Việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất đã giải phóng sức lao động cho người nông dân, tạo điều kiện cho việc chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp, nông thôn. Riêng khâu gieo cấy lúa, việc đưa máy móc vào thực hiện gặp nhiều khó khăn, bất cập... nên đến vụ đông xuân năm 2013, Trung tâm Khuyến nông tỉnh mới triển khai mô hình trình diễn ở 3 địa phương thuộc huyện Kim Sơn, Hoa Lư và Yên Khánh. Máy cấy được đưa vào trình diễn là loại máy Kubota-48C, công nghệ Nhật Bản, thiết kế gọn nhẹ (chiều dài hơn 2,1 m, rộng 1,6 m, cao 0,9m, nặng 160 kg). Máy có giá cả hợp lý (80 triệu đồng/máy, 6 triệu đồng máy gieo mạ trên khay và hơn 30.000 đồng một khay nhựa gieo mạ). Một người sử dụng máy có thể cấy được từ 0,8-1 ha trong một ngày. Cấy lúa bằng máy có ưu điểm vượt trội so với cấy bằng tay: Giảm đáng kể chi phí về nhân lực; Năng suất và chất lượng ruộng lúa được nâng cao do cấy bằng máy ruộng lúa đồng đều, thẳng hàng, thẳng lối giúp cho cây lúa quang hợp tốt, khỏe mạnh, chống chịu tốt với sâu bệnh, chi phí cho sản xuất giảm, từ đó mà nâng cao hiệu quả trong sản xuất.
Theo đồng chí Bùi Hữu Ngọc, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh: Máy phù hợp với điều kiện đồng ruộng ở các tỉnh phía Bắc, nhưng do diện tích ruộng của các hộ gia đình thuộc khu vực đồng bằng Bắc Bộ ít, lại phân tán... và nếu mỗi hộ gia đình đều có máy cấy là không khả thi và không phù hợp. Do vậy các HTX và người dân có thể tổ chức thành các nhóm hộ, hoặc tốt nhất là tổ, đội chuyên làm dịch vụ khâu sản xuất này cho người nông dân. Tổ, đội thực hiện khâu sản xuất này có thể sẽ làm từ khâu chuẩn bị giống, ngâm ủ mạ, gieo mạ trên khay và được chăm sóc bảo vệ trong nhà khung rồi đưa cấy trên đồng ruộng. Khi đó người nông dân chỉ đăng ký với Tổ, đội đó về diện tích và sau khi cấy xong thì ra nhận ruộng tại đồng để thực hiện tiếp các khâu tiếp theo: chăm sóc, bảo vệ và thu hoạch. Thực hiện dịch vụ trong khâu sản xuất này, sẽ đảm bảo được khâu thời vụ trong vụ sản xuất, vốn có tính quyết định đến năng suất và sản lượng lúa; đảm bảo đủ mạ và tiết kiệm được giống; sản xuất đồng giống, đồng trà, tạo điều kiện để đưa máy móc vào ở các khâu sau này... Tuy nhiên, đây là vấn đề mới nên cần có sự thông tin tuyên truyền để mọi người dân, nhất là người nông dân biết và hiểu được; tiếp tục thực hiện "Dồn điền, đổi thửa", hạn chế bờ ngăn, bờ vùng; Cần có những hộ gia đình, nhóm hộ gia đình, doanh nghiệp có tiềm lực về kinh tế dám đầu tư vào loại hình dịch vụ này...
Ông Vũ Văn Nga, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tổng Công ty cổ phần Giống cây trồng và con nuôi Ninh Bình cho biết: Ông đã được đi thăm một số mô hình làm dịch vụ khâu gieo cấy ở Thanh Hóa, Nghệ An và nhận thấy đây là loại hình dịch vụ mới có thể áp dụng được ở Ninh Bình. Tới đây cùng với việc đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nông sản, Công ty cũng đã có ý tưởng mở loại hình dịch vụ này và khi đó phải đầu tư: Máy cấy, máy gieo mạ trên khay, khay nhựa, hệ thống nhà khung để bảo quản mạ... Khi đó người nông dân chỉ việc nhận tích kê và đến thời gian ra nhận ruộng. Thực hiện được điều này thì coi như chu trình trong sản xuất lúa của tỉnh sẽ đồng giống, đồng trà, đảm bảo được khâu thời vụ và tạo điều kiện cho việc sản xuất, kinh doanh của công ty được liên hoàn, khép kín từ A-Z.
Bài, ảnh: Đinh Chúc