Theo kết quả khảo sát, phân loại, đến cuối năm 2007, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 11,38%. Để đạt mục tiêu chung là giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 9,6% vào cuối năm 2008, các cấp, ngành, địa phương đã nỗ lực đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện các chính sách xã hội, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng những vùng khó khăn... Một trong những biện pháp hữu hiệu góp phần vào chương trình giảm nghèo là hỗ trợ, hướng dẫn cho người nghèo tự vươn lên thoát nghèo thông qua chương trình khuyến nông - lâm - ngư, với việc tổ chức 65 lớp tập huấn kỹ thuật, dạy nghề, hội thảo rút kinh nghiệm, hướng dẫn cách làm ăn cho gần 6 nghìn lượt người với kinh phí thực hiện trên 300 triệu đồng (chỉ tính riêng từ đầu năm 2008 đến nay).
Các hoạt động khuyến nông - lâm - ngư tập trung nhiều vào trồng trọt và chăn nuôi. Trong trồng trọt, nhiều buổi chuyển giao khoa học công nghệ, tuyên truyền, phổ biến, trình diễn những mô hình sản xuất cây trồng mới, có năng suất, giá trị cao đã được áp dụng thành công, từ đó lựa chọn ra những giống cây tốt, phát triển phù hợp với đồng đất để nhân ra diện rộng trên địa bàn toàn tỉnh, được đông đảo nhân dân ghi nhận, tham gia hưởng ứng, đồng tình cao. Với nông dân thì cây lúa vẫn là chủ đạo nên hoạt động khuyến nông đã liên tục, không ngừng nghiên cứu đưa vào khảo nghiệm nhiều tập đoàn giống lúa. Từ đầu năm đến nay, đã có một số mô hình khảo nghiệm lúa thành công như mô hình khảo nghiệm 12 giống lúa trên diện tích 720 m2 tại xã Khánh Thượng (Yên Mô) đã lựa chọn ra một số giống như Phú ưu 8, Phú ưu 9, HT 9... phù hợp với thổ nhưỡng, có tiềm năng năng suất cao, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt. Mô hình thâm canh lúa cao sản với diện tích 20 ha tại xã Khánh Cường (Yên Khánh), năng suất đạt 76 tạ/ha/vụ, cao hơn đối chứng 10 - 15%. Mô hình trình diễn lúa gieo thẳng bằng giàn gieo xạ kéo tay cải tiến tại xã Khánh Thượng trên diện tích 2 ha, tiết kiệm từ 20 - 30% giống so với phương pháp gieo vãi bằng tay, giảm công lao động từ 20 - 25 công/ ha và năng suất tăng từ 10 - 15% so với đại trà. Mô hình sản xuất lúa chất lượng trên 70 ha ở các huyện Gia Viễn, Hoa Lư, Kim Sơn; mô hình khảo nghiệm 9 giống lúa lai tại HTX Trung Trữ (Ninh Giang)... cũng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo sự phấn khởi trong nhân dân. Cùng với cây lúa, vụ đông đang trở thành vụ sản xuất chính thứ 3 của nông dân toàn tỉnh theo đúng tinh thần Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy, với nhu cầu thâm canh đa dạng các loại cây trồng mới. Đáp ứng điều đó, hoạt động khuyến nông đã hướng về việc nghiên cứu đưa vào mô hình nhân giống đậu tương - cây chủ lực trong vụ đông trên 40 ha tại huyện Yên Mô, đồng thời tích cực tìm tòi những giống mới có giá trị kinh tế cao, dễ tiêu thụ sản phẩm để nhân dân gieo trồng như ngô ngọt, dưa bao tử, bí xanh, rau màu các loại...
Nhằm giúp nông dân yên tâm khi đẩy mạnh sản xuất thâm canh cây trồng, tăng hệ số sử dụng đất, các chương trình khuyến nông còn tập trung vào việc chuyển giao, trình diễn các loại vật tư nông nghiệp như phân bón. Điển hình là mô hình trình diễn phân bón NPK Ninh Bình trên 2,5 ha lúa tại HTX Liên Sơn (Gia Viễn); HTX Hồng Phong (Yên Mô), qua đó cho thấy đây là loại phân có hàm lượng dinh dưỡng cân đối, phù hợp chân đất chua, làm tăng năng suất từ 10 -13% so với bón đơn. Mô hình dùng phân bón NPK Ninh Bình chuyên dùng khép kín cho cây lạc xuân với quy mô 1,5 ha triển khai tại HTX Tây Sơn (Yên Mô); mô hình dùng phân bón NPK Bình Điền cho cây lạc tại HTX Khánh An (Yên Khánh) trên giống lạc L14 với diện tích 0,4 ha... làm tăng năng suất hơn 10% so với các loại khác, tạo nên hiệu quả rõ rệt trong gieo trồng.
Đối với lĩnh vực chăn nuôi, nhờ các chương trình thiết thực mà đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã phát triển tốt, các mô hình kinh tế trang trại, gia trại, mô hình VAC, VACR... với những con nuôi đặc sản như nhím, thỏ, ba ba, ếch có quy mô vừa xuất hiện nhiều, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. Mô hình cải tạo đàn bò theo hướng thịt từ đầu năm đến nay đã tạo ra được đàn bê với gần 10 nghìn con, đưa tốc độ cải tạo đàn bò tăng hơn 5 - 10% tổng đàn. Riêng đề tài xây dựng và phát triển nuôi ếch lồng vùng trũng năm 2008 đang được triển khai tốt, với tổng số 76.000 con ếch giống Thái Lan tại 6 xã của 5 huyện thực hiện ở cả 2 vụ nuôi là xuân hè và hè thu. Hiện ếch sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ nuôi sống cao, trên 80%, tăng trọng nhanh, đang cho thu hoạch. Mô hình chăn nuôi đàn gà an toàn sinh học đã phát triển được tổng số gần 13 nghìn con gà giống, khả năng thích nghi cao. Về đàn dê địa phương, nhiều xã như Phú Long, Kỳ Phú, Gia Hưng, Trường Yên... đã tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, tiến hành bình tuyển, chọn lọc chất lượng đàn dê cái và chuyển giao được 35 con dê đực giống đảm bảo chất lượng để phát triển, nhân ra cho các hộ nông dân chăn nuôi.
Bằng những mô hình chuyển giao, tập huấn, áp dụng khoa học kỹ thuật cụ thể vào thực tiễn phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, các chương trình khuyến nông - lâm - ngư đã có những đóng góp tích cực trong công cuộc giảm nghèo của Ninh Bình, trở thành một yếu tố không thể thiếu của người nông dân trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp hiện nay.
Hoàng Tâm