Một số nghị quyết quan trọng, có tác động rộng rãi đến đời sống nhân dân sẽ được xem xét, thông qua trong kỳ họp này như: Nghị quyết quy định chế độ, chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2022-2025; Nghị quyết thông qua Đề án xây dựng nông thôn mới tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2022-2025…
Hoạt động chất vấn tại kỳ họp cũng sẽ được thực hiện trực tiếp tại hội trường. Nội dung chất vấn tập trung vào 2 nhóm vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm đó là: Công tác lập, quản lý quy hoạch xây dựng và quản lý trật tự xây dựng; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chỉnh lý bản đồ địa chính sau dồn điền, đổi thửa tại các huyện, thành phố.
Là một cử tri phường Nam Thành (thành phố Ninh Bình), ông Nguyễn Văn Vinh bày tỏ: Trước kỳ họp thứ bảy HĐND tỉnh, cử tri chúng tôi được dự buổi tiếp xúc với đại biểu HĐND tỉnh ứng cử trên địa bàn. Qua thông tin mà đại biểu cung cấp, cử tri phấn khởi với những kết quả tỉnh nhà đạt được trong 6 tháng đầu năm, đặc biệt là công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh tiếp tục được tập trung, quyết liệt, chủ động, linh hoạt.
Trong đó nhiều phương án, kịch bản phòng, chống dịch COVID-19 cho các tình huống cụ thể, nhất là về cách ly điều trị F0, chuẩn bị vật tư, trang thiết bị y tế phòng, chống dịch đã được xây dựng và triển khai hiệu quả như: thực hiện quản lý, điều trị F0 tại nhà, tiếp tục triển khai hiệu quả hoạt động của các trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng; thực hiện tốt việc tiêm vắc xin...
Nhờ đó, dịch đã nhanh chóng được kiểm soát, số ca mắc mới đã giảm sâu. Thành công trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 đã củng cố niềm tin, sự an tâm của người dân, doanh nghiệp, tạo cơ sở cho mọi hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội trở lại bình thường.
Đặc biệt quan tâm đến sự phát triển của tỉnh, ông Vinh cho rằng để có nhiều giải pháp hữu hiệu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển, tại kỳ họp này, các đại biểu HĐND tỉnh cần tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, hiến kế giúp cho tỉnh tiếp tục phát huy được tiềm năng, lợi thế, đồng thời tháo gỡ được những "điểm nghẽn".
Chẳng hạn như tiến độ triển khai các công trình trọng điểm, nhất là những dự án lớn của quốc gia triển khai trên địa bàn tỉnh, các dự án trọng điểm của tỉnh. Nếu đẩy nhanh được tiến độ các dự án sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn về giải ngân vốn đầu tư công; những dự án này khi hoàn thành sẽ tạo sự đột phá, nâng tầm vị thế của tỉnh.
Trong quá trình thực hiện sẽ thu hồi diện tích đất không nhỏ, do vậy cần phải có chính sách đền bù thỏa đáng, hỗ trợ người dân tái định cư, đào tạo giải quyết việc làm để người dân có cuộc sống tốt hơn trước.
Một trong những vấn đề được quan tâm nhiều trong thời gian qua là các chỉ số đánh giá cấp tỉnh. Trong đó, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) - chỉ số phản ánh cảm nhận của doanh nghiệp đánh giá chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền chưa được cải thiện, xếp thứ 58/63 tỉnh, thành phố theo đánh giá năm 2021.
Điều này hoàn toàn trái ngược với kết quả của chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2021 tỉnh Ninh Bình đạt 89,36 điểm, xếp thứ 12/63 toàn quốc; chỉ số cải cách hành chính PAR-Index năm 2021 tỉnh Ninh Bình đạt 87,29 điểm, xếp thứ 20/63; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2021 xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố.
Một cử tri là chủ doanh nghiệp trên địa bàn huyện Hoa Lư cho rằng, các chỉ số đánh giá về cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh.
Do đó, tại kỳ họp này rất mong trong các giải pháp mà HĐND tỉnh quyết định để thực hiện trong 6 tháng cuối năm và thời gian tiếp theo là phải siết chặt hơn nữa kỷ cương, nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ ở các cấp, tránh hiện tượng cán bộ sợ sai nên không làm. Đây cũng là giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Cũng qua theo dõi thông tin từ các cuộc tiếp xúc của đại biểu HĐND tỉnh với cử tri huyện Nho Quan, cử tri Quách Văn Nhượng ở xã Đức Long bày tỏ vui mừng với kết quả xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh.
Theo cử tri Quách Văn Nhượng, tính đến hết tháng 6 năm 2022, toàn tỉnh có 117/119 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 17 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 11 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 238 thôn được công nhận khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, 7 huyện, thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là những kết quả rất quan trọng phản ánh nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân, trong đó phản ánh rất chân thực việc thực hiện những quyết sách của HĐND tỉnh đã đề ra trong các kỳ họp trước đối với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Cử tri Quách Văn Nhượng cũng cho rằng HĐND tỉnh cần tiếp tục bàn thảo, đề ra chính sách phù hợp theo hướng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững; ưu tiên nguồn lực cho các xã, các huyện chưa đạt chuẩn nông thôn mới, nhất là các xã còn khó khăn; hỗ trợ các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới đã đạt chuẩn nhưng chỉ tiêu vẫn còn thấp để nâng cao chất lượng các tiêu chí và đảm bảo bền vững…
Theo ghi nhận của phóng viên, đông đảo cử tri của tỉnh mong chờ kỳ họp thứ bảy, HĐND tỉnh khóa XV sẽ quyết đáp các vấn đề quan trọng, trong đó đề ra được giải pháp quyết liệt và hiệu quả thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.
Bài, ảnh: Vân Giang