BAN CHỈ HUY PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI VÀ TKCN TỈNH
ĐIỆN:
- Các thành viên Ban chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh;
- Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN các huyện, thành phố.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, sáng nay (31/7), áp thấp nhiệt đới trên khu vực Bắc Biển Đông đã mạnh lên thành bão (cơn bão số 3 năm 2019) và có tên quốc tế là WIPHA. Hồi 13 giờ ngày 31/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,2 độ Vĩ Bắc; 113,0 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam 250km về phía Đông. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15km và có khả năng mạnh thêm.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6, giật cấp 8): Phía Bắc vĩ tuyến 16,5 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 109,0 độ Kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3. Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, sau đổi hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10km, đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp.
Thực hiện Công điện số 08/CĐ-TW hồi 14 giờ 00 ngày 31/7/2019 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT - Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và TKCN. Để chủ động ứng phó với mưa, bão, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh Ninh Bình yêu cầu các thành viên Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh; Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN các huyện, thành phố; các sở, ban, ngành:
1. Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, bão; chủ động triển khai các phương án ứng phó theo phương châm "bốn tại chỗ", đồng thời tập trung một số nhiệm vụ sau:
- Tổ chức rà soát, kiểm đếm tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển để hướng dẫn di chuyển, tránh trú an toàn. Hướng dẫn neo đậu tàu thuyền, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tại nơi tránh trú.
- Theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, mưa, lũ; thông tin kịp thời đến chính quyền và người dân để chủ động phòng, tránh; nhất là khu vực ngập lụt đô thị, vùng trũng thấp ven biển, sông, suối; dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm, nước sạch, thuốc men để chủ động ứng phó với mưa, lũ lớn theo phương châm "bốn tại chỗ".
- Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho người dân tại các lồng bè nuôi trồng thủy sản; hệ thống đê điều, nhất là các công trình xung yếu, bị sự cố, đang thi công.
- Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
- Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi triển khai phương án chống úng, đảm bảo an toàn cho lúa mùa, hoa màu; có phương án đảm bảo an toàn cho diện tích ao, hồ mới nuôi trồng thủy, hải sản.
- Công ty TNHH MTV Điện lực Ninh Bình kiểm tra, đảm bảo an toàn hệ thống đường dây truyền tải điện; đảm bảo cung cấp điện bơm tiêu úng và an toàn điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt.
2. Các thành viên Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh theo nhiệm vụ được phân công tổ chức, kiểm tra địa bàn được phụ trách, nắm bắt tình hình để kịp thời chỉ đạo các biện pháp sẵn sàng ứng phó với bão, lũ; duy trì lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó, cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xấu xảy ra.
3. Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Bình, Báo Ninh Bình, Đài khí tượng thủy văn Ninh Bình thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến bão, mưa, lũ;tăng cường thời lượng phát sóng truyền tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, chủ động phòng tránh.
4. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh Ninh Bình./.
TRƯỞNG BAN
Đinh Văn Điến