Trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các Bộ, ban, ngành Trung ương, công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực. Nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể, của cán bộ, đảng viên được nâng lên.
Việc tiếp công dân, xem xét kết luận giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo cơ bản đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền theo quy định của pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân.
Từ đó, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đã đề ra.
Tuy nhiên, việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, đặc biệt là khiếu nại liên quan đến đất đai, tài chính, tài sản... còn nhiều khó khăn, bất cập. Vẫn còn tình trạng khiếu nại, tố cáo đông người, vượt cấp, một số vụ tồn đọng kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức; trách nhiệm thực hiện pháp luật cho cán bộ, đảng viên và nhân dân còn hạn chế.
Một số cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là ở cơ sở chưa sâu sát, quyết liệt. Vai trò trách nhiệm của người đứng đầu ở các địa phương, đơn vị trong việc tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân chưa được khẳng định, có nơi còn biểu hiện hình thức, trình độ chuyên môn và tinh thần trách nhiệm của một bộ phận cán bộ làm công tác tiếp dân, nhất là ở cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác phối kết hợp trong việc tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân còn nhiều hạn chế...
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân trên địa bàn, các cấp ủy Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 35 ngày 26-5-2014 của Bộ Chính trị "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo", Luật Tiếp công dân; Luật Khiếu nại, tố cáo; Chỉ thị 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ "Về chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo"; Kế hoạch 64/KH-UBND của UBND tỉnh về kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng kéo dài.
Coi công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân là nhiệm vụ thường xuyên của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo tập trung của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, đồng thời xác định rõ vai trò của người đứng đầu.
Nhiệm vụ này được lãnh đạo, chỉ đạo tập trung trong suốt thời điểm diễn ra Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII theo nội dung Kế hoạch 71/KH-UBND ngày 22-10-2014 của UBND tỉnh.
Thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy cán bộ làm công tác tiếp công dân về số lượng và chất lượng. Các ngành chức năng tham mưu để UBND tỉnh chỉ đạo thành lập Ban tiếp công dân cấp tỉnh, cấp huyện.
Quan tâm đến điều kiện làm việc, chế độ cho những người làm công tác tiếp dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Trong quá trình xem xét giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân cần tăng cường đối thoại, vận động thuyết phục, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành với các cơ quan Trung ương để giải quyết ...
Với phương châm không để khiếu kiện kéo dài, đông người, vượt cấp, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Nguyễn Kim