Tháng 2-1995, BHXH tỉnh Ninh Bình được thành lập cùng với sự ra đời của hệ thống BHXH các tỉnh, thành phố trong cả nước. 17 năm thành lập, phấn đấu và trưởng thành, BHXH Ninh Bình đã có bước phát triển tương đối toàn diện, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hàng năm hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch và nhiệm vụ được giao, không ngừng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Khi mới thành lập, BHXH tỉnh được giao chỉ tiêu biên chế là 80 người, trong đó chỉ có 30 người, chiếm 37,5% tổng số biên chế từ hệ thống ngành LĐTB&XH và Công đoàn chuyển sang đã qua công tác chế độ, chính sách BHXH, số còn lại hầu hết từ các ngành dịch vụ sản xuất, bộ đội chuyển ngành, công ty, xí nghiệp… chưa có nghiệp vụ về BHXH. Trong đó, trình độ chuyên môn hệ đại học chỉ có 14/80 người, trung cấp 61/80 người, BHXH tỉnh khi đó có 13 đơn vị trực thuộc, là BHXH 8 huyện, thị xã và 5 phòng nghiệp vụ. Đến nay, BHXH tỉnh Ninh Bình có bộ máy tổ chức gồm 9 phòng nghiệp vụ và 8 BHXH các huyện, thành phố, thị xã với 223 cán bộ, công chức, viên chức, trong đó số người có trình độ đại học và trên đại học là 267 người (1 thạc sỹ), chiếm 74,8% cán bộ, công chức, viên chức.
Công tác thu BHXH, BHYT được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đáp ứng yêu cầu tăng trưởng quỹ và chi trả kịp thời các chế độ BHYT, BHXH. 17 năm qua, số thu BHXH, BHYT của tỉnh đạt gần 2.500 tỷ đồng. Riêng năm 2011, BHXH tỉnh được giao kế hoạch thu BHXH, BHYT, BHTN với tổng số tiền 634,21 tỷ đồng; đến hết năm 2011 đã thực hiện thu được 663,81 tỷ đồng, vượt kế hoạch 4,67%, bằng 130,6% so với năm 2010. Số người tham gia BHXH bắt buộc trên 68 nghìn người; đối tượng tham gia BHYT trên 586 nghìn người, trong đó có trên 36 nghìn người tham gia BHYT tự nguyện.
Cùng với công tác thu, đóng BHXH, BHYT, công tác cấp sổ luôn được coi trọng vì việc cấp sổ BHXH đối với người lao động là cơ sở pháp lý quan trọng thể hiện quá trình công tác và đóng nộp BHXH, làm căn cứ cho việc thẩm định giải quyết chế độ, chính sách một cách chính xác, công bằng cho người lao động. Do đó, ngành đã tập trung chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị sử dụng lao động, tiến hành thẩm định và cấp trên 95% sổ BHXH cho người lao động. Cùng với việc cấp sổ BHXH, để đảm bảo quyền lợi được khám, chữa bệnh của các đối tượng tham gia BHYT, BHXH tỉnh đã phát hành bình quân mỗi năm gần 500 nghìn thẻ BHYT, phục vụ kịp thời cho các đối tượng thụ hưởng quyền lợi BHYT. Riêng năm 2011 cấp 614.000 thẻ BHYT, trong đó cấp mới 567.000 thẻ, cấp lại 47.000 thẻ.
Công tác giải quyết chế độ, chính sách được BHXH tỉnh tập trung chỉ đạo, từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng trong công tác tiếp nhận, thẩm định hồ sơ, giải quyết chế độ, chính sách theo hệ thống Nghị định và Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật BHXH. Trong 17 năm, đã giải quyết kịp thời chế độ, chính sách cho trên 36.400 hồ sơ các loại và thẩm định duyệt chi chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe cho hàng trăm nghìn lượt người, mỗi năm có hàng nghìn lượt người được hưởng các chế độ, chính sách BHXH theo đúng quy định của Nhà nước, với tổng số tiền chi trả là trên 7.127 tỷ đồng. Hiện nay, hàng tháng BHXH tỉnh chi trả bình quân 105 tỷ đồng cho 54.500 đối tượng hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH. Đồng thời, BHXH tỉnh cũng thường xuyên coi trọng công tác quản lý, theo dõi chặt chẽ các đối tượng hưởng chế độ có thời hạn và các đối tượng từ trần để kịp thời cắt giảm (hoặc chuyển hưởng chế độ) theo đúng quy định của Nhà nước.
Những kết quả đạt được trong 17 năm qua của ngành BHXH tỉnh Ninh Bình thể hiện sự phấn đấu, chung sức, đoàn kết của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành. Kết quả đó được ghi nhận và biểu dương bằng những phần thưởng cao quý. Nhiều tập thể và cá nhân trong ngành BHXH tỉnh được nhận bằng khen và danh hiệu thi đua do Thủ tướng Chính phủ, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, Chủ tịch UBND tỉnh tặng do có những thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ, trong các phong trào thi đua...
Phát huy những kết quả, thành tích đạt được, năm 2012 và những năm tiếp theo, BHXH tỉnh đặt ra một số nhiệm vụ trọng tâm, phấn đấu thực hiện và hoàn thành tốt như: Phối hợp với các các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, cơ quan Báo, Đài Phát thanh - Truyền hình, đài truyền thanh, các sở, ban, ngành và đơn vị sử dụng lao động để làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, góp phần mở rộng, tăng nhanh đối tượng tham gia BHXH, BHYT, nhất là loại hình BHYT tự nguyện nhân dân, hộ cận nghèo. Triển khai thực hiện tốt Luật BHXH, Luật BHYT, các văn bản hướng dẫn của ngành đến đơn vị sử dụng lao động, người lao động và nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện nghiêm túc việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết chế độ BHXH, BHYT theo cơ chế "Một cửa"; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt nghiệp vụ và công tác quản lý của ngành.
Tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời xử lý những đơn vị sử dụng lao động vi phạm chính sách BHXH, BHYT, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động. Kiện toàn đội ngũ cán bộ, viên chức, chú trọng bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức quản lý Nhà nước, lý luận chính trị nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 03-CT/T.Ư của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 1973/CT-TTg ngày 7-11-2011 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", cụ thể hóa vào các công việc, nhiệm vụ cụ thể của từng đơn vị và cá nhân cán bộ, viên chức trong toàn đơn vị.
Huy Hoàng