Đồng chí Vũ Tiến Lộc, Phó giám đốc Công ty KTCTTL cho biết: Để chủ động chống úng bảo vệ lúa, hoa màu trong vụ mùa, ngay từ cuối tháng 3 Công ty đã tổ chức kiểm tra đánh giá hiện trạng công trình trước lũ, lập kế hoạch sửa chữa kịp thời những công trình hư hỏng với tổng kinh phí khoảng 7 tỷ đồng, song do nguồn kinh phí có hạn nên Công ty chỉ đảm nhiệm được phần kinh phí để đại tu sửa chữa các thiết bị điện, máy bơm phục vụ chống úng, còn việc đầu tư nâng cấp các trạm bơm Gia Trấn, Bạch Cừ, Đầm Khánh, Liễu Tường; nạo vét các trục tiêu lớn như hệ thống kênh tiêu 5, kênh Tiên Hoàng (Yên Khánh); trục tiêu Tân Hưng, Kiến Thái (Kim Sơn); kênh Đô Thiên (Hoa Lư) và hệ thống kênh tiêu của trạm bơm Gia Viễn… Công ty phải đề nghị tỉnh, Trung ương hỗ trợ.
Sau khi có kế hoạch, Công ty đã chỉ đạo các đội KTCTTL huy động lực lượng khẩn trương đại tu, sửa chữa thay bi, bạc, ống bơm và các thiết bị điện 106 máy bơm của 39 trạm bơm tiêu và kiểm tra, sửa chữa hàng trăm cống dưới đê và nội đồng... đảm bảo 100% số công trình vận hành hết công suất phục vụ chống úng. Chuẩn bị đầy đủ dầu, mỡ, vật tư dự phòng đáp ứng yêu cầu chống úng. Các đội KTCTTL huyện phối hợp với các xã, HTX tiến hành kiểm tra khơi thông dòng chảy, giải tỏa đăng đó, vó, cượm, bèo trên các trục tiêu đảm bảo cho việc tiêu thoát nước nhanh khi mưa úng xảy ra. Các xã, HTX cũng tiến hành kiểm tra nạo vét kênh mương, tôn cao khép kín các bờ vùng, sửa chữa máy bơm dầu, bơm điện hiện có để sẵn sàng chống úng bảo vệ lúa, hoa màu. Công ty đã thành lập Ban chỉ huy PCLB và các tiểu ban; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; xây dựng phương án chống úng cụ thể và sát với thực tế của từng vùng.
Để công tác phòng, chống úng có hiệu quả, Công ty chỉ đạo các đội thực hiện tốt phương châm phòng úng là chính, chống úng phải tích cực và đảm bảo nguyên tắc: đồng trũng, xa tiêu trước, cao gần tiêu sau và thực hiện chôn nước vùng cao, trữ nước tại các ao hồ, tiêu thoát một cách hợp lý. Khi lấy nước tưới, tổ chức lấy theo đúng lịch, không kéo dài và tiêu nhanh sau khi tưới để rút nước trong hệ thống xuống mực nước khống chế của từng vùng; chú ý điều tiết các cống vùng trũng kể cả khi tưới cũng như tiêu. Những diện tích cao cục bộ dùng các phương tiện bơm dầu, gầu, guồng để bơm tát, không vì tưới ép mà mở nước vào quá lớn làm ngập úng các vùng trũng và gây bất lợi cho việc tiêu nước khi có mưa bất thường. Thực hiện nghiêm quy trình vận hành công trình trong mùa mưa bão, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, đặc biệt là bão và áp thấp nhiệt đới để chỉ đạo tưới tiêu sát thực tế.
Với kinh nghiệm chỉ đạo chống úng nhiều năm và trên cơ sở các đường vùng, công trình đầu mối hiện có, Công ty đã chia thành 6 vùng chống úng như vùng bán sơn địa của Nho Quan, Gia Viễn, đây là vùng trọng điểm chống úng của tỉnh trong mùa mưa bão. Về mùa mưa, mực nước trên sông Hoàng Long lên cao vì thế biện pháp tiêu chủ yếu bằng động lực. Riêng đối với vùng phân lũ thuộc các xã Gia Sinh, Gia Minh, Gia Phong, Gia Lạc..., Công ty chỉ đạo các đội KTCTTL huyện chuẩn bị sẵn sàng phương án kê kích máy bơm để đảm bảo an toàn cho máy móc, thiết bị và công nhân. Đối với vùng triều gồm Kim Sơn, Yên Khánh và một phần của huyện Yên Mô, khi có mưa úng thì biện pháp tiêu chủ yếu là tận dụng thủy triều thấp mở cống tiêu nước, khi thủy triều không tiêu được thì vận hành tất cả các trạm bơm tiêu để bơm nước chống úng cho lúa, hoa màu. Đối với vùng trũng, xa công trình đầu mối, các địa phương xây dựng phương án, biện pháp chủ động chuẩn bị sẵn sàng phương tiện máy bơm dầu, bơm điện, gầu, guồng để bơm tát cứu lúa, hoa màu. Ngoài các công trình thuộc Công ty quản lý, các xã, HTX cũng đã triển khai sửa chữa, bảo dưỡng và chuẩn bị trên 200 máy bơm điện, bơm dầu sẵn sàng chống úng khi có mưa lớn xảy ra. Trong mùa mưa bão, Công ty chỉ đạo các đội KTCTTL huyện tăng cường kiểm tra đồng ruộng và quy trình vận hành các cống, trạm bơm tiêu để có biện pháp chỉ đạo việc tưới, tiêu nước đạt hiệu quả cao, góp phần bảo vệ lúa, hoa màu.
Bài, ảnh: Thanh Chiên