Giá trị sản xuất CN - TTCN trên địa bàn huyện ước đạt 145 tỷ 034 triệu đồng, tăng 20,8% so với cùng kỳ năm 2008, đạt gần 50% kế hoạch năm, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 2.657.000 USD (chủ yếu từ các mặt hàng chế biến cói và chế biến hạt điều). Trong đó thành phần kinh tế ngoài Nhà nước đạt 22 tỷ 557 triệu đồng, HTX tiểu thủ công nghiệp đạt 2 tỷ 154 triệu đồng, doanh nghiệp tư nhân 12 tỷ 199 triệu đồng, hộ cá thể 108 tỷ 120 triệu đồng. Các sản phẩm chủ yếu và đạt giá trị cao là: Thảm cói xuất khẩu đạt 147.000 m2, chiếu nội địa đạt 1 triệu lá, các mặt hàng mẫu nhỏ từ cói và bèo tây xuất khẩu gần 77 triệu sản phẩm, gạch nung đạt trên 6 triệu viên, quần áo may sẵn 440.000 chiếc, khai thác đá đạt trên 3.000 m2. Một số doanh nghiệp có doanh thu khá như: Xí nghiệp tư doanh chiếu cói Quang Minh đạt 12 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước trên 500 triệu đồng; Xí nghiệp tư doanh thủ công mỹ nghệ Đổi Mới đạt 6 tỷ đồng; Xí nghiệp tư nhân chiếu cói Năng Động đạt 9 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 350 triệu đồng.
Tình hình chung trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trong nước không tìm được đơn hàng và không có việc làm cho người lao động nhưng các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp ở Kim Sơn vẫn ổn định việc làm cho công nhân với mức thu nhập bình quân 700 - 800 nghìn đồng/người/tháng, lao động không thường xuyên từ 400 - 450 nghìn đồng/người/tháng. Các mặt hàng sản xuất tiểu thủ công nghiệp đã có sự đa dạng, phong phú về mẫu mã, kiểu dáng và nguyên liệu nên đã thích ứng được với yêu cầu của thị trường. Khi các sản phẩm về cói gặp khó khăn trong công tác tiêu thụ, các doanh nghiệp đã năng động, nhạy bén tìm kiếm các nguyên liệu thay thế và các doanh nghiệp đã vào các tỉnh miền Nam khai thác nguồn nguyên liệu bèo tây, bẹ chuối sản xuất ra các mặt hàng mới được khách hàng nước ngoài đón nhận.
Bên cạnh những kết quả được ghi nhận, thời gian qua, sản xuất CN - TTCN của huyện vẫn còn những khó khăn như: một số mặt hàng giảm sút so với năm trước như sản phẩm hạt điều xuất khẩu của Nhà máy chế biến hạt điều (Công ty cổ phần đầu tư XNK Ninh Bình). Do giá cả hạt điều trên thế giới xuống thấp (trước đây 1 kg hạt điều giá từ 25-26 nghìn đồng, nhưng thời điểm vừa qua giá xuống chỉ còn 16 - 17 nghìn đồng) đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động, doanh thu của Nhà máy và việc làm, thu nhập của người lao động.
Một số doanh nghiệp vẫn chưa chủ động trong sản xuất khi giá cả đầu vào của các sản phẩm thủ công mỹ nghệ nói chung liên tục tăng, trong khi đầu ra của các sản phẩm không tăng hoặc tăng không đáng kể. Một khó khăn nữa là vấn đề thiếu vốn để tái đầu tư và mở rộng sản xuất. Hiện nay các doanh nghiệp huy động nguồn vốn nội lực là chủ yếu, khi có chương trình, chính sách lớn của Nhà nước với lãi suất ưu đãi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì các doanh nghiệp mới có cơ hội tăng nguồn vốn đầu tư sản xuất nhưng việc làm thủ tục và yêu cầu cho vay gặp rất nhiều khó khăn.
Công tác tiếp cận thị trường nước ngoài vẫn còn hạn chế, các doanh nghiệp phải xuất qua các trung gian đầu mối, chưa tiếp cận trực tiếp với các khách hàng nước ngoài. Do trình độ ngoại ngữ của một số chủ doanh nghiệp và cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu còn hạn chế, công nghệ thông tin chưa được quan tâm đầu tư làm ảnh hưởng đến công tác tìm kiếm sản phẩm đầu ra.
Qua việc kiểm tra, nắm tình hình sản xuất CN - TTCN trên địa bàn, các doanh nghiệp mong muốn và đề nghị Nhà nước có một số cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vay vốn ưu đãi, được tiếp cận với các quỹ hỗ trợ như quỹ khuyến công, quỹ giải quyết lao động - việc làm, các nguồn vốn phi Chính phủ…, để các doanh nghiệp có điều kiện đào tạo nâng cao tay nghề cho công nhân, tạo ra các sản phẩm mới chào hàng và có cơ hội tiếp xúc với khách hàng nước ngoài. Hiện tại một số doanh nghiệp có diện tích đất xây dựng nhà xưởng hẹp, do vậy các doanh nghiệp cũng đề nghị các cấp, các ngành tạo điều kiện cho thuê đất để mở rộng sản xuất đáp ứng các hợp đồng lớn từ phía khách hàng.
Về phía huyện Kim Sơn, để đạt được mục tiêu kế hoạch đề ra, huyện đề nghị các cấp, các ngành tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh; tăng cường công tác chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất đối với vùng nguyên liệu cói thuộc Công ty Nông nghiệp Bình Minh; chỉ đạo các ngành tài chính, ngân hàng tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp được vay vốn.
Hương Giang