Là đơn vị cung cấp nước chính cho tỉnh Ninh Bình với 95,6% số hộ dân tại thành phố Ninh Bình và các huyện lân cận, năm 2016, Công ty đã sản xuất và cung ứng 14.830 nghìn m3 nước sạch, trong đó có 90.626 nghìn m3 nước sạch thương phẩm (nước sạch khu vực đô thị 8.659.048 m3, nước sạch vùng nông thôn 361.652 m3), đạt doanh thu 90.626 triệu đồng; cung cấp nước sạch cho 63.511 hộ dân, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước; nộp ngân sách 5.670 triệu đồng.
Cũng trong năm 2016, Công ty cho ra sản phẩm nước lọc Tràng An (đóng trong bình và chai) được thị trường chấp nhận, doanh thu đạt 429,5 triệu đồng, tạo việc làm cho 10 lao động.
Ông Đinh Ngọc Vân, Chủ tịch HĐQT Công ty chia sẻ: Là doanh nghiệp sản xuất, cung cấp nước sạch cho các đô thị trên toàn tỉnh, Công ty phải thực hiện song hành hai mục tiêu: vừa sản xuất, kinh doanh hiệu quả, vừa phục vụ tốt nhu cầu dân sinh, xã hội.
Chính vì vậy, Công ty tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nghiêm 3 tiêu chí an toàn: An toàn về lưu lượng, an toàn về áp lực và an toàn về chất lượng, góp phần đảm bảo nguồn nước hợp vệ sinh, phục vụ đời sống nhân dân.
Những năm tới, Công ty dự kiến cải tạo, nâng công suất các nhà máy nước thành phố Tam Điệp và thị trấn Nho Quan với tổng mức đầu tư dự kiến 304 tỷ đồng bằng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Đan Mạch. Bên cạnh đó, Công ty cũng đặt kế hoạch đầu tư 8 tỷ đồng xây dựng tuyến ống cấp nước từ cầu Trì Chính đến cầu Quy Hậu, xã Như Hòa, Thượng Kiệm và Lưu Phương (huyện Kim Sơn).
Tiếp tục thực hiện dự án cải tạo và mở rộng hệ thống cấp nước thành phố Ninh Bình giai đoạn II bằng nguồn vốn Ngân hàng Thế giới, cải tạo mạng dịch vụ tại 5 phường nội thị, mở rộng cấp nước cho các khu vực phụ cận; đồng thời triển khai thêm 3 dự án cải tạo, mở rộng hệ thống cấp nước tại Yên Khánh, Yên Mô, Hoa Lư và dự án thoát nước, xử lý nước thải sinh hoạt tại thành phố Tam Điệp.
Những năm gần đây, vấn đề nước sạch nông thôn được cấp ủy và chính quyền các cấp tỉnh Ninh Bình quan tâm, đầu tư. Do đó, tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh trên địa bàn đạt 75,3%, trong đó 31,3% số hộ được dùng nước sạch và 44% số hộ sử dụng nước hợp vệ sinh, tăng 11,8% so với năm 2005.
Tuy nhiên, chương trình nước sạch nông thôn của tỉnh Ninh Bình thời gian qua bộc lộ nhiều bất cập do sự "đa dạng" về mô hình quản lý kéo theo giá nước không thống nhất giữa các thôn, xóm, xã, dao động từ 2.000-5.000 đồng/m3.
Theo đó, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình mới chỉ có trạm cấp nước xã Gia Tân (huyện Gia Viễn) được thu mức phí theo giá UBND tỉnh phê duyệt.
Một số dự án nước sạch nông thôn chưa phát huy công suất thiết kế, còn có công trình xuống cấp hoặc hư hỏng, chưa sửa chữa kịp thời, gây ra tình trạng thất thoát nước (có công trình tỷ lệ thất thoát nước lên tới 30-40%) và ở một số nơi nhân dân bức xúc vì giá thành bán nước còn cao.
Mặt khác, việc khảo sát thiết kế trước khi xây dựng công trình cấp nước sạch còn bộc lộ nhiều thiếu sót, chưa sát với thực tế, công trình được đưa vào vận hành thì số hộ sử dụng thấp hơn nhiều so với ban đầu khảo sát, có nơi chỉ gần 40% số hộ sử dụng như ở xã Yên Mạc (Yên Mô), Phú Lộc (Nho Quan).
Ngoài ra, không ít công trình cấp nước sạch thi công chậm, khiến vốn đầu tư bị đội giá, trong khi người dân không có nước sạch dùng hàng ngày. Đó là dự án tại các xã Gia Phong, Gia Minh (Gia Viễn), Kim Hải (huyện Kim Sơn) khởi công gần 5 năm chưa hoàn thành. Nhà máy nước thị trấn Me (Gia Viễn) tháp nước xây dựng đã gần 5 năm với tổng kinh phí gần 5 tỷ đồng, nhưng đến nay vẫn bỏ không.
Ông Chủ tịch HĐQT Công ty cũng cho biết: Được sự quan tâm của tỉnh, Công ty được giao thực hiện xã hội hóa các công trình cấp nước sạch nông thôn. Công ty đã tiếp nhận 17 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn và hiện đã tập trung quản lý, cải tạo, đầu tư 38,3 tỷ đồng đưa vào sử dụng 12 trạm; nhờ vậy hỗ trợ 8 xã hoàn thành tiêu chí nước sạch trong xây dựng nông thôn mới.
Theo khảo sát nhu cầu sử dụng nước sạch ở khu vực nông thôn trong tỉnh Ninh Bình còn rất lớn. Nhiều hộ nông dân hiện vẫn chưa được dùng nước hợp vệ sinh và hàng ngày vẫn phải lấy nước sông, ao hồ để sử dụng.
Trong khi nguồn nước tự nhiên đang có nguy cơ bị ô nhiễm bởi các chất độc hại như thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất…, do đó các huyện cần sớm xây dựng phương án giá nước sạch phù hợp với thu nhập của nông dân địa phương để trình UBND tỉnh phê duyệt. Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần thường xuyên kiểm tra chất lượng nước của nhà máy và các trạm cấp nước nhằm đảm bảo vệ sinh cho người sử dụng.
Đinh Chúc