Phóng viên (PV):Xin đồng chí cho biết một số kết quả nổi bật trong công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công trên địa bàn tỉnh thời gian qua?
Đ/c Trần Xuân Trường: Hàng năm, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đã tổ chức, triển khai đầy đủ các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với các gia đình liệt sĩ, thương binh và người có công với cách mạng như: Đã chỉ đạo, tập trung giải quyết dứt điểm các tồn đọng về xác nhận đối tượng và giải quyết chính sách người có công, đặc biệt là những tồn tại đối với cựu thanh niên xung phong, số hồ sơ đề nghị công nhận là liệt sỹ, thương binh của các huyện nên đến nay, tỉnh Ninh Bình không còn hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công theo Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH ngày 20/3/2017 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
Cùng với việc giải quyết chính sách cho các đối tượng mới phát sinh tỉnh ta đã duy trì thực hiện tốt chính sách và quản lý chặt chẽ đối tượng, tổ chức chi trả đúng, đủ, kịp thời các khoản trợ cấp, phụ cấp thường xuyên hàng tháng cho 23.229 lượt đối tượng hưởng trợ cấp ưu đãi, trên 12.000 người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ (1lần/năm), trên 85.000 người hưởng ưu đãi Bảo hiểm y tế (trong đó, trên 35.000 người do ngân sách Trung ương cấp và trên 50.000 người hưởng do ngân sách địa phương cấp), trên 52.500 lượt đối tượng hưởng chế độ ưu đãi trong giáo dục đào tạo, với tổng kinh phí chi trả hàng năm gần 600 tỷ đồng.
Thực hiện chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe hàng năm và luân phiên hai năm một lần cho trên 11.000 người có công đảm bảo an toàn. Đặc biệt, đầu năm 2019, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh ban hành Nghị quyết số 03-NQ/BCSĐ ngày 08/01/2019 về đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác người có công và giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh với mục tiêu đến hết năm 2020 phấn đấu 100% gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư nơi cư trú. Hiện nay các địa phương đã và đang triển khai thực hiện Nghị quyết một cách quyết liệt, có hiệu quả.
Cùng với đó, với chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp chặt chẽ với sở, ngành, địa phương trong tỉnh chỉ đạo, triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ và đạt được những kết quả tích cực.
Đặc biệt năm 2018, đã phối hợp với Bưu điện tỉnh hoàn thành xong Đề án cổng thông tin điện tử về liệt sỹ, mộ liệt sỹ và nghĩa trang liệt sỹ. Kết quả có 47 nghĩa trang liệt sỹ và có 8.010 mộ liệt sỹ đã được cập nhật trên cổng thông tin điện tử về liệt sỹ, mộ liệt sỹ và nghĩa trang liệt sỹ của Chính phủ công bố trên trang thongtinlietsy.gov.vn.
Các nghĩa trang, đài, bia tưởng niệm liệt sỹ, hàng năm đều đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp, dọn vệ sinh, đảm bảo cảnh quan môi trường khang trang sạch đẹp, thực sự là các công trình văn hóa, đáp ứng yêu cầu tâm linh thành kính nhớ ơn các Anh hùng liệt sỹ và có tính giáo dục truyền thống cách mạng sâu sắc.
PV:"Đền ơn đáp nghĩa"- là một nghĩa cử cao đẹp, mang tính nhân văn sâu sắc, nhưng làm thế nào để phong trào ấy lan tỏa rộng rãi và trở thành nét đẹp văn hóa của mỗi người dân thưa đồng chí?
Đ/c Trần Xuân Trường: Công tác "Đền ơn đáp nghĩa" phải là hoạt động xuất phát tự đáy lòng của nhiều đối tượng trong xã hội và phải diễn ra thường xuyên, liên tục. Trong những năm qua, tỉnh ta cũng đã làm khá tốt công tác xã hội hóa hoạt động chăm sóc người có công.
Theo đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền, mỗi cơ quan, đơn vị… đã đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, đồng thời thường xuyên phát động và tổ chức tốt phong trào đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc đời sống người có công với cách mạng. Phong trào đã được đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng bằng các hoạt động cụ thể, thiết thực.
Các hoạt động ấy được duy trì thường xuyên, tiêu biểu là các hoạt động: Chăm sóc thương, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, dạy nghề, tạo việc làm; đón thương binh nặng về an dưỡng tại gia đình; xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm, đồ gia dụng tình nghĩa; vườn cây, ao cá tình nghĩa; giếng nước, bể nước tình nghĩa.
Hàng năm, nhân dịp các ngày lễ, Tết từ tỉnh đến cơ sở đều duy trì tốt việc thăm hỏi tặng quà cho người có công; tổ chức khám, tư vấn chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người có công, trị giá hàng tỷ đồng. Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan; Bệnh viện Chỉnh hình, điều dưỡng, phục hồi chức năng Tam Điệp; Trung tâm Phục hồi chức năng tâm thần (Yên Mô) đã từng bước được đầu tư xây dựng nâng cấp, tăng cường trang thiết bị và kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ, viên chức, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nuôi dưỡng, điều dưỡng, phục hồi chức năng cho thương, bệnh binh và người có công.
Đặc biệt, trong năm 2017, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp tham mưu cho Tỉnh ủy thành lập Ban vận động "Quỹ đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội" cấp tỉnh do đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy làm Trưởng ban.
Ngay sau khi thành lập, ngành đã chủ động phối hợp với ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức Lễ phát động xây dựng "Quỹ đền ơn đáp nghĩa và An sinh xã hội", phối hợp tham mưu và vận động đóng góp xây dựng Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa và An sinh xã hội" đến nay đã vận động được trên 49,3 tỉ đồng.
2018, Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội" đã hỗ trợ cải thiện về nhà ở cho 339 hộ gia đình người có công với cách mạng theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg, với nguồn kinh phí 10 tỷ đồng. Duy trì 100% xã, phường, thị trấn được công nhận là xã, phường làm tốt công tác người có công… Những hoạt động thiết thực ấy đã góp phần để người có công và thân nhân của họ có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.
PV: Kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh, liệt sỹ, Ngành Lao động Thương binh và Xã hội sẽ tập trung vào những hoạt động trọng tâm nào, thưa đồng chí?
Đ/c Trần Xuân Trường: Nhân dịp kỷ niệm 72 năm ngày Thương binh, liệt sỹ, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh tổ chức thực hiện tốt các nội dung hoạt động như: Tiếp tục tích cực tuyên truyền, phổ biến các chính sách, chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân của họ, để các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân, các đối tượng chính sách hiểu, thực hiện và giám sát việc thực hiện đạt kết quả; kịp thời hướng dẫn đối tượng lập hồ sơ, thẩm định xem xét xác nhận đối tượng và đề nghị giải quyết chính sách đối với người có công và thân nhân của họ còn tồn đọng chưa được hưởng hoặc hưởng chưa đầy đủ chế độ chính sách ưu đãi theo đúng quy định, đảm bảo để họ sớm được xác nhận đối tượng và thụ hưởng chính sách, chế độ ưu đãi;
Đồng thời tổ chức thăm hỏi động viên, tặng quà các đối tượng người có công tiêu biểu, các gia đình chính sách gặp hoàn cảnh khó khăn trong đời sống; tổ chức chuyển và trao quà của Chủ tịch nước và quà của Tỉnh ủy, HĐND, UBND và ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tới đối tượng chính sách, đảm bảo chu đáo, kịp thời, tổ chức sửa chữa, dọn vệ sinh, làm đẹp cảnh quan, thăm viếng, dâng hương hoa các nghĩa trang, đài, bia tưởng niệm liệt sỹ.
Cùng với đó chỉ đạo các cấp bộ Đoàn trong tỉnh tổ chức thắp nến tri ân tại tất cả các nghĩa trang trên địa bàn vào tối ngày 26/7/2019 theo Chương trình phối hợp giữa Trung ương Đoàn và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội…
P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Đào Hằng (thực hiện)