Sự phát triển của phong trào công nhân và tổ chức Công hội đòi hỏi phải có một tổ chức Mác xít, một Đảng thực sự cách mạng của GCCN có khả năng tập hợp, lãnh đạo công nhân đấu tranh giành độc lập, tự do. Tháng 6-1929, Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời đã liên kết các Công hội đỏ ở các cơ sở và giao cho đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, ủy viên BCH lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng, triệu tập đại hội thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc kỳ, tiền thân của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam ngày nay.
Đại hội thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ diễn ra ngày 28-7-1929 tại số nhà 15 Hàng Nón, Hà Nội. Đại hội đã thông qua chương trình, điều lệ và bầu ra BCH lâm thời do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đứng đầu. Đại hội quyết định ra Báo Lao động và Tạp chí Công hội đỏ làm cơ quan ngôn luận và nghiên cứu lý luận của Công đoàn Việt Nam (CĐVN).
Sự kiện thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc kỳ là một mốc son trong lịch sử phong trào công nhân và công đoàn Việt Nam. Lần đầu tiên GCCN Việt Nam có một đoàn thể cách mạng rộng lớn, hoạt động có tôn chỉ, mục đích, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của đông đảo công nhân lao động (CNLĐ).
85 năm xây dựng và trưởng thành, dù trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào, CĐVN luôn giữ vững tính chất quần chúng và tính chất giai cấp của GCCN; hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích và phát huy tốt vai trò của tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của GCCN Việt Nam; biểu hiện đầy đủ những truyền thống và bản chất trung thành với chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; là chỗ dựa tin cậy, vững chắc của Đảng và Nhà nước, là cầu nối giữa Đảng và quần chúng công nhân lao động; luôn thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật; không ngừng nâng cao vị thế của tổ chức Công đoàn trong xã hội; đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH hiện nay.
Cùng với sự phát triển của tổ chức Công đoàn Việt Nam, phong trào công nhân Ninh Bình sớm được hình thành với các phong trào đấu tranh của công nhân thợ thuyền đòi tăng lương, chống đánh đập ở các đồn điền, xưởng thợ; cùng với nông dân đấu tranh chống sưu cao, thuế nặng của thực dân, phong kiến ở nông thôn... Tổ chức Công hội lần lượt được hình thành từ tỉnh đến huyện và các đồn điền, xưởng máy. Dưới sự lãnh đạo của BCH Đảng bộ tỉnh và sự chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam, tháng 7-1946, hội nghị thành lập Liên hiệp Công đoàn Ninh Bình được tổ chức tại thôn Xuân Áng, xã Ninh Xuân, huyện Gia Khánh (nay là huyện Hoa Lư). Hội nghị bầu BCH gồm 9 đồng chí, đồng chí Nguyễn Tất Đạt - cán bộ công vận của Đảng được hội nghị bầu là Thư ký Liên hiệp Công đoàn tỉnh. Từ đó đến nay, Công đoàn Ninh Bình đã trải qua 68 năm hoạt động với 14 kỳ đại hội.
Phát huy truyền thống của GCCN và tổ chức Công đoàn Việt Nam, 68 năm qua, dưới sự lãnh đạo của BCH Đảng bộ tỉnh và sự chỉ đạo, hướng dẫn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tổ chức Công đoàn Ninh Bình đã quán triệt sâu sắc quan điểm và các Nghị quyết, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn, đặc biệt là Nghị quyết số 20 của BCH TƯ (khóa X) về "Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước". Hoạt động của các cấp công đoàn đã và đang đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức theo phương châm hướng về cơ sở, chuyển mạnh hoạt động cộng đồng vào việc tổ chức thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, CNVC-LĐ; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ; đội ngũ CNVC-LĐ Ninh Bình đã và đang đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, các phong trào hành động cách mạng, đóng góp tích cực vào thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng và xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng vững mạnh, vì sự phồn vinh của quê hương, đất nước.
Với những đóng góp to lớn đó, tổ chức Công đoàn Việt Nam đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý; Công đoàn Ninh Bình được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.
Hoạt động Công đoàn đang diễn ra trong bối cảnh nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, là cơ hội để các thành phần kinh tế phát triển, tạo điều kiện cho người lao động tìm kiếm việc làm phù hợp, tăng thu nhập và được tiếp cận với nền sản xuất có trang, thiết bị hiện đại với trình độ quản lý, điều hành tiên tiến; đồng thời tạo cơ hội để tổ chức Công đoàn phát triển về quy mô tổ chức, tăng cường năng lực vận động, tập hợp quần chúng công nhân lao động trong các loại hình kinh tế và nâng cao khả năng hoạt động công đoàn trong điều kiện hội nhập. Bên cạnh đó, hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi hệ thống pháp luật nước ta ngày càng được bổ sung, hoàn thiện phù hợp với yêu cầu tự do thương mại hóa, phù hợp với các thông lệ và pháp luật quốc tế, trong đó, những quy định về quyền lợi, nghĩa vụ, của người lao động, người sử dụng lao động, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về lao động ngày càng được minh bạch và bảo đảm thực hiện nghiêm túc hơn; là điều kiện thuận lợi để công đoàn tổ chức, triển khai các hoạt động nhằm phát huy vai trò và thực hiện tốt hơn các chức năng của mình.
Tuy nhiên, quá trình hội nhập với tính chất cạnh tranh ngày càng khốc liệt sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp trong nước nếu không nâng cao khả năng quản trị doanh nghiệp và đổi mới trang, thiết bị máy móc... Vì vậy có nguy cơ phá sản cao, dẫn đến tình trạng thất nghiệp của người lao động tăng; mặt khác, do tính tất yếu của quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, dẫn đến tốc độ di chuyển lao động từ nông thôn đến thành phố và các khu công nghiệp ngày càng cao; các tranh chấp lao động ngày càng phức tạp, nhất là ở các doanh nghiệp FDI, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự và an toàn xã hội... đặt ra yêu cầu ngày càng cao của công tác quản lý nhà nước về lao động và hoạt động công đoàn.
Những tác động trên vừa là những điều kiện thuận lợi, vừa đặt ra những vấn đề mới và rất khó đối với hoạt động Công đoàn trong tình hình hiện nay, đòi hỏi các cấp công đoàn phải nắm vững tình hình, thống nhất nhận thức và hành động, tập trung thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ, trong đó, đặt lên hàng đầu việc thực hiện tốt chức năng đại diện bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Đại hội XIV Công đoàn Ninh Bình họp tháng 1-2013 đã đề ra mục tiêu, phương hướng hoạt động công đoàn trong 5 năm (2013 - 2018) là: "Đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động; chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVC-LĐ; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao bản lĩnh chính trị và trình độ mọi mặt của CNVC-LĐ; tập hợp đông đảo CNVC-LĐ gia nhập tổ chức Công đoàn; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, góp phần xây dựng quê hương Ninh Bình ngày càng giàu đẹp".
Với khẩu hiệu hành động: "Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Công đoàn, xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của đoàn viên, CNVC-LĐ" các cấp công đoàn đang ra sức phấn đấu thực hiện tốt những mục tiêu nói trên nhằm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế.
Bước vào năm 2014, năm thứ hai các cấp công đoàn triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Công đoàn Việt Nam, Nghị quyết Đại hội XIV Công đoàn Ninh Bình và tiếp tục thực hiện các Chỉ thị, Chương trình của Tỉnh ủy về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết hội nghị BCH T.Ư lần thứ 6 (khóa X) về "Tiếp tục xây dựng GCCN Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước", đồng thời thiết thực lập thành tích chào mừng kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, 68 năm thành lập Công đoàn Ninh Bình, từ đầu năm đến nay, các cấp công đoàn trong tỉnh đã tập trung tổ chức thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch do Ban Chấp hành, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đề ra, nổi bật là các hoạt động "Tháng Công nhân" năm 2014 với chủ đề "Công đoàn đồng hành vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp"; đã thành lập được 25 Công đoàn cơ sở và kết nạp mới 2.953 đoàn viên công đoàn.
Đặc biệt, trước sự việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước ta, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã thực hiện nghiêm túc và hiệu quả sự chỉ đạo của Tỉnh ủy và Tổng LĐLĐ Việt Nam, các cấp công đoàn trong tỉnh đã kịp thời nắm tình hình tư tưởng công nhân lao động, nhất là công nhân trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chủ động tuyên truyền và phối hợp với các ngành liên quan tuyên truyền, vận động CNLĐ thể hiện lòng yêu nước một cách bình tĩnh, sáng suốt, yên tâm lao động, bảo vệ sản xuất, không để kẻ xấu lợi dụng kích động tham gia các hành động trái pháp luật; đồng thời tổ chức tốt việc vận động CNVCLĐ và các doanh nghiệp đóng góp ủng hộ chương trình "Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa" của Tổng Liên đoàn và ủng hộ bảo vệ chủ quyền biển, đảo Hoàng Sa, Trường Sa theo chủ trương của Tỉnh. Đến nay, số tiền đăng ký ủng hộ đã được trên 6 tỷ đồng.
Thiết thực lập thành tích chào mừng 85 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam và 68 năm thành lập Công đoàn Ninh Bình, trong thời gian tới, các cấp công đoàn cần bám sát sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, nhiệm vụ chính trị của đơn vị, ngành, địa phương, tổ chức thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch công tác đã đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Nghị quyết Đại hội Công đoàn cấp trên và cấp mình; trước mắt, cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ:
Vận động CNVC-LĐ thi đua lao động sản xuất, học tập, công tác, thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tham gia tích cực vào cuộc vận động xây dựng nông thôn mới... thiết thực đóng góp vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và của tỉnh trong 6 tháng cuối năm và cả năm 2014.
Sâu sát nắm tình hình tư tưởng, việc làm, đời sống của công nhân trong các doanh nghiệp; chủ động phối hợp với các ngành chức năng quan tâm giải quyết những vấn đề bức xúc và những kiến nghị hợp pháp, chính đáng của người lao động; chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện và phối hợp giải quyết các tranh chấp lao động tập thể trong các doanh nghiệp.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động đoàn viên, CNVC-LĐ gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; trong đó cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao lòng tự hào dân tộc, truyền thống đoàn kết, yêu nước của dân tộc Việt Nam; thống nhất nhận thức và hành động cho đoàn viên, CNVCLĐ về quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, đồng thời giữ gìn môi trường hòa bình để xây dựng và phát triển đất nước.
Nhìn lại chặng đường đã qua, chúng ta tự hào về những đóng góp to lớn của tổ chức Công đoàn Việt Nam, Công đoàn Ninh Bình trong lịch sử đấu tranh cách mạng hào hùng của dân tộc ta, tự hào về Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng của giai cấp công nhân và của dân tộc Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện đã một lòng, một dạ chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Chúng ta tự hào về GCCN, về nhân dân Việt Nam anh hùng, dũng cảm đã viết nên những trang sử hào hùng trong chiến đấu bảo vệ độc lập dân tộc và trong lao động sản xuất xây dựng đất nước. Chúng ta biết ơn sâu sắc các bậc cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sỹ, các gia đình có công với nước, các cán bộ công đoàn lão thành đã cống hiến, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, vì sự phát triển của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Mặc dù phía trước còn nhiều khó khăn, nhưng dưới sự lãnh đạo của BCH Đảng bộ tỉnh, với truyền thống cách mạng vẻ vang của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam, Công đoàn Ninh Bình tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, xây dựng tổ chức công đoàn và đội ngũ CNVC-LĐ vững mạnh, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam vững mạnh, xây dựng quê hương Ninh Bình ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Đỗ Việt Anh (TUV, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh)