Lợi thế của dự án Công viên động vật hoang dã quốc gia tại Ninh Bình là công viên bảo tồn động vật hoang dã quốc gia đầu tiên tại Việt Nam và duy nhất đến thời điểm này được xây dựng, phát triển, hoạt động theo tiêu chuẩn quốc tế. Địa điểm đặt tại 2 xã miền núi Kỳ Phú và Phú Long (Nho Quan) với tổng diện tích khoảng 1.155 ha.
Đây được xem là vị trí đặc biệt phù hợp để nuôi dưỡng động vật hoang dã do có địa hình đa dạng, thảm thực vật phong phú, có đồi núi, rừng thưa, các thung đất rộng và nguồn nước ngọt lắng lọc tự nhiên… Đặc biệt, vị trí dự án gần với Vườn Quốc gia Cúc Phương nơi có nhiều kinh nghiệm trong việc nuôi dưỡng, cứu hộ động vật hoang dã, nhất là các loài linh trưởng.
Không chỉ phục vụ mục đích bảo tồn, công viên còn có thể trở thành điểm du lịch hấp dẫn. Từ công viên, du khách có thể tham quan Vườn Quốc gia Cúc Phương, Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư, khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long, Khu du lịch Bái Đính - Tràng An, Tam Cốc - Bích Động, Nhà thờ đá Phát Diệm. Theo đánh giá của các chuyên gia, những điểm du lịch này có thể thu hút tới hàng triệu du khách mỗi năm.
Theo quyết định đã được phê duyệt, tổng nhu cầu vốn đầu tư vào dự án khoảng 7.368 tỷ đồng, trong đó: vốn xã hội hóa khoảng 5.247 tỷ đồng (71,2%) đầu tư cho các hạng mục: Xây dựng hạ tầng các phân khu và các dự án, công trình dịch vụ, du lịch trong phạm vi Công viên.
Ngân sách Nhà nước khoảng 2.121 tỷ đồng (28,8%) đầu tư cho các hạng mục: Giải phóng mặt bằng; các trục đường trong Công viên; các trạm cấp nước, cấp điện, xử lý nước thải, rác thải; cơ sở hạ tầng Phân khu động vật hoang dã, Phân khu chăm sóc - nghiên cứu phát triển động vật hoang dã.
Sau một thời gian triển khai, hiện nay, nhiều nội dung thiết yếu của dự án đã và đang được hoàn thiện. Cụ thể: Từ năm 2012 đến năm 2016 đã tiến hành khảo sát địa hình; lập đồ án quy hoạch 1/2000, đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 các phân khu, các dự án thành phần.
Việc rà phá bom, mìn cũng đã được nhà thầu là Trung tâm xử lý bom mìn, vật nổ- Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô thi công với khối lượng nghiệm thu đạt 81% giá trị hợp đồng. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng khu nuôi thả thú dữ châu á đã được đầu tư một phần. Bên cạnh đó, giai đoạn I tuyến đường giao thông Công viên nối với Quốc lộ 45 và Tỉnh lộ 479D đã và đang được thi công.
Nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi
Giao thông, cơ sở hạ tầng thiết yếu của Công viên đã và đang được đầu tư. Dự án tiên phong "Trang trại bảo tồn gấu Ninh Bình" cũng đã được Four Paws Viet xây dựng và đưa vào hoạt động có hiệu quả từ cuối năm 2017, hiện đang cứu hộ hơn 20 cá thể gấu.
Và theo Đề án, đến khi hoàn thiện, Công viên sẽ trở thành trung tâm bảo tồn, cứu hộ, phát triển và lưu trữ nguồn gen động vật hoang dã, quý hiếm hàng đầu Việt Nam và khu vực. Tạo hiện trường và cơ sở phục vụ nghiên cứu khoa học, đào tạo học sinh, sinh viên trong nước và quốc tế cũng như thu hút khoảng 5 triệu lượt khách du lịch mỗi năm bởi các dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí đi kèm.
Với những lợi thế sẵn có, Dự án Công viên động vật hoang dã quốc gia tại Ninh Bình được chính quyền địa phương và nhà nước ưu đãi nhiều chính sách, góp phần thúc đẩy vốn đầu tư mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Cụ thể: Khi tham gia đầu tư vào dự án, các nhà đầu tư sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế, mặt bằng, đào tạo nguồn nhân lực, công tác thông tin, tuyên truyền... Ngoài ra, các dự án đầu tư tại Công viên còn được hỗ trợ như dự án nông nghiệp áp dụng công nghệ cao theo quy định tại Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Ông Tô Văn Vượng, Giám đốc Ban quản lý Công viên động vật hoang dã quốc gia tại tỉnh Ninh Bình cho biết: Chúng tôi đang khuyến khích nhà đầu tư đầu tư vào các phân khu.
Bao gồm: Phân khu động vật hoang dã: xây dựng các khu biểu diễn show thú, các công trình phục vụ khách tham quan, hạ tầng kỹ thuật nội khu. Phân khu vui chơi giải trí theo chủ đề: đầu tư xây dựng khu phim trường, khu công viên nước, khu vui chơi giải trí cảm giác mạnh, khu biểu diễn nghệ thuật, khu mô hình thế giới thu nhỏ. Phân khu trung tâm dịch vụ: đầu tư hệ thống giao thông, hạ tầng kỹ thuật nội khu, cổng chào, cây xanh cảnh quan, bãi đỗ xe, nhà hành chính, văn phòng, dịch vụ hỗn hợp, khách sạn, nhà hàng.
Khu tái định cư và nhà công vụ: đầu tư các công trình chung cư kết hợp với các công trình công cộng, bảo tồn điểm văn hóa tâm linh, hệ thống điện chiếu sáng, cấp thoát nước, vệ sinh môi trường…
Bài, ảnh: Nguyễn Lựu