Đồng chí Lưu Danh Cung, Phó Giám đốc Sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ cho biết: Thời gian qua, việc thực hiện công tác dân số - KHHGĐ diễn ra trong bối cảnh còn nhiều khó khăn. Tổ chức bộ máy làm công tác dân số - KHHGĐ mới được kiện toàn, còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, đội ngũ cán bộ dân số cấp huyện hầu hết là mới, chưa qua các lớp tập huấn nghiệp vụ. Bên cạnh đó tư tưởng, nhận thức của một bộ phận nhân dân vẫn còn muốn sinh nhiều con, "có nếp, có tẻ", trong đó có cả cán bộ, đảng viên đã tác động không nhỏ đến phong trào vận động nhân dân thực hiện quy mô gia đình ít con. Năm 2009, ngành đã tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân số - KHHGĐ, điển hình là Nghị quyết của HĐND tỉnh phê duyệt Đề án "Tiếp tục đẩy mạnh công tác dân số - KHHGĐ đến năm 2015". Mục tiêu của Đề án là thực hiện gia đình ít con, tiến tới ổn định quy mô dân số ở mức hợp lý, phấn đấu mục tiêu giảm sinh, giảm sinh con thứ 3 trở lên, duy trì mức sinh thay thế một cách vững chắc trong toàn tỉnh. Nâng cao chất lượng dân số, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Công tác tuyên truyền dân số - KHHGĐ đã được ngành chú trọng đổi mới. Các hoạt động truyền thông được tiến hành thường xuyên trên các kênh thông tin đại chúng và qua hoạt động tuyên truyền miệng của cộng tác viên dân số, sự vào cuộc tích cực của các lực lượng quần chúng đã tạo ra sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về công tác dân số - KHHGĐ. Ngoài ra, các đề án, mô hình nhằm cải thiện chất lượng dân số như: Đề án "Nâng cao chất lượng dân số thông qua tuyên truyền, vận động, phát hiện, can thiệp sớm tật, bệnh ở thai nhi và trẻ sơ sinh", "Mô hình cung cấp thông tin và dịch vụ SKSS/KHHGĐ cho vị thành niên và thanh niên", Đề án "Kiểm soát dân số vùng biển và ven biển"… được ngành tích cực triển khai, đã góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân về chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng dân số. Ngành không ngừng đẩy mạnh các đợt chiến dịch tăng cường đưa dịch vụ SKSS/KHHGĐ đến vùng đông dân, vùng khó khăn và vùng có mức sinh cao. Kết quả 2 đợt chiến dịch, toàn tỉnh có 45.133 người mới áp dụng các biện pháp tránh thai, đạt 105% kế hoạch chiến dịch và đạt 94,2% kế hoạch năm; 7.520 phụ nữ có thai được khám thai và tiêm phòng uốn ván. Kinh phí hỗ trợ cho 2 đợt chiến dịch từ Trung ương đến các đơn vị xã, phường, thị trấn là hơn 1,1 tỷ đồng. Các đơn vị trong ngành Y tế đã chủ động phối hợp, triển khai dịch vụ kỹ thuật chăm sóc SKSS/KHHGĐ đảm bảo đầy đủ, kịp thời, an toàn, hiệu quả, đảm bảo tính riêng tư nên đã từng bước đáp ứng nhu cầu của người sử dụng. Kết quả, đến nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 77,5% các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại. Ước hết năm 2009, tổng số trẻ sinh ra trong toàn tỉnh là 12.6663 cháu, tỷ lệ sinh là 13,96%o, trong đó số sinh là con thứ 3 trở lên là 1.672 cháu, giảm 164 cháu, chiếm 13,2% (giảm 1,3% so với năm 2008).
Những kết quả đạt được trong công tác dân số - KHHGĐ đã góp phần quan trọng cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, hiện nay, công tác dân số - KHHGĐ đang đứng trước những thách thức không nhỏ, đó là: mức sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên có giảm nhưng chưa vững chắc, đặc biệt là năm 2009 tỉnh ta vẫn còn 22 trường hợp cán bộ, công chức và đảng viên sinh con thứ 3 trở lên, gây tác động tiêu cực đến cuộc vận động thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Tỷ lệ giới tính khi sinh ngày càng có sự chênh lệch lớn, chứng tỏ tư tưởng "trọng nam, khinh nữ" vẫn còn khá nặng nề; nhận thức của một bộ phận dân cư về công tác dân số-KHHGĐ còn hạn chế…
Để tiếp tục thực hiện chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và các mục tiêu của Chiến lược Dân số giai đoạn 2006-2010, ngành Dân số đã đề ra mục tiêu cho công tác dân số-KHHGĐ năm 2010 và tạo đà cho các năm tiếp theo: Tiếp tục phấn đấu giảm tỷ lệ sinh 0,22%o, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên là 1% so với năm 2009, tăng tỷ lệ chấp nhận các biện pháp tránh thai hiện đại từ 1-1,5% để đến năm 2010 đạt 80% các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai.
Hà Mi