Thông qua dự án nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân trong việc bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng góp phần thay đổi thái độ, hành vi của người nông dân, tích cực ứng xử thân thiện với môi trường, bảo vệ môi trường bằng những hoạt động cụ thể như: thu gom rác thải ở từng hộ gia đình và nơi công cộng.
Theo đánh giá của Hội nông dân tỉnh sau quá trình tiến hành khảo sát, có nhiều nguyên nhân để Gia Thịnh được chọn làm điểm trong dự án lần này. Đây là một trong những địa phương nằm trong vùng lũ, hàng năm chịu ảnh hưởng không nhỏ từ thiên tai do đó vấn đề về môi trường trước, trong và sau lũ được đặt ra hết sức cần thiết.
Mặt khác, hiện nay Gia Thịnh có số dân khá đông (khoảng hơn 7 nghìn nhân khẩu) trong khi diện tích đất đai lại chật hẹp so với các địa phương khác trong huyện dẫn tới mật độ dân số cao. Trong quá trình phát triển những năm gần đây xã được đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái nước khoáng Kênh Gà và chợ đầu mối Liên Huy là trung tâm giao dịch, buôn bán của nhân dân các địa phương lân cận như Gia Phú, Gia Vượng, thị trấn Me…
Đặc biệt, cũng như nhiều vùng nông thôn khác nếu nhìn vào thực trạng việc thu gom và xử lý rác thải trên địa bàn, Gia Thịnh cũng đang gặp phải nhiều khó khăn, bất cập. Xã hiện có 4 thôn là: Đồng Chưa, Liên Huy, Trinh Phú và Kênh Gà. Trong đó, riêng thôn Kênh Gà nằm ở vị trí ngoài đê và được coi là địa bàn "sống chung với lũ" nhưng lại chưa có hệ thống cũng như hình thức xử lý rác tập trung cho nhân dân.
Khó khăn nằm ở khâu tìm địa điểm tập kết rác đảm bảo đầy đủ các yếu tố theo đúng quy định như cách xa khu dân cư… Hơn nữa việc vận chuyển rác đến bãi rác chung của huyện cũng gặp khó khăn về phương tiện. Với 3 thôn còn lại, đã hình thành được đội ngũ thu gom rác ở từng địa bàn nhỏ với phương tiện là các xe đẩy tay và công nông (hiện nay đã bị cấm lưu hành).
Ý thức của nhân dân trước vấn đề môi trường bước đầu cũng được cải thiện với việc thực hiện nghiêm túc hoạt động thu gom rác ở từng gia đình và tích cực nộp khoản phí 3.500 đồng/hộ/tháng để chi trả lương cho đội ngũ nhân công ở từng thôn, xóm.
Hiện nay, xã đang đẩy mạnh công tác giảm nghèo trong đó đặc biệt chú trọng việc phát triển đa dạng các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và chăn nuôi.
Toàn xã có khoảng hơn 20 trang trại vừa và nhỏ nuôi gia súc, gia cầm nhưng hệ thống xử lý rác thải thì hầu như chưa có, gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường xung quanh. Một thực tế khác cũng tồn tại nhiều năm nay là việc thu gom rác thải nông nghiệp như: chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật… chưa được quan tâm. Sau khi sử dụng, bà con thường vất các loại rác này ngay tại đồng ruộng.
Theo dự án lần này, Gia Thịnh được hỗ trợ toàn diện từ khâu tuyên truyền đến triển khai thực hiện với nhiều phương tiện cần thiết với tổng kinh phí trên 163 triệu, trong đó TW Hội hỗ trợ 100 triệu đồng, còn lại là địa phương và nhân dân đóng góp (bao gồm kinh phí thành lập và duy trì hoạt động câu lạc bộ, kinh phí chi trả thù lao cho đội thu gom rác thải). Ban quản lý dự án trực tiếp đầu tư mua và trang bị cho xã 10 xe đẩy rác, 15 thùng đựng rác công cộng và 1.856 thùng đựng rác tại các hộ gia đình.
Trong tháng 8, Tỉnh hội đã tổ chức lớp tập huấn nâng cao nhận thức , kiến thức về môi trường cho hơn 100 cán bộ, hội viên nông dân xã. Đây chính là đội ngũ tuyên truyền viên về môi trường trong thời gian tới của địa phương. Sau đó nhiều hoạt động khác cũng sớm được triển khai như: thành lập 4 câu lạc bộ nông dân tự quản về môi trường, phát động phong trào tổng vệ sinh đường làng ngõ xóm, phong trào "sạch từ nhà ra ngõ, sạch từ ngõ vào nhà"…
Dự án "thu gom rác thải tập trung giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông thôn" được triển khai là một tín hiệu tốt cho công tác bảo vệ môi trường ở Gia Thịnh và hy vọng sẽ mang lại hiệu quả thiết thực.
Duy Hiền