Giang thu ngân của một siêu thị mini trên địa bàn thành phố Ninh Bình buồn bã kể: Em tốt nghiệp Học viện Ngân hàng, ra trường từ năm 2013. Em cũng đã nộp hồ sơ dự thi nhiều ngân hàng ở cả Hà Nội và Ninh Bình. Đã có nơi, em lọt vào vòng phỏng vấn cuối cùng chỉ có 5 người. Vậy nhưng trượt vẫn hoàn trượt bởi yêu cầu của các đơn vị tuyển dụng vẫn là cần phải có kinh nghiệm trong lĩnh vực mình dự thi từ 1-2 năm. Trong khi, sinh viên mới ra trường như chúng em thì lấy đâu ra kinh nghiệm… Đến khi chán hẳn với các cuộc phỏng vấn, các đợt thi tuyển dụng của ngành ngân hàng, ở nhà mãi cũng không được nên Giang đi thi tuyển làm nhân viên thu ngân- bán hàng tại siêu thị tư nhân qua lời giới thiệu của bạn bè. Lương 3 triệu đồng/tháng với sinh viên mới ra trường cũng không có gì đáng phàn nàn. Chỉ có điều, như Giang vẫn thường dằn vặt mình "nếu chỉ để bán hàng ở một siêu thị nhỏ như này, chẳng cần đến 4 năm đại học làm gì cho tốn tiền của bố mẹ…"… Cùng chung cảnh thất nghiệp với Giang, Minh lại có chồng con khá đề huề dù chưa có việc làm đã mấy năm. Tốt nghiệp trường Đại học Hoa Lư, đã thi tuyển vài đợt tuyển dụng giáo viên của ngành giáo dục nhưng Minh không đỗ. Lý do theo Minh là "Điểm học tập của em không cao, cộng với trường tốt nghiệp của em luôn phải xếp sau các trường sư phạm khác như: Sư phạm Hà Nội I, Sư phạm II… nên rất khó để trúng tuyển các kỳ thi tuyển dụng giáo viên của tỉnh". Không biết phải làm gì, Minh lấy chồng để mong nhờ cậy gia đình chồng giúp đỡ. Từ ngày lấy chồng đến nay đã 4 năm, đã có 2 con nhưng con đường xin việc của Minh vẫn xa vời vợi. Hàng ngày bận rộn với thiên chức làm vợ, làm mẹ, việc cơm nước, nhà cửa, 2 đứa con thơ đã khiến ước mơ làm cô giáo ngày nào của Minh dường như bị…dập tắt. Minh thở dài cho biết: Giờ thì em chỉ cần xin vào làm hợp đồng tạp vụ ở một cơ quan nào đó, để hàng ngày đi làm cho bản thân cảm thấy mình còn có ích…
Không có con số thống kê chính xác về số sinh viên trong tỉnh tốt nghiệp đại học ra trường có việc làm hay chưa, chỉ biết rằng, qua các câu chuyện của các bậc phụ huynh, qua nhiều kỳ tuyển dụng của các cơ quan, doanh nghiệp, ngân hàng… mới thấy rằng đây là con số không hề nhỏ. Để xảy ra tình trạng này chẳng thể đổ lỗi ở cơ quan nào, ngành nào bởi sự lựa chọn ngành nghề cho tương lai là quyền quyết định của mỗi cá nhân, mỗi gia đình. Còn nhớ, trước mỗi mùa thi đại học, mặc dù các nhà trường trong tỉnh đẩy mạnh công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp, nhưng số học sinh lựa chọn trường nghề để học không nhiều. Số lựa chọn trường nghề chủ yếu tập trung vào những trường có đầu vào tuyển sinh thấp, trường ngoài công lập, hệ thống Trung tâm giáo dục thường xuyên. Còn phần lớn với học sinh lớp 12, đại học vẫn là con đường duy nhất để lập thân, lập nghiệp. Đã vậy, những trường đại học được lựa chọn nhiều thường tập trung vào các trường thuộc khối kinh tế, công nghệ. Do đó, đối tượng sinh viên các trường: Ngoại thương, ngân hàng, kinh tế… những năm qua tốt nghiệp ra trường nhưng rất khó tìm kiếm việc làm ở tỉnh. Như lĩnh vực ngân hàng, những năm qua các ngân hàng trên địa bàn cũng tuyển dụng nhiều đợt.
Tuy nhiên, nếu không đỗ tại các kỳ tuyển dụng này, sinh viên ngân hàng rất khó để tuyển dụng ở các ngành khác vì đặc thù chuyên ngành học. Giải pháp được nhiều cử nhân lựa chọn hiện nay là "bám trụ" thủ đô để tìm cơ hội việc làm tại các công ty, doanh nghiệp tư nhân, đi bán hàng tại các siêu thị, cửa hàng thời trang, đi tiếp thị… Số khác quay về quê, tiếp tục sống nhờ bố mẹ để trông chờ gia đình xin việc. Hoặc đi gia sư, đi làm thuê tại các cửa hàng, doanh nghiệp nhỏ…Đặc biệt, câu chuyện về những cử nhân giấu bằng đại học để đi làm công nhân tại các công ty may mà nhiều người vẫn nghe kể đã và đang xảy ra ở các tỉnh phía Nam, tưởng đâu xa nhưng cũng có ở trong tỉnh. Vài lần đi tác nghiệp ở các địa phương, chúng tôi đã nghe nhiều bà con kể về trường hợp A, trường hợp B tốt nghiệp đại học mà phải đi làm công nhân với thái độ nuối tiếc. Đem theo câu chuyện này nhắc lại với một đồng chí làm cán bộ công đoàn ở một công ty may, chị cán bộ công đoàn cho biết: Thực tế đi tuyển dụng làm công nhân may, chẳng ai người ta cầm theo bằng tốt nghiệp đại học làm gì. Một phần vì xấu hổ, phần vì điều kiện tuyển dụng công nhân cũng không cần…
Trước thực trạng sinh viên tốt nghiệp ra trường mà không có việc làm như hiện nay, nguyên nhân chính là do công tác đào tạo của nhiều trường đại học vẫn chạy theo số lượng, chưa chú trọng đến nhu cầu và đòi hỏi của thị trường. Bên cạnh đó còn có nguyên nhân quan trọng xuất phát từ chính người học và gia đình khi có rất nhiều bậc phụ huynh vẫn còn suy nghĩ và quan niệm "học làm thầy", không muốn "học làm thợ". Trong khi, nhu cầu tuyển dụng thợ lành nghề ở nhiều lĩnh vực hiện nay vẫn đang trong tình trạng "cung không đủ cầu". Để làm thay đổi suy nghĩ tồn tại bấy lâu về việc lựa chọn ngành nghề, không phải "một sớm, một chiều" có thể làm được. Tuy nhiên, cùng định hướng, lựa chọn một ngành nghề phù hợp với năng lực, sở trường cho con em, đáp ứng yêu cầu của xã hội luôn cần các gia đình, các bậc phụ huynh cân nhắc kỹ, tránh tình trạng mất công học hành vất vả, tốn kém 4-5 năm trời mà kết quả nhận lại là tình trạng thất nghiệp vì chính ngành nghề mình lựa chọn.
Lý Nhân