Điểm sáng từ cơ sở
Xã Khánh Hòa là địa bàn mà dự án đi qua tại huyện Yên Khánh. Hội đồng GPMB xã Khánh Hòa đã thực hiện công tác tuyên truyền sâu rộng với hàng chục cuộc họp bàn, trong đó hơn 1.000 lượt người tham dự nhằm công khai thông tin về dự án.
Ông Hoàng Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Lúc đầu, người dân vẫn còn lo lắng nhiều vấn đề, đặt ra nhiều câu hỏi trong các cuộc họp bàn. Ngoài tài sản, nhà đất của nhân dân, trong diện tích mặt bằng cần giải phóng có nhiều phần mộ cần di dời.
Lãnh đạo xã Khánh Hòa thông tin cụ thể về vấn đề này: Trong công tác GPMB phục vụ dự án, hàng trăm ngôi mộ phải thực hiện di dời. Đến nay, 19 hộ có phần mộ của gia đình bị ảnh hưởng đã đến nhận tiền.
Rất nhiều phần mộ khác chưa có ai đến nhận, Hội đồng GPMB đã có thông báo, nếu quá thời gian quy định sẽ coi là phần mộ vô chủ.
Hội đồng GPMB đã quy hoạch địa điểm quy tập các phần mộ vô chủ trên, đánh dấu cụ thể để thời gian sau có người đến nhận sẽ bàn giao lại.
Chính sự sát sao, trách nhiệm của lãnh đạo địa phương đã giúp nhân dân nơi đây hiểu rõ chính sách của Đảng, Nhà nước và đồng thuận làm theo. Minh chứng sắc nét nhất chính là hơn 20 hộ gia đình tự nguyện bàn giao mặt bằng mặc dù chưa nhận tiền đền bù. Gia đình ông Lê Xuân Thìn, xóm Chợ Dầu, xã Khánh Hòa là một trong 20 hộ trên.
Khi chúng tôi ghé qua nơi gia đình ông đang thuê trọ, đó là một căn nhà nhỏ cấp 4, đồ đạc trong nhà còn ngổn ngang khắp các góc.
Vốn dĩ trước đây, gia đình ông kinh doanh vật liệu xây dựng và có cửa hàng ngoài mặt đường 10, nhưng giờ đây, khi thực hiện GPMB cho dự án, gia đình ông tạm gác lại việc kinh doanh.
Vậy mà, ông vẫn tươi cười nói rằng: Làm đường, xây cầu là việc chung của cả cộng đồng, không của riêng ai cả. Nhà nước cũng chỉ muốn người dân có cuộc sống tốt đẹp và khang trang hơn. Hiểu được điều đó nên chúng tôi hết lòng ủng hộ.
Hơn nữa, sau khi di dời, chính quyền có đền bù, hỗ trợ tiền thuê nhà và sắp xếp nơi tái định cư thỏa đáng cho chúng tôi. Nhà ở trước đây của gia đình tôi rộng khoảng 150m2 còn suất tái định cư gia đình được cấp rộng 180m2. Tôi thấy như thế là công bằng, thỏa đáng...
Tấm bằng khen của UBND tỉnh tặng để ghi nhận sự đóng góp của gia đình ông Lê Xuân Thìn đối với công tác GPMB cho dự án nằm trang trọng ở một góc tường. Đây là một phần nhỏ trong nhiều bằng chứng xác đáng cho sự tin tưởng, đồng thuận, ủng hộ và nhất trí cao của nhân dân đối với chính quyền, trong công tác GPMB.
Công khai, công bằng, dân chủ
Với gần 500 hộ bị ảnh hưởng, 120 hộ phải tái định cư, Yên Khánh là huyện chịu ảnh hưởng lớn nhất từ dự án xây dựng tuyến đường kết nối giữa đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với Quốc lộ 1 giai đoạn II.
Đồng chí Nguyễn Xuân Tuyển, Phó Chủ tịch UBND đồng thời là Chủ tịch Hội đồng GPMB huyện Yên Khánh cho biết: Tuyến đường thuộc dự án trên đi qua địa phận xã Khánh Hòa, với số lượng hộ gia đình bị ảnh hưởng nhiều, đây được coi là thử thách lớn đối với Hội đồng GPMB của huyện.
Tuy nhiên, không phải vì thế mà các thành viên trong Hội đồng nản chí, chúng tôi quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Giai đoạn đầu thực hiện, khi có quyết định quy hoạch dự án, ngay lập tức Hội đồng GPMB huyện đã họp bàn, nhận định công tác tuyên truyền, vận động nhân dân về ý nghĩa, lợi ích của dự án là việc làm cấp thiết nhất.
Việc xây dựng tuyến đường không chỉ giúp giải quyết nhu cầu lưu lượng giao thông ngày càng cao, chống ách tắc giao thông khu vực thành phố Ninh Bình mà còn góp phần không nhỏ trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Việc bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công không chỉ là việc làm cụ thể để đảm bảo quyền lợi cho các hộ gia đình mà còn là trách nhiệm đối với cộng đồng.
Để người dân hiểu và tin tưởng vào cấp ủy, chính quyền, bất kể trời nắng hay mưa, các thành viên của Hội đồng GPMB đã đến tận nhà các hộ gia đình để vận động tuyên truyền, lắng nghe và giải thích cho nhân dân những thắc mắc, từ đó tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao.
Hội đồng GPMB huyện xác định trong công tác triển khai thực hiện phải đảm bảo công khai, công bằng và dân chủ. Tất cả đều minh bạch từ việc công khai quy hoạch dự án, kế hoạch GPMB đến công tác kiểm đếm, kê khai tài sản, vật kiến trúc, cây cối, hoa màu bị ảnh hưởng cùng các chế độ, chính sách và cuối cùng là công tác đền bù, ổn định khu tái định cư.
Trong công tác kiểm đếm, kê khai tài sản, người dân được hướng dẫn để tự kê khai tài sản, sau đó Hội đồng GPMB huyện phối hợp với Hội đồng GPMB xã tiến hành kiểm đếm lại nhằm đảm bảo độ chính xác. Đồng thời lắng nghe những phản hồi, ý kiến đóng góp của nhân dân để đảm bảo tính dân chủ.
Thực tế, trong việc áp giá tài sản cho các hộ dân gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do nhiều trường hợp nhà đất của người dân "muôn hình vạn trạng", không đơn thuần có thể áp dụng theo khung giá đã ban hành.
Nhưng các cấp, các ngành có liên quan đã tập trung tháo gỡ vướng mắc nên việc kiểm kê tài sản, tính toán tiền đền bù, hỗ trợ cho nhân dân đã được hoàn thành thuận lợi. Đến nay, toàn bộ các hộ gia đình có nhà đất bị thu hồi đã được nhận tiền đền bù thỏa đáng.
Trên cơ sở lấy lợi ích của người dân làm trọng tâm, Hội đồng GPMB huyện đã cố gắng đảm bảo tối đa lợi ích cho người dân nhưng vẫn tuân quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, các hộ thu hồi nhà ở đã được cấp đất tại khu tái định cư với diện tích đất bằng hoặc lớn hơn nơi ở cũ, có đường giao thông thuận lợi.
Đồng chí Nguyễn Xuân Tuyển, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Khánh cũng nhấn mạnh: Muốn thực hiện thành công trong công tác GPMB, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính, sự đồng thuận cao của người dân, bên cạnh đó là sự chỉ đạo và giúp đỡ của các cấp, các ngành kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở.
Với đường lối, chủ trương đúng đắn, thực hiện trên nguyên tắc công bằng, công khai và dân chủ, công tác GPMB ở huyện Yên Khánh đã được triển khai thực hiện thuận lợi, hiệu quả cao tạo niềm tin của nhân dân đối với chính quyền địa phương.
Tính đến thời điểm này, chưa hề có đơn thư khiếu nại nào về việc đền bù GPMB tại huyện Yên Khánh. Đó là một kết quả mà không phải địa phương nào cũng làm được.
Thái Học