P.V: Thưa đồng chí, với chủ đề "Tiếp tục tăng cường sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn", Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2016 nhằm hướng tới mục tiêu gì? Đ/c Nguyễn Thị Hường: Như chúng ta đã biết, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm hiện đang được cả xã hội quan tâm hơn bao giờ hết. Bởi rau, thịt là thực phẩm chủ lực và phổ biến trong bữa ăn hàng ngày của người Việt Nam. Tuy nhiên, việc kiểm soát VSATTP trên rau, thịt hiện còn nhiều hạn chế; rau, thịt còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm cao như tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, nitrat trên rau; tồn dư chất cấm, thuốc kháng sinh trên thịt; nhiễm vi sinh gây bệnh trên rau, thịt… Các sản phẩm này không bảo đảm VSATTP có thể dẫn đến ngộ độc cấp, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe người tiêu dùng, về lâu dài các chất độc hại tích tụ dần trong cơ thể và có thể gây ra các bệnh mạn tính nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng và giống nòi trong tương lai, ảnh hưởng đến an sinh và sự phát triển kinh tế - xã hội…
Nhiệm vụ trọng tâm năm 2016 cần tập trung giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm một cách căn cơ, từ gốc: bắt đầu từ khâu thúc đẩy, mở rộng sản xuất nông sản an toàn, đồng thời tạo dựng thị trường cho việc tiêu thụ sản phẩm an toàn, xử lý nghiêm các vi phạm trong kinh doanh và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, tập trung tạo đột phá, chuyển biến ở các lĩnh vực chính: không sử dụng chất cấm, kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hữu cơ, phân bón khác đúng quy định. Nhằm tiếp nối các kết quả đạt được trong năm 2015, Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh tổ chức triển khai "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" năm 2016 với chủ đề "Tiếp tục tăng cường sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn".
Như vậy, mục tiêu của "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" năm nay là giải quyết căn bản bức xúc nổi cộm hiện nay là sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, giảm thiểu rõ nét mức tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật trong rau, quả; tồn dư hóa chất, kháng sinh trong thịt lợn, thịt gà, thủy sản nuôi, tạo niềm tin cho người tiêu dùng thực phẩm nông sản, thủy sản; đồng thời nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân trong việc sản xuất, kinh doanh tiêu dùng rau, thịt an toàn. Cùng với đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, nhập khẩu, lưu thông, buôn bán thực phẩm, đặc biệt là các chợ đầu mối cung ứng rau thịt nông sản và giảm thiểu ngộ độc thực phẩm từ rau, thịt mất an toàn thực phẩm.
P.V: Vậy nhiệm vụ trọng tâm của "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" năm nay được tập trung vào những nội dung gì, thưa đồng chí?
Đ/c Nguyễn Thị Hường: Tháng hành động vì an toàn thực phẩm là điểm nhấn trong năm, tạo nên đợt cao điểm, phát động một "chiến dịch truyền thông đẩy mạnh các hoạt động vì chất lượng VSATTP", tạo ra bước đột phá, sự chuyển biến tích cực trong việc chấp hành pháp luật. Đồng thời, chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm hàng loạt và các bệnh truyền qua thực phẩm.
Theo đó, huy động mọi nguồn lực, các cơ quan thông tấn báo chí tham gia chiến dịch truyền thông về bảo đảm chất lượng, VSATTP, tạo diễn đàn trao đổi sâu rộng giữa các nhà khoa học, nhà quản lý, người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về sản xuất, kinh doanh thực phẩm rau, thịt theo pháp luật. Tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức, phương tiện truyền thông thích hợp để phổ biến kiến thức, giáo dục pháp luật về an toàn thực phẩm, các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Y tế, các Bộ, ngành và UBND các cấp về an toàn thực phẩm, các tiêu chuẩn, quy chuẩn, các quy định về điều kiện an toàn thực phẩm và kiến thức khoa học về an toàn thực phẩm.
Cùng với đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành có trọng tâm, trọng điểm nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những sơ hở, bất cập, yếu kém trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về bảo đảm an toàn thực phẩm, đồng thời đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Các cơ quan báo chí sẽ là kênh thông tin đến người dân kết quả thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm, trong đó công khai tên các cơ sở cung cấp các sản phẩm rau, thịt không an toàn, biểu dương và đưa tin danh sách các cơ sở cung cấp sản phẩm thực phẩm đảm bảo an toàn.
"Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" sẽ là điểm nhấn quan trọng để các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, cơ sở chế biến và kinh doanh thực phẩm cũng như người tiêu dùng có thêm kiến thức, thời gian lắng nghe, tìm hiểu nhằm nâng cao nhận thức, hành động, ứng xử về VSATTP tại địa phương, đơn vị mình.
P.V: Đồng chí có thể nói rõ hơn về những công việc cần triển khai trong "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" năm 2016?
Đ/c Nguyễn Thị Hường: "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" năm nay diễn ra từ ngày 15-4 đến 15-5-2016 trên phạm vi toàn quốc. Đối với tỉnh Ninh Bình, cấp tỉnh sẽ tổ chức lễ phát động vào ngày 23-4-2016. Tại lễ phát động này sẽ huy động nhiều lực lượng, các nhà quản lý, người sản xuất chế biến, kinh doanh thực phẩm (đặc biệt là những doanh nghiệp, người trồng trọt, chăn nuôi…) và người tiêu dùng thực phẩm cùng ra quân thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn thực phẩm. Các huyện, thành phố và các xã, tùy vào điều kiện cụ thể của địa phương, Ban chỉ đạo liên ngành về VSATTP cấp huyện, cấp xã tổ chức hội nghị, lễ phát động triển khai "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" năm 2016 tại tất cả các huyện, thành phố và các xã, thời gian từ 15-4 đến 25-4-2016.
Theo đó, chú trọng triển khai công tác tuyên truyền với các hình thức trực tiếp, gián tiếp và bằng nhiều phương pháp, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác đảm bảo VSATTP. Đối tượng ưu tiên truyền thông là các cơ sở sản xuất, sơ chế/chế biến, kinh doanh rau; cơ sở chăn nuôi, giết mổ, sơ chế/chế biến, kinh doanh thịt; chính quyền các cấp, ban quản lý chợ đầu mối, siêu thị, cơ sở tiêu dùng rau, thịt (nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể…) và người tiêu dùng thực phẩm.
Tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành từ tỉnh đến huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn, chú trọng kiểm tra việc chấp hành các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm của cơ sở; kiểm tra thực tế cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; lấy mẫu để kiểm nghiệm xác định các chỉ tiêu an toàn thực phẩm… Theo kế hoạch, tuyến tỉnh sẽ thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành, gồm Chi cục ATVSTP tỉnh, Chi cục Quản lý thị trường, Trung tâm Y tế dự phòng, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh, Thanh tra Sở Nông nghiệp & PTNT, Sở Y tế kiểm tra tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh. Đặc biệt năm nay, ngoài 3 đoàn trên, nhằm tăng cường thanh tra, kiểm tra đánh giá hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý an toàn thực phẩm và việc tuân thủ chấp hành luật pháp của các cơ sở sản xuất, kinh doanh rau, thịt, UBND tỉnh quyết định thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành do đồng chí Phó Chủ tịch UNBD tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành về VSATTP của tỉnh làm trưởng đoàn và lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan làm thành viên.
Đối với tuyến huyện, xã, thành lập các Đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là các cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm là rau, thịt và các sản phẩm chế biến từ rau theo đúng kế hoạch và phối hợp với các Đoàn thanh tra, kiểm tra của tuyến tỉnh khi Đoàn tiến hành kiểm tra tại địa phương. Qua các cuộc thanh, kiểm tra, tăng cường phát hiện thu giữ, tiêu hủy tất cả các loại thực phẩm, rau, thịt không bảo đảm VSATTP, không rõ nguồn gốc, nhập lậu. Đồng thời, các Đoàn sẽ kiên quyết xử phạt nghiêm những cơ sở vi phạm VSATTP, công khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng biết.
Cùng với đó, ngành Y tế triển khai các biện pháp giám sát, phòng, chống nguy cơ ngộ độc thực phẩm; không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm; sẵn sàng phát hiện sớm, cấp cứu, điều trị kịp thời người ngộ độc thực phẩm; không để tử vong do ngộ độc thực phẩm.
Có thể nói, việc đảm bảo VSATTP không chỉ riêng trong "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" mới triển khai mà phải là việc làm thường xuyên, liên tục và đồng bộ trong suốt cả năm. Để đạt được kết quả cao nhất và bền vững, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt, thường xuyên của các cấp chính quyền, ngành chức năng, mỗi người tiêu dùng cần nâng cao ý thức và hành động trong việc đảm bảo VSATTP, đó chính là đảm bảo cho lợi ích, sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Mỹ Hạnh (thực hiện)