Thời gian vừa qua, công tác PCCC đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và mỗi địa phương.
Mặc dù vậy, tình hình cháy, nổ vẫn diễn biến phức tạp, nhất là tại các khu dân cư, khu công nghiệp, chợ, phương tiện giao thông và cháy rừng... gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, môi trường đầu tư và an sinh xã hội.
Có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến tình trạng trên: Về khách quan do biến đổi khí hậu, hạn hán, hanh khô kéo dài, ở một số vùng còn diễn biến phức tạp và nghiêm trọng tác động lớn đến tình hình cháy, nổ và công tác PCCC.
Song, đi liền đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, trong đó phải kể đến một số người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, gia đình chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng, vị trí, vai trò của công tác phòng, chống cháy, nổ và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.
Do vậy chưa có sự quan tâm đúng mức và ý thức thường trực trong công tác phòng, chống cháy nổ. Từ đó chủ quan, lơ là, mất cảnh giác cả phòng và chống. Phong trào toàn dân tham gia PCCC và cứu nạn, cứu hộ chưa phát triển sâu rộng.
Hiệu lực, hiệu quả của quản lý Nhà nước về PCCC và cứu nạn, cứu hộ chưa cao, thậm chí còn bị buông lỏng. Vi phạm các quy định về PCCC còn diễn ra phổ biến. Điều kiện, thiết bị, phương tiện PCCC còn đơn giản, lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu...
Với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội như hiện nay cùng với những diễn biến phức tạp của thời tiết, khí hậu - Hơn bao giờ hết, công tác PCCC và cứu hộ, cứu nạn cần sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, MTTQ và các tổ chức đoàn thể, các địa phương, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở.
Xác định đây là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, hàng ngày. Trong đó vai trò của người đứng đầu là hết sức quan trọng.
Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC và cứu hộ, cứu nạn để không ngừng nâng cao nhận thức trách nhiệm của toàn xã hội với công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Làm sao mọi công dân đều thấy rõ trách nhiệm và tự giác chấp hành về PCCC.
Gắn việc thực hiện các quy định về PCCC và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư". Phổ biến kiến thức cơ bản về PCCC và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn đến mỗi người dân, nhất là các em học sinh, sinh viên.
Lấy công tác phòng ngừa là chính với phương châm bốn tại chỗ (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ).
Đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia PCCC, chú trọng xây dựng biểu dương các điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt khi tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ...
Nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về nhiệm vụ quan trọng này gắn với hoàn thiện hệ thống pháp luật và ứng dụng công nghệ hiện đại trong PCCC. Tăng cường công tác kiểm tra khắc phục dứt điểm các vi phạm về PCCC, nhất là các khu, cụm công nghiệp, chợ, khu dân cư đông người.
Triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác PCCC. Xây dựng lực lượng nòng cốt về PCCC đảm bảo chính quy, chuyên nghiệp, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Nguyễn Kim