNN năm 2022 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình là 5.100 tỷ đồng, đạt 124 % so với chỉ tiêu được giao; đạt 121% so với chỉ tiêu phấn đấu.
P.V: Để tăng nguồn thu lĩnh vực xuất, nhập khẩu bền vững, theo đồng chí trong thời gian tới, tỉnh Ninh Bình nói chung và ngành Hải quan nói riêng cần triển khai những giải pháp nào thưa đồng chí?
Đ/c Nguyễn Duy Thuận: Giai đoạn vừa qua, tỉnh Ninh Bình đã có sự phát triển nhanh và trở thành tỉnh tự cân đối ngân sách từ năm 2022, đứng thứ 14/63 địa phương về số thu ngân sách, do vậy yêu cầu phải có nguồn thu bền vững là đòi hỏi tất yếu. Chính vì thế, tỉnh Ninh Bình cần có giải pháp kêu gọi, thu hút các nguồn vốn đầu tư vào địa bàn tỉnh. Kêu gọi các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện thủ tục hải quan tại Chi cục Hải quan Ninh Bình. Đồng thời, UBND tỉnh cần chỉ đạo các sở, ban, ngành đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách thủ tục hành chính trong đó tập trung chuyển đổi số, tăng cường năng lực cạnh tranh.
Đối với ngành Hải quan, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực Hải quan. Trong đó, coi công tác chuyển đổi số là một giải pháp mang tính đột phá nhằm đẩy mạnh hiện đại hóa Hải quan. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào các lĩnh vực quản lý, giám sát quản lý hàng hóa xuất, nhập khẩu, thu thuế xuất nhập khẩu, cải cách thủ tục hành chính.
Tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất, nhập khẩu; giải quyết kịp thời vướng mắc phát sinh thuộc thẩm quyền liên quan đến thủ tục Hải quan, chính sách thuế, công tác quản lý thuế, chế độ hoàn thuế, miễn thuế, tháo gỡ khó khăn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc nộp thuế.
Tăng cường chống thất thu ngân sách thông qua công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện thủ tục hải quan, quản lý thuế, kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành, kiểm tra nội bộ, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại; chủ động rà soát, phân loại, thu hồi và xử lý nợ thuế đã phát sinh đồng thời không để phát sinh nợ mới qua công tác thanh tra, kiểm tra.
P.V: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Nguyễn Thơm (thực hiện)