Cùng dự có các đồng chí lãnh đạo, nguyên là lãnh đạo Công ty Điện lực Ninh Bình; các phòng, ban, cơ quan, đơn vị trực thuộc và đông đảo cán bộ, công nhân viên (CNV), người lao động thuộc Công ty.
Công ty Điện lực Ninh Bình được thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 16/5/1992. Qua 25 năm hình thành và phát triển với những tên gọi khác nhau, gắn liền với đó là chức năng nhiệm vụ theo yêu cầu phát triển chung của ngành điện và tỉnh Ninh Bình.
Từ tháng 5/1992 đến tháng 3/1996 là Sở điện lực Ninh Bình; từ tháng 4/1996 đến tháng 6/2003 là Điện lực Ninh Bình; từ tháng 7/2003 đến nay là Công ty TNHH MTV Điện lực Ninh Bình.
Lúc đầu mới thành lập, được tiếp nhận lại từ Sở điện lực Hà Nam Ninh mới chỉ có 2 chi nhánh điện, 9 trạm trung gian 35/10 kV với tổng công suất 34.400 kVA; 10 trạm hạ thế (6 trạm ở khu vực thị xã Ninh Bình và 4 trạm tại khu vực huyện Tam Điệp). Các đường dây dẫn quá cũ nát, chắp nối nhiều đoạn đã không chịu nổi khi mang tải, pha trên chập pha dưới, sự cố thuờng xuyên xảy ra, có khi kéo dài hàng tuần mới khắc phục được.
Tổng sản lượng điện thương phẩm năm 1992 chỉ đạt 52 triệu kW giờ, tổn thất điện năng lên đến 32%. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật, quản lý vận hành và kinh doanh bán điện chỉ có 105 người, phần lớn là lao động phổ thông chưa qua đào tạo...
Cùng với công cuộc đổi mới của đất nước, của tỉnh Ninh Bình và của ngành, trải qua 25 năm xây dựng và phát triển, Công ty TNHH MTV Điện lực Ninh Bình đã từng bước vươn lên, phát triển toàn diện, mạnh mẽ, khẳng định vị thế của một đơn vị đại diện cho ngành đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước và của địa phương.
Đến nay, lưới điện trong toàn Công ty quản lý bao gồm: Lưới điện 110kV bao gồm có 4 tuyến (10 lộ); 13 trạm (21MBA) với tổng công suất 617,5MVA và 176,38 km đường dây 110kV. Lưới điện 35 kV bao gồm: 2 MBA 35/22 kV/2 trạm với công suất 8.000kVA; 35 MBA 35/10kV/17 trạm trung gian với công suất 126.250 kVA; 267MBA 35/0,4kV/233 trạm phân phối với công suất 146.381,5 kVA; quản lý 318,878 km đường dây 35kV. Lưới điện 22 kV gồm 1.206 MBA 22/0,4 kV/1164 trạm với công suất 338.599 kVA và 636,216 km đường dây 22kV. Lưới điện 10 kV gồm 873 MBA 10/0,4 kV/841 trạm với công suất 198.977 kVA và 517,984 km đường dây. Lưới điện 0,4 kV gồm 3.059.089 km đường dây.
Số lượng khách hàng có hơn 320.000 khách hàng. Tổn thất điện năng đạt 4,1%. Sản lượng điện thương phẩm 2.090 triệu kWh. Giá bán điện bình quân 1.511,2 đ/kWh. Chỉ số tiếp cận điện năng ≤ 9 ngày. Điểm hài lòng của khách hàng đạt 8 điểm...
Với những thành tích đạt được, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển công nghiệp Việt Nam, sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Bình, Điện lực Ninh Bình vinh dự được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng ba (năm 2001), Huân chương Lao động hạng nhì (năm 2007) và Huân chương Lao động hạng nhất (năm 2012).
Đồng chí Đinh Chung Phụng, TVTU, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh trao cờ "Đơn vị thi đua xuất sắc năm 2016" cho tập thể cán bộ, CNV Công ty.
Nhiều tập thể, cá nhân được khen thưởng trong dịp này.
Nhân dịp này, UBND tỉnh Ninh Bình tặng cờ "Đơn vị thi đua xuất sắc năm 2016" cho tập thể cán bộ, CNV Công ty; Bộ Công Thương tặng Bằng khen cho 3 tập thể và 17 cá nhân; Tập đoàn Điện lực Việt Nam tặng Bằng khen cho 6 tập thể và 8 cá nhân; Tổng công ty Điện lực miền Bắc tặng Giấy khen cho 4 tập thể và 12 cá nhân.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Đinh Chung Phụng, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho rằng: Những năm qua kinh tế Ninh Bình có sự phát triển nhanh, văn hóa- xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên, an ninh- quốc phòng ngày càng được đảm bảo...
Đóng góp vào thành quả đó có công sức của ngành điện tỉnh nhà. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ghi nhận và biểu dương những thành tích mà cán bộ, CNV, người lao động Công ty Điện lực Ninh Bình đạt được.
Điện, đường, trường, trạm là những vấn đề được Tỉnh ủy, HĐND, UBND quan tâm đầu tư phát triển ngay từ khi mới tái lập tỉnh. Sau 25 năm tái lập tỉnh, ngành điện đã phát triển nhanh, mạnh cả về quy mô lẫn chất lượng; vươn tới vùng sâu, vùng xa của tỉnh.
Tuy nhiên, thời gian tới cùng với xu hướng đổi mới và hội nhập thì tốc độ phát triển công nghiệp, dịch vụ diễn ra nhanh và mạnh, hơn nữa kinh tế tư nhân sẽ trở thành động lực của sự phát triển trong thời kỳ mới; mặt khác thời tiết khí hậu lại diễn biến khó lường có thể gây sự cố đến hạ tầng kỹ thuật và hoạt động phục vụ khách hàng...
Những vấn đề trên cho thấy nhu cầu về điện trong sinh hoạt, sản xuất của người dân và các thành phần kinh tế ngày càng cao và đó cũng là khó khăn, thách thức của ngành điện trong thời gian tới. Đồng chí mong muốn Công ty sẽ đoàn kết, phát huy nội lực, tập trung trí tuệ biến thách thức thành cơ hội và đưa Công ty tiếp tục phát triển với bước phát triển mới, vững chắc trong thời gian tới.
Đinh Chúc-Đức Lam