Địa bàn huyện Kim Sơn có hệ thống sông ngòi, kênh mương khá dày đặc. Chính vì vậy, để thuận tiện cho việc đi lại của người dân, phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất, cần xây dựng rất nhiều cây cầu dân sinh để giao thông được thông suốt. Đây cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến quá trình xây dựng nông thôn mới tại các địa phương. ông Lê Kim Long, Chủ tịch UBND xã Xuân Thiện cho biết: Địa bàn xã tương đối bằng phẳng, có nhiều sông ngòi dọc, ngang xã, thuận tiện cho việc tưới tiêu nước bằng thủy triều phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Trên địa bàn xã có đoạn sông trục chính chiều dài 1,7 km chia cắt hai bên, một bên là đường trục xã, một bên là ruộng canh tác của 2 thôn Năng An và Xuân Hồi. Đã từ lâu, nhân dân 2 thôn luôn mong mỏi có được một cây cầu bắc qua sông để thuận tiện cho việc đi lại và canh tác. Nhưng do điều kiện là một xã thuần nông, dân số ít, nguồn thu ngân sách hàng năm rất khó khăn, không thể có nguồn kinh phí để đầu tư xây dựng cây cầu quan sông với chiều dài 1,7km. Thực hiện Quyết định 140 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Sở Khoa học và Công nghệ được phân công phụ trách xã Xuân Thiện. Ông Vũ Đức Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Ngay sau khi được phân công phụ trách xã Xuân Thiện, lãnh đạo Sở đã trực tiếp xuống làm việc với xã, nghe báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội, những khó khăn, vướng mắc để bàn biện pháp giải quyết. Ngoài việc giúp xã đầu tư phát triển một số mô hình sản xuất, Sở đặc biệt quan tâm đến nguyện vọng của nhân dân trong xã về việc xây dựng cầu qua sông Năng An - Xuân Hồi. Qua sự kết nối với Viện Khoa học công nghệ xây dựng và sự tài trợ của Công ty cổ phần đầu tư Sông Đà Việt Đức, cây cầu dân sinh Năng An - Xuân Hồi đã được xây dựng và đưa vào sử dụng. Cây cầu được thi công trong thời gian rất ngắn, chỉ trong 9 ngày và được hoàn thiện xong trong thời gian 5 ngày, tổng cộng là 14 ngày. Tuy nhiên chất lượng vẫn được đảm bảo và đã được Sở Giao thông-Vận tải thẩm định. Cây cầu có chiều dài hơn 21m, trong đó phiến dầm mặt cầu dài 12m, rộng 2,2m.
Cây cầu tuy nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn vì đã áp dụng được công nghệ bê-tông tính năng siêu cao cho chế tạo nhịp dầm. Không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, sản xuất cũng như sinh hoạt của nhân dân... mà còn góp phần vào việc hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của địa phương. Ông Trần Bá Việt, Phó viện trưởng Viện Khoa học công nghệ xây dựng nhấn mạnh: Cây cầu dân sinh Năng An - Xuân Hồi có ưu điểm thi công nhanh, tuổi thọ cao, rất ít phải bảo trì, mỏng và nhẹ nên có độ thẩm mỹ cao, kiến trúc phù hợp. Cây cầu sử dụng vật liệu chỉ bằng 1 phần 3 so với cầu bê-tông thông thường nên giảm phát thải khí nhà kính, ít khai thác tài nguyên và là một giải pháp xây dựng bền vững theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới. Đây là cây cầu thứ hai được xây dựng ở nước ta và là cây cầu đầu tiên được xây dựng ở miền Bắc bằng công nghệ bê-tông tính năng siêu cao do Viện Khoa học công nghệ xây dựng và Công ty Innovation Dura Việt Nam nghiên cứu phát triển.
Với những ưu điểm nổi trội kể trên, Viện Khoa học công nghệ xây dựng tin tưởng vào sự thành công của công nghệ UHPC, cho rằng đây sẽ là một giải pháp mới hiệu quả trong việc xây dựng cầu dân sinh trên cả nước nói chung, tại địa bàn tỉnh ta nói riêng. Sự thành công trong xây dựng cây cầu Năng An - Xuân Hồi là một điển hình trong việc sớm triển khai ứng dụng thí điểm công nghệ bê-tông tính năng siêu cao Việt Nam (VN-UHPC) cho dự án xây dựng hơn 2.100 cầu nông thôn thuộc dự án LRAMP do Tổng cục đường bộ Việt Nam quản lý với sự tài trợ bởi Ngân hàng Thế giới. Trước mắt là cho xây dựng 3 cây cầu theo công nghệ VN-UHPC tại tỉnh Trà Vinh, Nghệ An, Thái Nguyên ngay trong năm nay, làm cơ sở cho việc nhân rộng trong các năm tiếp theo. Đây sẽ là bước tiến quan trọng để mô hình này sớm được nhân rộng, đem lại hiệu quả khoa học công nghệ, kinh tế kỹ thuật và xã hội trong việc hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững, hiệu quả thiết thực.
Thái Học