Phóng viên (P.V): Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã trở thành hiệp định thương mại tự do đầu tiên có các quy định liên quan đến lao động và công đoàn. Theo nhận định của ông, các quy định đó sẽ mang đến những cơ hội và thách thức nào cho người lao động và tổ chức Công đoàn? Đ/C Đỗ Việt Anh: Hiệp định TPP được ký kết với mục đích thúc đẩy hội nhập kinh tế nhằm tự do hóa thương mại và đầu tư, đem lại tăng trưởng kinh tế và lợi ích xã hội cho các nước thành viên, đồng thời cũng tạo ra những cơ hội mới cho người lao động, doanh nghiệp và tổ chức công đoàn... Cơ hội đầu tiên phải kể đến là khi số lượng doanh nghiệp tăng sẽ kéo theo sự gia tăng về số lượng lao động.
Đây là nguồn phát triển đoàn viên và thành lập CĐCS dồi dào cho tổ chức công đoàn. Người lao động cũng sẽ có thêm nhu cầu được tổ chức công đoàn quan tâm đến đời sống, việc làm, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng.
Đặc biệt, khi ký kết Hiệp định TPP thì Hệ thống pháp luật nước ta tiếp tục phải hoàn thiện, phù hợp với thông lệ và pháp luật quốc tế. Trong đó, những quy định về quyền và nghĩa vụ của người lao động, các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước về lao động phải minh bạch và bảo đảm thực hiện nghiêm túc, hiệu quả sẽ giúp cho công đoàn hoạt động được thuận lợi hơn, phát huy được vai trò và thực hiện chức năng, nhiệm vụ tốt hơn.
Và một cơ hội nữa, theo tôi cũng rất quan trọng đó là sự phát triển mạnh mẽ các quan hệ thương mại sẽ góp phần tạo cơ hội gia tăng quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực lao động và công đoàn, tạo cơ hội thuận lợi để công đoàn Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động đối ngoại, góp phần tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm hoạt động và tranh thủ sự hỗ trợ mọi mặt của Công đoàn các nước.
Cơ hội rất nhiều song tôi nghĩ rằng thách thức cũng không ít. Kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tăng nhanh sau khi TPP chính thức được ký kết dẫn đến tình trạng lao động tăng nhanh về số lượng, đa dạng về cơ cấu và quan hệ lao động sẽ phức tạp hơn. Vì vậy, trong những năm đầu tham gia TPP sẽ có những thách thức lớn đối với tổ chức và hoạt động công đoàn. Đó là việc giữ vững và phát triển đoàn viên, bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động trong khi điều kiện về tổ chức bộ máy, về năng lực cán bộ chưa được chuẩn bị một cách chu đáo.
Đặc biệt, những vấn đề liên quan đến lao động và công đoàn (quyền tự do lập hội, quyền thương lượng tập thể) cũng như những chính sách, quy định pháp luật nói chung sẽ có sự thay đổi phù hợp với những công ước quốc tế cũng tác động tới môi trường lao động và tổ chức Công đoàn Việt Nam.
P.V: Một trong những nội dung chính về lao động trong Hiệp định TPP là các nước tham gia phải tôn trọng và bảo đảm quyền của người lao động trong việc thành lập, gia nhập tổ chức của người lao động tại cơ sở, liệu đây có phải là một thách thức đối với hoạt động công đoàn hiện nay?
Đ/C Đỗ Việt Anh: Nội dung đó được hiểu cụ thể hơn là sẽ có tổ chức của người lao động đứng ngoài tổ chức Công đoàn Việt Nam vận động và phát triển đoàn viên. Tổ chức này tiến hành các hoạt động thương lượng ký thỏa ước lao động tập thể; đình công và tiến hành các hoạt động tập thể có liên quan đến lao động theo tuyên bố ILO và quy định pháp luật của Việt Nam.
Trong điều kiện thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện tốt những quy định của pháp luật lao động, điều này sẽ dễ dẫn đến những tranh chấp trong quan hệ lao động, làm gia tăng những vụ ngừng việc tập thể, đình công, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đến việc làm, thu nhập của người lao động, đến tình hình an ninh, trật tự của địa phương.
Sau 5 năm, kể từ ngày Hiệp định TPP có hiệu lực, tổ chức của người lao động tại các cơ sở có thể liên kết với nhau hình thành hoặc gia nhập tổ chức của người lao động liên doanh nghiệp và ở cấp trên doanh nghiệp, bao gồm cấp ngành và cấp vùng phù hợp với những quyền lao động được nêu trong Tuyên bố của ILO và các quy định của pháp luật mà không mâu thuẫn với những quyền lao động đó.
Các tổ chức này được tổ chức đình công không thuộc phạm vi doanh nghiệp, hoạt động theo Điều lệ riêng, được thu và quản lý phí hội viên của tổ chức đó và được nhận phần chia cho tổ chức của người lao động ở cấp cơ sở từ khoản đóng góp 2% của người sử dụng lao động. Bên cạnh đó, tổ chức này được hỗ trợ từ bên ngoài.
Đối với những nội dung này, tôi không cho rằng đó là một thách thức lớn nhất của tổ chức công đoàn bởi nếu chúng ta không tự làm mới mình, chúng ta sẽ thua ngay trên chính sân nhà. Và theo một cách nào đó, nó cũng đem đến những tác động tích cực thúc đẩy công đoàn các cấp phải nâng cao chất lượng hoạt động.
P.V: Đối với Ninh Bình, hiện nay dù đã có nhiều cố gắng song việc kết nạp đoàn viên, thành lập CĐCS tại các doanh nghiệp vẫn còn gặp không ít khó khăn. Khi gia nhập TPP, phải "đối đầu" cuộc chiến thu hút người lao động gia nhập tổ chức của mình với các tổ chức của người lao động khác, ngay từ lúc này, các cấp công đoàn trong tỉnh đã có bước đi đón đầu như thế nào thưa ông?
Đ/C Đỗ Việt Anh: Trong điều kiện Công đoàn còn nhiều khó khăn, bất cập về đội ngũ cán bộ, về kinh phí, về tổ chức bộ máy, về hệ thống quản lý, về chính sách đãi ngộ và bảo vệ cán bộ công đoàn đang đặt ra những thách thức đối với phong trào CNVCLĐ và hoạt động công đoàn, trong đó có những khó khăn lớn về phát triển đoàn viên, thành lập tổ chức công đoàn.
Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã triển khai chương trình phát triển đoàn viên giai đoạn 2013- 2018, chọn năm 2016 là "Năm phát triển đoàn viên". Ban thường vụ LĐLĐ tỉnh đã kịp thời xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, trong đó đã tập trung triển khai một số giải pháp chủ yếu để thực hiện chỉ tiêu phát triển 6.000 đoàn viên trong năm 2016.
Trước hết là nắm chắc số doanh nghiệp có đủ điều kiện thành lập tổ chức Công đoàn trên từng địa bàn; tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người lao động hiểu về Công đoàn Việt Nam, hiểu lợi ích của bản thân khi gia nhập công đoàn từ đó tự giác gia nhập công đoàn và tham gia hoạt động công đoàn; đồng thời chủ động và tích cực gặp gỡ, làm việc với chủ sử dụng lao động để tạo được sự ủng hộ cho việc thành lập tổ chức Công đoàn cơ sở.
Chúng tôi cũng thường xuyên nắm tình hình tư tưởng, nguyện vọng, những bức xúc của đoàn viên, người lao động liên quan đến việc thực hiện chính sách cho người lao động trong các doanh nghiệp để tham gia, phối hợp giải quyết, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và giúp cho doanh nghiệp sớm ổn định sản xuất kinh doanh; đồng thời đẩy mạnh các hoạt động hướng về cơ sở, thường xuyên quan tâm chăm lo đến đời sống, việc làm; huy động các nguồn lực để thăm hỏi, tặng quà cho CNLĐ...
Về lâu dài, chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy các thế mạnh của mình, đó là việc luôn quan tâm, chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động, đồng thời tự làm mới mình với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đây là một trong những yếu tố quyết định chất lượng hoạt động công đoàn.
Các cấp công đoàn đầu tư kinh phí để tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ công đoàn giúp họ có đủ năng lực, kỹ năng, phương pháp hoạt động để làm tốt chức năng và giải quyết hài hòa các mối quan hệ trong doanh nghiệp…
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Đào Duy (thực hiện)