Trong đó tưới tiêu chủ động từ trạm bơm 9.108 ha, từ kênh, hồ đập 1.689 ha, từ nguồn thủy triều 7.449 ha và từ tự nhiên 8.814 ha, diện tích còn lại thuộc diện tạo nguồn cho các HTX. Đến thời điểm này 100% diện tích đã có đủ nước phục vụ gieo cấy.
Đồng chí Vũ Tiến Lộc, Phó Giám đốc Công ty KTCTTL tỉnh cho biết: Những năm gần đây diễn biến khí tượng thủy văn phức tạp đã phần nào tác động tới việc cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp. Hơn nữa, đợt mưa lũ năm 2008 đã làm hư hỏng một số trạm bơm, nhiều tuyến kênh mương bị sạt lở, bồi lắng.
Trước tình hình đó, ngay từ đầu vụ đông xuân Công ty đã lập kế hoạch tưới tiêu chi tiết cho tất cả các công trình ở từng địa phương. Tập trung nạo vét các tuyến kênh chính, phối hợp với các địa phương phát động toàn dân ra quân làm thủy lợi nội đồng, khơi thông dòng chảy. Tiến hành rà soát lại hệ thống trạm bơm, hồ đập, chỉ đạo các trạm tu sửa, bảo dưỡng máy móc, đặc biệt quan tâm đến các cống dưới đê, tiến hành thay các cánh cống đã bị hư hỏng. Hợp đồng với Công ty TNHH một thành viên Điện lực Ninh Bình đảm bảo cung cấp đủ điện vào thời gian cao điểm phục vụ việc tưới, tiêu. Qua công tác kiểm tra cho thấy, 100% số máy bơm ở 130 trạm bơm trên địa bàn tỉnh của Công ty đều vận hành tốt.
Đến thời điểm này, Công ty đang cho chạy 167 máy bơm, vận hành các hồ, cống dưới đê đảm bảo nước phục vụ làm đất và gieo cấy. Đối với các xã vùng cao, vùng cuối kênh, vùng thiếu nước cục bộ, Công ty đã có phương án riêng, chủ động phối hợp với các địa phương và nông dân sử dụng máy bơm dầu, đảm bảo không để ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất. Nhằm nâng cao hiệu quả của việc tưới tiêu, điều quan trọng nhất hiện nay là các địa phương cần chỉ đạo bà con nông dân gieo cấy đúng khung thời vụ, gieo cấy tập trung, thực hiện tiết kiệm nước, đồng thời quản lý điều tiết nước phù hợp. Không vì việc miễn thủy lợi phí mà buông lỏng quản lý gây thất thoát, lãng phí nước.
Bên cạnh việc cung cấp nước thì việc tiêu thoát nước cũng là một vấn đề trọng tâm, bởi ở vụ mùa, lượng mưa khá lớn thường gây ra ngập úng cục bộ. Đặc biệt ở giai đoạn lúa mới cấy, cây còn non yếu nếu không tiêu úng kịp thời sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng. Qua thực tế nhiều năm cho thấy, có 3 trọng điểm tiêu úng trên địa bàn tỉnh là các huyện Nho Quan, Gia Viễn, Yên Mô. Việc tưới tiêu ở các huyện này phần lớn dựa vào máy bơm điện, không có sự tách biệt giữa kênh tưới và kênh tiêu, khả năng tiêu bằng tự chảy là rất hạn chế.
Để chủ động đối phó, Công ty đã tiến hành đầu tư sửa chữa các trạm bơm chống úng đảm bảo sẵn sàng hoạt động khi có sự cố mưa to, ngập úng xảy ra. Các tuyến kênh tiêu được kiểm tra thường xuyên, không để xảy ra tình trạng người dân để vó bè, đăng đó làm ách tắc dòng chảy, đảm bảo tiêu thoát lũ nhanh, kịp thời. Công ty đề ra mục tiêu, nếu đầu vụ có mưa lớn dưới 150 mm trong 3 ngày sẽ đảm bảo an toàn cho 100% diện tích gieo cấy, nếu lượng mưa từ 150-200 mm sẽ đảm bảo an toàn cho khoảng 80% diện tích.
Nguyễn Lựu