Đồng chí Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Sở Công thương cho biết: Năm 2018, mặc dù nền kinh tế trong nước và thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, song với sự nỗ lực của các doanh nghiệp, sự triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phát triển công nghiệp tại địa phương, do vậy tình hình sản xuất công nghiệp của tỉnh tiếp tục có chuyển biến tích cực, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh tăng mạnh.
Tổng giá trị sản xuất đạt hơn 49,2 nghìn tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2017, vượt gần 5,2% kế hoạch. Một số sản phẩm chủ lực tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khá so với cùng kỳ như xe ô tô gấp hơn 2 lần, kính nổi gấp gần 3 lần, phân đạm tăng gần 40%...
Phân tích về con số này, đồng chí Hoàng Trung Kiên nhìn nhận: Giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh năm 2018 đạt mức tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ là do có sự đóng góp tương đối lớn của ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô khi Dự án nhà máy sản xuất và lắp ráp ô tô công suất 40.000 xe/năm của Công ty cổ phần Sản xuất ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam tại KCN Gián Khẩu sau thời gian đi vào hoạt động ổn định, đã đẩy mạnh hoạt động sản xuất, lắp ráp vượt công suất đề ra; dự án Nhà máy kính tiết kiệm năng lượng chất lượng cao CFG của Công ty TNHH Công nghiệp Hạ Long - CFG tại KCN Khánh Cư hiện dây chuyền 1 công suất 600 tấn/ngày đã đi vào hoạt động...Bên cạnh đó, các sản phẩm chủ yếu có thế mạnh của tỉnh như may mặc, xi măng, phân bón,.. vẫn tiếp tục sản xuất ổn định.
Những kết quả trên đã phản ánh sự hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực công nghiệp của ngành chuyên môn cũng như định hướng của tỉnh. Một trong những chính sách được các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế cũng như cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao đó là UBND tỉnh ban hành Nghị quyết số 07 về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để phát triển ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và công nghiệp điện tử trở thành ngành kinh tế chủ lực, tăng nguồn thu cho ngân sách tỉnh; chương trình công nghiệp hỗ trợ tỉnh Ninh Bình đến năm 2025.
Bên cạnh đó, việc Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh đã góp phần không nhỏ vào việc thu hút các dự án sản xuất công nghiệp trên địa bàn. Năm qua, Sở Công thương đã tham mưu cho UBND tỉnh bổ sung, điều chỉnh một số CCN cho phù hợp với tình hình thực tế, tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào CCN.
Chỉ tính riêng năm 2018, đã thu hút 4 chủ đầu tư xây dựng hạ tầng CCN Khánh Hải I, CCN Khánh Hải II, CCN Gia Lập, CCN Văn Phong và thu hút thêm 10 dự án đầu tư thứ cấp với tổng vốn đăng ký 1.909,1 tỷ đồng, diện tích đã cho thuê 26,69ha. Đến nay, các CCN đã thu hút 170 dự án với tổng số vốn đăng ký đầu tư là 11.056,5 tỷ đồng, số lượng lao động đăng ký trong các dự án là 44.600 lao động. Doanh thu của các dự án đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trong CCN năm 2018 đạt 5.360 tỷ đồng. Nộp ngân sách năm 2018 ước đạt 85 tỷ đồng
Bên cạnh đó, ngành Công thương cũng đã triển khai thực hiện và hoàn thành 38 đề án khuyến công với tổng kinh phí hỗ trợ 4.021 triệu đồng, tập trung vào các đề án của doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư xây dựng nâng cấp nhà xưởng, mua sắm máy móc thiết bị để nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, tạo thêm việc làm cho lao động của doanh nghiệp, làng nghề.
Cùng với các chính sách nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp của địa phương, các chính sách thu hút đầu tư như đơn giản hóa thủ tục, nhất là việc bàn giao đất cho các dự án thuận lợi, quy trình được rút ngắn, thời gian giải quyết các thủ tục hành chính liên quan tới triển khai dự án đầu tư, hỗ trợ chi phí đào tạo nghề cho người lao động, chế độ ưu đãi tối đa theo quy định của Chính phủ với tất cả các dự án đầu tư… đã được thực hiện đồng bộ, đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp.
Thực tế đó đã góp phần thúc đẩy các nhóm ngành công nghiệp phát triển mạnh, đặt nền móng quan trọng cho những năm sau để kinh tế Ninh Bình tiếp tục hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế cả nước và toàn cầu, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ có ảnh hưởng sâu rộng.
Nguyễn Thơm - Đức Lam