Hiện tại, ngành chăn nuôi trong tỉnh chủ yếu ở quy mô hộ gia đình, nhỏ lẻ, phân tán rộng; việc giết mổ gia súc, gia cầm cũng ở trong tình trạng tương tự nên công tác phòng, chống dịch bệnh gặp rất nhiều khó khăn, nhất là ở khâu ngăn ngừa dịch bệnh lây lan sang người và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
Được sự giúp đỡ của tỉnh, UBND thành phố Ninh Bình…, năm 2006, ông Hoàng Văn Cao, thôn Hoàng Sơn, xã Ninh Tiến đã xây dựng dự án và mạnh dạn đầu tư xây dựng một trung tâm giết mổ gia súc, gia cầm dưới chân núi Vàng ở địa phương. Hiện tại việc xây dựng nhà xưởng, hệ thống cống rãnh, bể xử lý…đang được hoàn thiện. Ông Cao đã từng tham gia cung ứng nguyên liệu cho Công ty Chế biến thực phẩm xuất khẩu Ninh Bình và các cơ sở chế biến thực phẩm khác. Tháng 4/2006, ông lập Doanh nghiệp Vàng Tiến và xây dựng khu trung tâm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung.
Từ nguồn vốn tự có của gia đình và hỗ trợ của tỉnh, ông đã đầu tư xây dựng 1 km đường bê tông (từ trong thôn Hoàng Sơn ra khu giết mổ), mặt đường rộng 3,3 m; 1,5 km đường điện 5 pha; 300 m ống nước; 1 bể nước sạch 3.000 m3; khu nhà kho, chuồng trại 800 m2; xưởng giết mổ diện tích 700 m2; 1 bể xử lý nước thải 100 m3; 2 hố bioga dung tích 50 m3; 1dây chuyền mổ gia súc công suất 60 con lợn/giờ; 1 dây chuyền giết mổ gia cầm, công suất 200 con/giờ (dây chuyền này có đủ các máy: giàn phóng tiết, máy vặt lông, khu rửa, máy hút chân không và đóng gói...) tổng kinh phí đầu tư lên tới 3,5 tỷ đồng. Trong năm 2008, cơ sở xây dựng và sắp đưa vào sử dụng 1 nhà giết mổ gia súc, diện tích 1.000 m2; xây dựng thêm các bể xử lý nước thải với 11 ngăn; xây thêm 3 hố bioga dung tích 75 m3; đào thêm 4 ao sinh thái (đã đào được 1 ao diện tích 1.300 m2); lắp đặt 3 giàn năng lượng mặt trời, đảm bảo cung cấp 5.000 lít nước sôi cho hoạt động giết mổ, nhà điều hành....
Hiện tại, dịch lợn tai xanh đang diễn biến phức tạp và Ninh Tiến cũng là một điểm phát dịch, nên việc giết mổ gia súc, gia cầm tại cơ sở tạm dừng. Nhưng thời gian vừa qua thường xuyên có 51 hộ giết mổ gia súc và 7 hộ giết mổ gia cầm ở 4 phường thuộc thành phố Ninh Bình vào cơ sở để giết mổ. Với không gian thoáng, mát, xa khu dân cư, các dụng cụ, trang thiết bị phục vụ cho việc giết mổ được trang bị đầy đủ... nên các hộ gia đình làm nghề này rất phấn khởi. Mỗi hộ gia đình vào đây có từ 1-2 chuồng để nhốt gia súc, gia cầm riêng. Nếu chưa làm hết có thể để tại đó nuôi. Phí mà các hộ gia đình vào đây giết mổ tạm thu là: Gia cầm 3.000 đồng/con; lợn 10.000 đồng/con, trâu, bò 20.000 đồng/con.
Theo dự kiến, khi các nhà xưởng đã hoàn chỉnh có thể đáp ứng cho thêm 70 hộ gia đình mua bán, giết mổ gia súc, gia cầm. Các hộ gia đình có thể vận chuyển trực tiếp lợn vào đây nhốt trong chuồng của mình, được trông coi, vệ sinh sạch sẽ; được cơ quan thú y kiểm dịch (thời gian qua chưa thu phí) khi đưa lợn vào và trong quá trình giết mổ, cũng như trước khi xuất xưởng.
Khi được hỏi về vấn đề xử lý nước thải và chất thải của gia súc, gia cầm và trong quá trình giết mổ, ông Hoàng Văn Cao cho biết: Chất thải của gia súc, gia cầm được đưa xuống các hầm bioga, trước mắt đã xây dựng được 50 m3, tương lai sẽ xây thêm 75 m3. Các chất thải này sẽ sinh khí tạo ra ga đáp ứng việc đun nấu cho sinh hoạt của gia đình, hộ làm việc tại đây cũng như đun nước giết mổ trâu bò, lợn, gà. Nước thải sẽ được đưa xuống bể xử lý, qua 11 ngăn lắng đọng kết hợp hóa chất khử mùi, diệt vi sinh vật, nước được đưa ra các ao sinh thái có thả bèo tây và trồng cây xung quanh, sau đó mới hòa vào hệ thống cống thoát nước chung của thành phố. Địa bàn cơ sở giết mổ nằm xa khu dân cư hơn 1 km. Tuy chưa hoàn thiện các hạng mục công trình, nhưng hiện tại cơ sở giết mổ thu hút 23 lao động có việc làm với mức lương bình quân 1,2 triệu đồng/người/tháng.
Cơ sở đã có kế hoạch liên doanh với Công ty Vina Hanimexco (Hà Nội) đầu tư nâng cấp mở rộng cơ sở thêm 3 ha (diện tích hiện tại của cơ sở là 20.000 m2) với chức năng sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu (thịt lợn và thỏ), trong đó có xây dựng tường bao quanh khép kín, trồng cây xanh tạo cảnh quan; nâng cấp hoàn thiện khu giết mổ; xây dựng khu chăm sóc gia súc, gia cầm; khu giết mổ gia súc, gia cầm, chế biến xuất khẩu; đầu tư công nghệ xử lý môi trường; lắp giàn năng lượng mặt trời... Cơ sở cũng rất mong có sự quan tâm hơn nữa của tỉnh, thành phố trong việc mở và làm đường giao thông; hỗ trợ ngân sách đầu tư và được vay vốn ưu đãi để đầu tư xây dựng mô hình giết mổ gia súc, gia cầm tập trung có hiệu quả, đảm bảo an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường.
Trường Sinh