Theo tin của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương,hồi 16 giờ ngày 09/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 13,8 độ Vĩ Bắc; 114,1 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 250km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, cấp 15 (tức là từ 150 đến 183 km một giờ), giật cấp 16, cấp 17. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 30 - 35km và sẽ ảnh hưởng trực tiếp vào tỉnh Ninh Bình.
Thực hiện công điện số 1850/CĐ- TTg ngày 09/11/2013 của Thủ tướng Chính Phủ về việc triển khai đối phó với cơn bão số 14, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và TKCN tỉnh Ninh Bình yêu cầu các thành viên Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và TKCN tỉnh, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và TKCN các huyện, thị xã, thành phố triển khai ngay các nội dung sau:
1. Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; tìm mọi biện pháp thông báo, kiên quyết kêu gọi toàn bộ tàu thuyền đang hoạt động trên biển về bờ hoặc đến nơi trú tránh an toàn xong trước 07h ngày 10/11/2013; thực hiện cấm biển và kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền hoạt động ven biển, cửa sông; có biện pháp đảm bảo an toàn cho các lồng bè nuôi trồng thủy hải sản; tuyệt đối không để người ở lại trên tàu thuyền, lồng bè. Kiểm tra đảm bảo an toàn cho các tuyến đò ngang, đò dọc; tạm ngừng hoạt động các tuyến đò kể từ 10h ngày 10/11/2013 đến khi bão tan.
2. Tổ chức chặt tỉa cây cối, chằng chống nhà cửa, công trình, kho tàng, trường học, bệnh viện, … xong trước 14 giờ ngày 10/11/2013; bảo vệ an toàn tài sản của nhà nước và nhân dân. Hoãn các cuộc họp không cần thiết để tập trung chỉ đạo phòng chống bão lũ; thông báo cho các trường học trên địa bàn tỉnh cho học sinh nghỉ học đến khi bão tan.
3. Khẩn trương tổ chức phương án di dân khu vực ngoài đê Bình Minh II và di dân các khu vực cửa sông, vùng thấp trũng có nguy cơ sạt lở đất đến nơi tránh trú bão an toàn xong trước 7h ngày 10/11/2013. Triển khai và rà soát ngay các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, lũ ống để chủ động sơ tán, di dời dân đảm bảo an toàn;
4. Rà soát, kiểm tra và triển khai ngay các biện pháp bảo vệ bảo vệ an toàn đê điều, hồ đập, các trọng điểm xung yếu theo phương án đã được phê duyệt; thực hiện xả nước đón lũ ở các hồ chứa thủy lợi nhằm đảm bảo an toàn cho các công trình và khu dân cư; kiểm tra thực hiện tốt phương án thông tin cảnh báo, phương án sơ tán dân khu vực nguy hiểm khi xả lũ.
5. Theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, mưa, lũ sau bão; triển khai phương án chủ động tiêu thoát nước tại các đô thị và khu dân cư; chủ động tiêu úng ở các vùng trũng thấp và có biện pháp chống ngập để bảo đảm sản xuất vụ Đông.
6. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ cứu nạn để kịp thời ứng cứu; chuẩn bị lực lượng, phương tiện để hướng dẫn và kiểm soát giao thông tại các tuyến đường bị ngập sâu, khu vực ngầm tràn qua sông, suối, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện. Đồng thời thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh, trật tự trước, trong và sau bão.
7. Các đồng chí thành viên Ban chỉ huy PCLB & TKCN tỉnh, Thủ trưởng các ngành đã phân công phụ trách huyện, thị, thành phố khẩn trương xuống địa bàn để chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ được phân công.
8. Báo Ninh Bình, Cổng Thông tin Điện tử Ninh Bình thường xuyênđưa tin; Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Bình liên tục phát sóng 30 phút/lần về diễn biến của bão, mưa lũ và các chỉ đạo của cơ quan chức năng để các địa phương và nhân dân biết, chủ động phòng tránh.
9. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h, theo dõi diễn biến của bão số 14,thường xuyên báo cáo tình hình về Ban chỉ huy PCLB & TKCN tỉnh./.
Nơi nhận: - Ban chỉ đạo PCLB TW; (bc). - Chủ tịch UBND tỉnh; (b/c). - Các Phó chủ tịch UBND tỉnh; (b/c). - Văn phòng tỉnh ủy; - Văn phòng UBND Tỉnh; - Sở Nông nghiệp và PTNT; - Đài phát thanh và truyền hình Tỉnh; - Báo Ninh Bình; - Cổng Thông tin Điện tử tỉnh NB; - Lưu VP; CĐ.13b-NA | TRƯỞNG BAN Bùi Văn Thắng |