Nguyễn Văn T (xã Gia Thịnh, huyện Gia Viễn) năm nay mới tròn 25 tuổi. Thế nhưng đã 5 năm có lẻ cậu đắm chìm trong ma túy. Năm 2009, T được gia đình động viên, đưa vào Trung tâm chữa bệnh giáo dục, Lao động - xã hội (LĐXH) để cai nghiện. Hai năm ở trong Trung tâm, sau khi cắt cơn, T đã được các cán bộ ở đây động viên, trang bị những kiến thức cơ bản để dễ dàng tái hòa nhập cộng đồng. Cuối năm 2010, T cai nghiện thành công và được ra khỏi Trung tâm, T quyết chí làm lại cuộc đời. Sẵn có nghề cơ khí, lại được gia đình tạo vốn để làm ăn, T mở một xưởng cơ khí tại nhà. Tay nghề cao, tạo được được uy tín với khách hàng nên công việc của T khá thuận lợi. Mỗi tháng, trừ mọi chi phí, T cũng có thu nhập từ 2,5-3 triệu đồng.
Tuy nhiên, thực tế là rất ít học viên sau cai nghiện tìm được công việc ổn định như trường hợp của T. Theo Nghị định 94 (năm 2009 quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật phòng, chống ma túy về quản lý sau cai nghiện ma túy) thì: Thời gian quản lý sau cai nghiện đối với người chấp hành xong thời gian cai nghiện ma túy bắt buộc là từ một đến hai năm (trước đây chỉ có 6 tháng). Sau khi đưa vào các trung tâm cai nghiện, những người nghiện được cắt cơn trong vòng từ 7 - 14 ngày, thời gian còn lại, các học viên được dạy nghề, tạo việc làm tại chỗ. Ông Đào Mạnh Hùng, giám đốc Trung tâm chữa bệnh giáo dục, LĐXH Ninh Bình cho biết: Dạy nghề, tạo việc làm cho các học viên là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Bởi thông qua lao động, các học viên không những cải thiện được tình trạng sức khỏe mà còn biết quý trọng sức lao động, thêm niềm tin vào cuộc sống. Hiện, Trung tâm đã liên kết với một số doanh nghiệp ở các tỉnh: Thái Bình, Hà Nam, Hải Dương để dạy một số nghề thủ công như: làm lông mi giả, làm đá mỹ nghệ, làm tai nghe, may túi bao bì cho các học viên. Nếu làm việc chăm chỉ, mỗi tháng, các học viên cũng có thu nhập khoảng 600.000 đồng.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là những việc làm mang ý nghĩa trị liệu cho người cai nghiện, chứ không thể giúp học viên tìm được việc làm với thu nhập ổn định khi tái hòa nhập cộng đồng. Còn đối với những nghề liên quan đến kỹ thuật, họ chỉ nắm được kiến thức cơ bản, không thể đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp nên khó tìm được việc làm. Bởi thế, ngoại trừ số ít gia đình có điều kiện giúp con mình mở các cửa hàng, dịch vụ như: sửa xe, chụp ảnh… còn hầu hết các đối tượng sau cai phải tự tạo việc làm cho mình, nhưng chủ yếu là làm việc trong các môi trường xã hội phức tạp như: xe ôm, bảo vệ...
Trong khi đó, tâm lý xã hội vẫn còn không ít định kiến đối với người từng mắc nghiện. Ông Hoàng Văn Trung, Trưởng phòng Tệ nạn xã hội, Sở Lao động, Thương binh và xã hội cho rằng: Nhiều doanh nghiệp "ngại" nhận người sau cai nghiện vào làm việc là do chưa có cơ chế, chính sách cụ thể để khuyến khích doanh nghiệp tiếp nhận các đối tượng này.
Được biết, Chính phủ đã có quyết định số 212/2006/QĐ-TTg, ngày 20-9-2006 về tín dụng qua Ngân hàng Chính sách xã hội đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ và doanh nghiệp sử dụng lao động là người sau cai nghiện ma túy. Theo đó, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp sẽ được vay vốn với mức lãi suất cho vay hộ nghèo. Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp cũng quy định miễn thuế thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp dành riêng cho người lao động là người tàn tật, người sau cai nghiện, người nhiễm HIV.
Theo khảo sát đối tượng chữa bệnh bắt buộc tại Trung tâm chữa bệnh giáo dục-lao động - xã hội Ninh Bình, trong tổng số 256 đối tượng được khảo sát có mặt tại địa phương thì có tới 176 đối tượng tái nghiện, chiếm tỷ lệ 66%, trong đó, 106 đối tượng sử dụng ma túy thường xuyên với mức độ sử dụng từ 200.000-1.000.000đồng/ngày. Nếu tính bình quân 500.000đồng/đối tượng, thì mỗi ngày tổng số tiền sử dụng vào ma túy là trên 77 triệu đồng, mỗi năm sẽ gần 3 tỷ đồng. Đáng lo ngại hơn, số đối tượng nghiện lại ma túy ngay sau khi ra khỏi Trung tâm chiếm tỷ lệ tới 51%. Phân tích nguyên nhân cho thấy, chủ yếu là do các đối tượng không có việc làm ổn định.
Từ thực tế trên, để người nghiện "cắt" hẳn được mối liên hệ với ma túy sau cai, thì vẫn cần các cơ chế khuyến khích, tạo việc làm cho họ. Người nghiện có việc làm, có thu nhập ổn định sau cai là điều kiện đầu tiên đảm bảo giảm tỷ lệ tái nghiện. Từ đó thay đổi dần định kiến xã hội, để xã hội có cái nhìn nhân ái hơn với những người sau cai nghiện. Thay đổi cách nhìn về những người cai nghiện cũng có nghĩa là đã làm thay đổi cuộc đời họ, tạo cho họ một cuộc sống tốt đẹp hơn, lành mạnh hơn.
Thu Hằng