Phóng viên: Thưa bác sĩ, đội ngũ những người làm công tác y tế dự phòng có sự khác biệt gì so với những y, bác sĩ trực tiếp khám chữa bệnh cho nhân dân?
Bs Lê Hoàng Nam: Như chúng ta đã biết, dù không trực tiếp tham gia công tác chăm sóc người bệnh nhưng đội ngũ y, bác sĩ y tế dự phòng (YTDP) đã có nhiều đóng góp trong việc bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho người dân. Nhiệm vụ của y, bác sĩ hệ dự phòng phải làm rất nhiều, như: tuyên truyền, giám sát, tổng hợp, đánh giá, dự báo tình hình các loại dịch bệnh truyền nhiễm, làm công tác phòng dịch tại cộng đồng...
Khi có dịch bệnh bùng phát, những người làm y tế dự phòng phải trực tiếp tham gia triển khai các biện pháp chống dịch. Ngay cả khi không có dịch vẫn phải thường xuyên giám sát bệnh lây nhiễm, theo dõi điều tra các ổ dịch cũ, vùng có nguy cơ dịch bùng phát cao. Đặc biệt khi xảy ra dịch, những người làm công tác y tế dự phòng phải tiếp xúc trực tiếp với nguồn gây bệnh truyền nhiễm, hóa chất ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân, nơi nào có ổ dịch là họ có mặt để điều tra dịch tễ học, tìm căn nguyên gây bệnh để tham mưu cho các cơ quan trong và ngoài ngành thực hiện những giải pháp hữu hiệu nhất, nhằm khống chế dịch bệnh kịp thời, không để bệnh dịch lây lan ra cộng đồng.
Những nỗ lực, tận tụy của cán bộ YTDP đã góp phần rất lớn trong công tác phòng, chống dịch; nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên địa bàn tỉnh được khống chế và đẩy lùi. Ngoài ra, cán bộ YTDP còn tham gia thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, tiêm chủng phòng chống các loại bệnh cho nhân dân, đặc biệt cho phụ nữ và trẻ em.
PV: Năm 2017 là một năm công tác y tế dự phòng đạt được những kết quả đáng phấn khởi, trong đó nổi bật là không để dịch bệnh sốt xuất huyết lây lan rộng ra cộng đồng. Bác sĩ có thể nêu khái quát những kết quả nổi bật đơn vị đạt được trong năm 2017?
Bs Lê Hoàng Nam: Trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cộng đồng, phòng chống dịch bệnh được xem là nhiệm vụ quan trọng của toàn ngành. Những năm qua, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh đã triển khai tốt công tác y tế dự phòng, tích cực giám sát và kiểm soát nghiêm ngặt không để dịch bệnh bùng phát, lây lan trên địa bàn tỉnh, đảm bảo sức khỏe của nhân dân.
Theo đó, ngay từ đầu năm, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh đã chủ động thực hiện đồng bộ công tác dự phòng bệnh, tật và dự phòng dịch bệnh, chú ý những bệnh dịch mới, nguy hiểm, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm; tăng cường hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu và nâng cao sức khỏe cho người dân, chú trọng hơn đến công tác tiêm vắc - xin phòng bệnh và tuyên truyền nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh trong nhân dân. Đội ngũ làm công tác dự phòng chủ động bám sát cơ sở, kịp thời xử lý triệt để các ổ dịch, phấn đấu không để dịch lớn xảy ra.
Trong công tác phòng chống dịch, Trung tâm đã chủ động xây dựng kế hoạch, đánh giá nguy cơ tiềm ẩn, tích cực chủ động củng cố mạng lưới, kiểm tra giám sát, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để nâng cao chất lượng công tác chẩn đoán chính xác các dịch bệnh, phát hiện dịch sớm, chống dịch kịp thời, hạn chế dịch bệnh lây lan ra cộng đồng. Trung tâm cũng xây dựng phương án, tổ chức diễn tập nâng cao năng lực và tích cực chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Kết quả, trong năm 2017, trên địa bàn tỉnh không có dịch bệnh lớn xảy ra. Riêng bệnh sốt xuất huyết ghi nhận số trường hợp mắc tăng đột biến so với cùng kỳ năm 2016. Tính đến hết tháng 12/2017, toàn tỉnh ghi nhận 754 trường hợp nghi mắc sốt xuất huyết, không ghi nhận trường hợp tử vong. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tổ chức giám sát, phun hóa chất phòng chống dịch bệnh tại các ổ dịch, không để dịch lây lan ra cộng đồng. Các bệnh truyền nhiễm khác đa số ghi nhận trường hợp mắc giảm so với cùng kỳ năm 2016. Một số bệnh xuất hiện các trường hợp mắc tăng như thủy đậu, viêm gan vi rút, bệnh do vi rút Adeno, dại, liên cầu lợn. Cùng với đó, các chương trình, dự án y tế như tiêm chủng mở rộng; chương trình phòng chống bệnh sốt rét, giun sán; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi; phòng chống bệnh đái tháo đường, các rối loạn do thiếu hụt i-ốt; hoạt động nước sạch và vệ sinh môi trường; công tác y tế trường học; hoạt động phòng chống bệnh nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe người lao động... đều được thực hiện hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho các tầng lớp nhân dân.
PV: Với vai trò quan trọng của công tác y tế dự phòng, phòng chống dịch bệnh, thời gian tới, Trung tâm tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm gì?
ThS.Bs Lê Hoàng Nam: Công tác dự phòng, phòng chống dịch bệnh là công tác của toàn xã hội và khi toàn xã hội vào cuộc thì hiệu quả đạt được mới thực sự bền vững. Và để có sự đồng thuận của người dân, của xã hội, công tác truyền thông phải được xác định là nhiệm vụ quan trọng và cần đi đầu trong thực hiện. Những năm gần đây, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh luôn chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông tổ chức tuyên truyền, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống, phát hiện sớm để người dân tích cực, chủ động thực hiện phòng, chống dịch. Riêng đối với tuyến huyện, Trung tâm đã có những biện pháp tăng cường hỗ trợ, cung cấp tài liệu và chỉ đạo công tác tuyên truyền trong từng thời điểm, hướng dẫn người dân thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, dù đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, song hiện nay tình hình dịch bệnh trong nước và trên thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp, trong khi một bộ phận không nhỏ người dân chưa có kiến thức chăm sóc sức khỏe, ý thức phòng bệnh. Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đầu tư cho hệ dự phòng chưa xứng tầm nhiệm vụ.
Với mục tiêu xây dựng chiến lược phòng bệnh lâu dài, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống và tuổi thọ của người dân, đặc biệt được sự quan tâm của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh ở người của tỉnh, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh tiếp tục triển khai các giải pháp khống chế không cho dịch lớn xảy ra, ngăn chặn các dịch bệnh mới nổi xuất hiện trên địa bàn và nếu có xuất hiện phải khoanh vùng sớm để xử lí nhanh, không để dịch lan rộng. Cùng với đó, chú trọng xây dựng chính sách ưu tiên, khuyến khích người có trình độ chuyên môn cao làm công tác dự phòng và không ngừng đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong phòng chống dịch bệnh, phấn đấu đạt mục tiêu giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm, khống chế kịp thời dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra, góp phần ổn định phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
PV: Xin cảm ơn bác sĩ.
Mỹ Hạnh