Cách đây 5 năm, điệp khúc "nghèo-tái nghèo" của gia đình chị Nguyễn Thị Hải ở thôn Sui, xã Văn Phương (Nho Quan) lặp lại liên tục. Cả gia đình chị Hải chỉ trông vào 8 sào ruộng và 3 sào đất màu, không có vốn để phát triển sản xuất và chăn nuôi. Đến năm 2005, Hội Nông dân xã đã giúp đỡ gia đình chị Hải bằng cách đứng ra tín chấp với Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT 20 triệu đồng và tư vấn cách sử dụng vốn cho chị. Có vốn, gia đình chị Hải đầu tư xây chuồng trại để nuôi lợn. Qua năm đầu tiên, gia đình chị đã thu lãi được gần 10 triệu đồng. Thực hiện phương châm "Lấy ngắn nuôi dài", chị tiếp tục mở rộng quy mô nuôi lợn. Đến nay, tổng thu nhập mỗi năm của gia đình chị đã lên tới gần 200 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 70 triệu đồng. Chị Hải tâm sự: Người nông dân chúng tôi ai cũng muốn thoát nghèo nhưng thiếu vốn, thiếu cách làm ăn hiệu quả nên cứ túng quẫn. Nhờ có Hội Nông dân giúp đỡ để được vay vốn, hỗ trợ cách làm ăn, chúng tôi mới có cơ hội phát triển sản xuất, kinh doanh, thoát nghèo.
Từ nhiều năm trước đây, sự phối hợp giữa các cấp Hội Nông dân trong tỉnh và Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT cùng cấp đã được triển khai thực hiện. Ông Bùi Cao Thơi, Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT tỉnh cho biết: Là ngân hàng thương mại 100% vốn Nhà nước, mạng lưới và quy mô hoạt động rất lớn, phủ khắp từ thành thị đến các vùng nông thôn, phương châm hoạt động của Ngân hàng là hướng về nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Với những nỗ lực, quyết tâm trong huy động và cho vay vốn, trong thời gian qua, đối với những người nghèo, Ngân hàng thực sự là nơi nâng đỡ cho những kế hoạch phát triển sản xuất, kinh doanh, giúp họ thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Với việc hoàn thành tốt vai trò là kênh dẫn vốn quan trọng đến tận tay người nghèo, Ngân hàng được đánh giá là nhân tố tích cực trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT, từ đầu năm 2011 đến nay, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn tỉnh đạt gần 6.000 tỷ đồng, tăng so với năm 2010 là 212 tỷ đồng, trong đó, tổng doanh số cho vay lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn của toàn chi nhánh trên địa bàn tỉnh chiếm 58% tổng doanh số cho vay chung toàn ngành. Riêng doanh số cho nông dân vay thông qua Tổ liên kết sản xuất thực hiện được gần 390 tỷ đồng. Công tác phối hợp cho vay qua Tổ liên kết sản xuất giữa các cấp Hội Nông dân và Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT tỉnh đã tích cực phát huy thế mạnh, tạo sự chuyển biến đáng kể về mọi mặt trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân trên địa bàn tỉnh ta. Qua việc phối hợp, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp Hội Nông dân có thêm hoạt động thiết thực đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của nông dân, thu hút hội viên để Hội Nông dân ngày càng phát triển. Đặc biệt, mô hình cho vay theo Tổ liên kết sản xuất đã giúp Ngân hàng quản lý vốn cho vay chặt chẽ hơn do có sự giám sát qua lại giữa các thành viên trong Tổ, đồng thời triển khai vốn vay đúng mục đích, đạt hiệu quả. Thông qua mô hình cho vay này, Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT và Hội Nông dân đã đưa chính sách tín dụng ngân hàng ngày càng tiếp cận sâu, rộng hơn với nông dân, tác động trực tiếp đến nhiều hộ nông dân trong tỉnh, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp và cải thiện đời sống nông dân.
Về giải pháp phối hợp giữa Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT và các cấp Hội Nông dân trong tỉnh trong thời gian tới, song song với việc đưa vốn vay về cơ sở, các cấp Hội Nông dân cũng chủ động phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT cùng cấp rà soát, đánh giá lại các Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động yếu kém để có biện pháp củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động. Hội Nông dân các cấp sẽ quan tâm lựa chọn, xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ, phẩm chất và nhiệt tình, tâm huyết với tổ chức Hội, biết tư vấn, giúp đỡ cho hội viên xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh có hiệu quả để nhân rộng nguồn vốn. Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, thực hiện tốt hoạt động nhận ủy thác, giúp cho người nông dân có thêm nhiều nguồn lực để phát triển kinh tế gia đình.
Hương Giang