Hiện tại, Trung tâm Chữa bệnh - giáo dục - lao động xã hội đang quản lý gần 200 học viên. Sau khi được điều trị cắt cơn tại Trung tâm, các học viên bắt đầu cuộc hành trình "tìm lại chính mình". Vừa trị liệu, vừa học văn hóa và trang bị các kỹ năng hướng đến tái hòa nhập cộng đồng. Đối với học viên chưa tốt nghiệp THCS thì việc học văn hóa, hoàn thành chương trình THCS là yêu cầu bắt buộc. Trong các buổi học, ngoài dạy văn hóa, Trung tâm coi trọng việc giáo dục chính trị, giáo dục pháp luật, đạo đức, tác phong cho học viên. Thông qua các buổi sinh hoạt ngoại khóa, các học viên còn được truyền đạt những nội dung của luật như: Luật Phòng, chống ma túy, Luật Hình sự; Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính… Ngoài ra, tất cả học viên tại Trung tâm đều được học các chuyên đề về kỹ năng hòa nhập cuộc sống. Tổ tư vấn của trung tâm đã trở thành "điểm đến" quen thuộc của nhiều học sinh nhằm tìm sự động viên, chia sẻ về tình yêu, sức khỏe, định hướng nghề nghiệp… Hoạt động của tổ tư vấn góp phần giúp đỡ học viên nhận thức được đầy đủ hành vi sai phạm của mình để từ đó thay đổi suy nghĩ, sống hướng thiện. Chính vì vậy, không ít học viên lúc mới vào trường tỏ ra bất hợp tác, sống khép kín với mọi người xung quanh, nhưng sau một thời gian học tập tại Trung tâm đã cởi mở và tự tin hơn. Ông Trần Xuân Trường, Giám đốc Trung tâm cho rằng, phương pháp giáo dục tại Trung tâm hết sức thân thiện và tích cực. Trong một môi trường chính quy, kỷ luật, học viên được tạo điều kiện tiếp xúc với các phương tiện nghe, nhìn; được tham gia sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; được hướng nghiệp… Trung tâm cũng quán triệt nguyên lý học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất. Hoạt động lao động không chỉ là một phương pháp trị liệu thông thường, mà thông qua lao động các học viên sẽ hiểu hơn giá trị của cuộc sống. Theo đó, căn cứ vào sở thích, năng khiếu, nhu cầu của thị trường…, Trung tâm đã phối hợp với một số doanh nghiệp tổ chức các lớp dạy nghề cho học viên như: làm lông mi giả, làm đá trang sức, nghề điện…
Tuy nhiên, ngoài số học viên đang được cai nghiện tại Trung tâm Chữa bệnh, giáo dục và lao động xã hội, theo thống kê đến tháng 8-2014, toàn tỉnh có 1.935 người nghiện có hồ sơ quản lý, trong đó có 1.574 đối tượng ngoài xã hội. Trong số 1.574 đối tượng nghiện ngoài xã hội có 207 đối tượng đang tham gia điều trị Methadone, 565 đối tượng quản lý sau cai tại nơi cư trú, 60 đối tượng cai tại gia đình, 22 đối tượng cai tại cộng đồng và có tới 720 đối tượng chưa được cai nghiện, làm ảnh hưởng lớn đến trật tự xã hội ở các địa phương.
Theo ông Đào Mạnh Hùng, Chi cục trưởng chi cục phòng chống tệ nạn xã hội, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội: Để nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý và đưa người nghiện ma túy đi cai nghiện tập trung, Chính phủ đã có Nghị định 111/2013/NĐ-CP quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn và Nghị định 221/2013/NĐ-CP về áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa đi cai nghiện bắt buộc. Đây được xem là hành lang pháp lý cho các ngành chức năng trong thực thi nhiệm vụ. Ngay sau khi Nghị định 221 có hiệu lực thi hành, tỉnh ta đã nhanh chóng tổ chức hội nghị triển khai và tập huấn hướng dẫn nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cấp xã về công tác đổi mới cai nghiện và đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Với sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, đến nay, toàn tỉnh đã đưa được 32 đối tượng vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Tỉnh ta được đánh giá là một trong những tỉnh đi đầu cả nước trong việc triển khai Nghị định 221.
Tuy nhiên, việc lập hồ sơ, đưa người đi cai nghiện ma túy bắt buộc theo quy định tại Nghị định số 221 vẫn còn những khó khăn, vướng mắc. "Hiện nay, muốn đưa đối tượng đi cai nghiện bắt buộc, đầu tiên phải xác định tình trạng nghiện rồi xử phạt hành chính, sau đó đưa về giáo dục tại xã, phường; nếu tái nghiện mới đưa đi cai bắt buộc. Tuy nhiên, việc xác định tình trạng nghiện của đối tượng cũng gặp khó bởi theo Nghị định 111 yêu cầu thì thẩm quyền xét nghiệm phải là y, bác sĩ có chứng chỉ hành nghề và phải qua khóa tập huấn trong khi các trạm y tế xã, phường không phải đơn vị nào cũng đáp ứng được yêu cầu này"- ông Đào Mạnh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh cho biết. Ngoài ra, còn nhiều vướng mắc khiến các địa phương băn khoăn như việc giao các tổ chức chính trị-xã hội quản lý đối tượng nghiện trong thời gian chờ làm thủ tục hơn 30 ngày để đưa đi cai bắt buộc, trong khi các tổ chức này không có chuyên môn y tế, cơ sở vật chất… Chưa kể, theo quy định trong Nghị định 221, sau khi lập xong hồ sơ phải thông báo bằng văn hản cho người bị áp dụng biện pháp đi cai nghiện bắt buộc hoặc người đại diện hợp pháp của họ và họ có quyền phát biểu ý kiến. Quy định này dẫn đến một hệ lụy là người nghiện ma túy khi biết mình bị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc sẽ bỏ trốn hoặc không hợp tác, gây nhiều khó khăn cho việc thực hiện… Những vướng mắc này đã ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ đưa người nghiện đi cai nghiện tập trung ở tỉnh ta.
Nguyễn Hùng