Chùa Nhất Trụ là một ngôi chùa cổ, nằm trong Khu Di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư và đã được xếp vào khu di tích lịch sử cấp quốc gia. Bất kỳ ai khi đến tham quan đều được gây ấn tượng bởi vẻ cổ kính, giữ được nhiều nét nguyên sơ, thuần Việt của ngôi chùa. Tuy nhiên, cặp sư tử ngoại lai được trang trí phía ngoài đền thờ Mẫu dường như đã ít nhiều ảnh hưởng đến nét thuần Việt của ngôi chùa. Ni sư Thích Đàm An là trụ trì của Chùa từ năm 1980. Ni sư cho biết, cách đây cả chục năm, có một đoàn khách ở Hải Phòng hành hương tham quan, bái phật tại chùa Nhất Trụ. Sau đó, đoàn khách đã cúng tiến vào chùa cặp sư tử đá để trang trí phía bên trong sân chùa, với mục đích tăng thêm sự uy nghiêm cho ngôi chùa.
Tuy nhiên, khi bắt đầu triển khai thực hiện Công văn 2662 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về không sử dụng các biểu tượng, linh vật ngoại lai, nhà chùa đã đón tiếp nhiều đoàn công tác của tỉnh đến khảo sát, tuyên truyền về ý nghĩa của việc sử dụng các linh vật thuần Việt tại nơi thờ tự, từ đó vận động nhà chùa di dời linh vật ngoại lai. Ngay trong buổi làm việc với ngành chức năng, nhà chùa đã đồng ý di dời linh vật ngoại lai ra khỏi nơi thờ tự.
Tuy nhiên, đã vài năm trôi qua vẫn chưa thấy cơ quan chức năng nào hỗ trợ nhà chùa trong việc di dời linh vật. Bản thân nhà chùa thì không có khả năng di dời và cũng không biết di dời đi đâu. Nhà chùa mong muốn các ngành chức năng sớm có giải pháp hỗ trợ di dời linh vật ra khỏi khu di tích, để trả lại nét văn hóa đặc sắc nguyên bản của một ngôi chùa cổ.
Thực trạng ở chùa Nhất Trụ cũng là khó khăn chung của nhiều khu di tích, điểm di tích trên địa bàn tỉnh ta trong việc di dời linh vật ngoại lai. Đây là một khó khăn lớn đối với chiến dịch nói không với linh vật ngoại lai, khiến nguy cơ những sản phẩm, linh vật không phù hợp quay trở lại luôn hiện hữu.
Do các địa phương trong tỉnh vẫn chưa có hướng di dời hiện vật không phù hợp đi đâu và thực hiện như thế nào? Vì vậy mới có thực trạng ở một số nơi, để đảm bảo yêu cầu của ngành chủ quản đã chọn giải pháp phủ bạt hoặc để linh vật ngổn ngang trong khuôn viên di tích, gây mất mỹ quan.
Nhiều nơi lại băn khoăn, e ngại trong việc di dời linh vật bởi yếu tố tâm linh từ những linh vật được đặt trong di tích nhiều năm; có nơi lại lúng túng trong việc xác định đâu là linh vật ngoại lai, đâu là linh vật thuần Việt.
Hoặc ở một số nơi, đặc biệt là ở những làng nghề gỗ mỹ nghệ, việc sản xuất hoành phi, câu đối tự do, không có kiểm soát nội dung thông tin cũng diễn ra từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Di sản văn hóa lại chưa bao quát tới...
Được biết, theo kết quả của các ngành chức năng sau khi tiến hành khảo sát thực trạng sử dụng linh vật ngoại lai trên địa bàn tỉnh ta, đã phát hiện 8 sư tử đá, qua đánh giá xác định là sư tử đá ngoại lai, trong đó có 6 sư tử đá đang được đặt tại cổng Đông, cổng Bắc, cổng Nam của Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư (di tích cấp quốc gia đặc biệt) và 2 sư tử đá được đặt tại đền Đức Thánh Nguyễn (di tích cấp quốc gia).
Qua công tác kiểm tra, rà soát của Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thành phố thì số lượng biểu tượng, sản phẩm linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam là gần 200 linh vật, trong đó huyện Gia Viễn và Hoa Lư là hai địa phương có nhiều linh vật ngoại lai nhất.
Sau khi rà soát, các ngành chức năng cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới các địa phương, đặc biệt là các di tích trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đã nâng cao nhận thức cho các nhà sư trụ trì, thủ từ, thủ đình để chính họ là những người tuyên truyền hiệu quả nhất tới phật tử và người dân trong việc loại bỏ sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.
Ngoài ra, ngành Văn hóa cũng yêu cầu các huyện, thành phố kiểm tra, xử lý các biểu tượng, sản phẩm, linh vật không có trong danh mục hồ sơ xếp hạng di tích.
Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân nâng cao ý thức trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, không sử dụng, cúng tiến và kiên quyết di dời các biểu tượng, sản phẩm, linh vật ngoại lai không phù hợp với thuần phong, mỹ tục Việt Nam ra khỏi các di tích và các địa điểm công cộng.
Tuy nhiên, mặc dù nhận được sự đồng thuận cao của cộng đồng nhưng do chưa có hướng dẫn trong công tác di dời nên đến nay mới chỉ có trên 10 linh vật được đưa ra khỏi khu di tích lớn.
Thiết nghĩ, để Công văn 2662 thực sự đi vào cuộc sống thì tỉnh ta còn nhiều việc phải làm. Trong đó, những người làm quản lý cũng cần tự trang bị thêm kiến thức để phân định rõ các loại linh vật phù hợp, không phù hợp. Bởi lẽ, chỉ khi có kiến thức tốt thì mới thực hiện tốt công tác tuyên truyền những cái đẹp, những giá trị văn hóa linh thiêng của linh vật Việt cho người dân, qua đó khơi dậy ý thức cộng đồng trong bảo tồn, gìn giữ di sản của cha ông.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần tăng cường phối hợp tổ chức các hình thức triển lãm, trưng bày, hội thảo nhằm tiếp tục quảng bá mỹ thuật truyền thống, biểu tượng linh vật của Việt Nam... cho cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Và đặc biệt, một giải pháp cấp bách trước mắt mà nhiều địa phương đang chờ đợi nhất đó là ngành chức năng cần có những hướng dẫn, hỗ trợ các điểm di tích trong việc di dời những linh vật ngoại lai ra khỏi nơi thờ tự.
Nguyễn Hùng