Công bố chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, địa phương
Thứ Sáu, 23/12/2022, 06:12
Zalo
Ngày 23/12, UBND tỉnh tổ chức hội nghị công bố chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) tỉnh Ninh Bình năm 2022. Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự và chủ trì hội nghị. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Ban TVTU, lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh.
Công bố chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, địa phương
Năm 2022 là năm thứ 2 tỉnh Ninh Bình thực hiện đánh giá Bộ chỉ số DDCI. Để đánh giá một cách sát thực, thực chất hơn, UBND tỉnh đã quyết định sửa đổi, bổ sung Bộ chỉ số DDCI và chỉ đạo thực hiện khảo sát khoảng 3.100 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đang hoạt động sản xuất, kinh doanh, triển khai đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh có tương tác hoặc sử dụng dịch vụ hành chính công tại 23 sở, ban, ngành cấp tỉnh (năm 2022 bổ sung đánh giá Cục Quản lý thị trường) và 8 huyện, thành phố trong khoảng thời gian 2 năm trở lại đây.
Quá trình đánh giá DDCI tỉnh Ninh Bình năm 2022 được triển khai đúng tiến độ theo Kế hoạch của UBND tỉnh. Quy trình lựa chọn đơn vị tư vấn và quá trình khảo sát, phân tích, đánh giá và báo cáo kết quả được thực hiện theo đúng quy định, đảm bảo khách quan, độc lập dưới sự giám sát chặt chẽ của Tổ công tác DDCI. Chỉ số DDCI năm 2022 được đánh giá dựa trên tổng hợp ý kiến của khoảng 1.519 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể từ 3.100 doanh nghiệp được phát phiếu khảo sát. Rất nhiều doanh nghiệp đã cởi mở, tích cực đóng góp ý kiến để nâng cao chất lượng điều hành của chính quyền các cấp.
Kết quả đánh giá chỉ số DDCI năm 2022, Khối sở, ban, ngành có 3 đơn vị là Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Công thương xếp loại Rất tốt; nhiều đơn vị trong năm 2021 ở top giữa, top cuối đã cải thiện điểm số. Khối địa phương: không còn địa phương nằm trong nhóm xếp loại Trung bình. Thành phố Ninh Bình và huyện Kim Sơn là 2 đơn vị xếp loại Rất tốt.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã phân tích, đánh giá những mặt tích cực, biểu dương tinh thần nỗ lực rất cao trong công tác chỉ đạo, điều hành, thực thi công vụ ở các sở, ngành, địa phương năm 2022. Đồng chí cũng chỉ rõ, việc đánh giá, xếp hạng chỉ số DDCI năm 2022 còn một số vấn đề cần quan tâm, cần tiếp tục nghiên cứu, có các giải pháp để tăng cường hơn nữa công tác đánh giá, đó là: Tỷ lệ hồi đáp năm 2022 thấp hơn năm 2021; số lượng doanh nghiệp tham gia đánh giá đối với một số đơn vị còn thấp nên tính đại diện và tính phổ biến chưa cao, ảnh hưởng đến kết quả đánh giá chung đối với mỗi sở, ban, ngành, địa phương...
Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị: Trên cơ sở kết quả đánh giá của Bộ chỉ số DDCI mỗi sở, ban, ngành và địa phương tự soi, tự sửa và có những giải pháp thiết thực hơn để khắc phục mặt hạn chế đã được chỉ ra nhằm nâng cao Chỉ số DDCI trong những năm tới. Mỗi đơn vị cần tiếp tục nâng cao vai trò của người đứng đầu trong việc cải thiện vững chắc môi trường đầu tư kinh doanh, tạo sự chuyển biến trong phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý: Kết quả đánh giá là kênh quan trọng, có thể chưa phản ánh đầy đủ hết được các vấn đề của cơ quan, đơn vị, nhưng không được coi nhẹ; nếu những vấn đề tỉnh đang chỉ đạo có thể ảnh hưởng đến một số doanh nghiệp nhưng vì sự phát triển bền vững của tỉnh thì phải vững vàng và quyết tâm tiếp tục thực hiện. Nỗ lực tạo sự bứt phá mạnh mẽ trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao chất lượng điều hành kinh tế và tạo động lực đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh trong thời gian tới.
Để thực hiện tốt hơn Bộ chỉ số DDCI năm 2023 và những năm tiếp theo, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành và các địa phương cần nhận thức đúng đắn vai trò, ý nghĩa tác động của bộ chỉ số DDCI; thống nhất quan điểm trong chỉ đạo, điều hành và nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến để các doanh nghiệp, người dân hiểu rõ ý nghĩa của chỉ số DDCI, tạo sự thống nhất về nhận thức, trách nhiệm trong việc khắc phục, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh.
Tiếp tục giữ vững nguyên tắc, kỷ luật, kỷ cương hành chính trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; kiên quyết xử lý theo thẩm quyền các cán bộ có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp; thay thế, điều chuyển các cán bộ không đủ năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, gây "ách tắc, điểm nghẽn" trong giải quyết thủ tục hành chính.
Đổi mới cách thức thu hút đầu tư, cách tiếp cận các nhà đầu tư theo hướng đa chiều, đa phương thức, thực chất và hiệu quả. Tập trung thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính và năng lực kinh nghiệm thực hiện dự án lớn trên các lĩnh vực mà tỉnh khuyến khích thu hút đầu tư góp phần tạo động lực cho tăng trưởng và tăng thu ngân sách địa phương.