Nếu như chỉ hơn một tháng trước đây, vấn đề đáng lo nhất của tỉnh ta là cơ sở hạ tầng mà trọng tâm là hội trường chính rộng 4.000m2 gặp nhiều khó khăn do điều kiện thời tiết không thuận lợi cho việc thi công, thì đến nay về cơ bản đã được doanh nghiệp Xuân Trường hoàn thiện. Hiện nay, doanh nghiệp đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện khu vực vệ sinh, khu kỹ thuật của tầng hầm, lát đá khu vực sân trước cửa Hội trường…, phấn đấu đến 30-4-2014, các hạng mục thuộc Hội trường trung tâm sẽ hoàn thành.
Một vấn đề quan trọng trong khâu tổ chức, đó là công tác bảo đảm an ninh trong quá trình diễn ra Đại lễ. Theo đó, tỉnh đã thành lập Tiểu ban an ninh, an toàn. Công an tỉnh đã chủ động phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an tiến hành khảo sát thực địa để bố trí lực lượng, phương tiện tham gia công tác đảm bảo an ninh trật tự tại chùa Bái Đính. Phương án cụ thể giải quyết các tình huống có thể xảy ra trong thời gian tổ chức Đại lễ (nhất là phương án đảm bảo an toàn tuyệt đối cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước; quan khách quốc tế, các đại biểu và khách mời về dự) được xây dựng đảm bảo chặt chẽ, khoa học.
Cùng với đó, Bộ CHQS tỉnh đã cử cán bộ tham gia Tiểu ban an ninh, an toàn của tỉnh; chỉ đạo lực lượng công binh tiến hành rà soát phòng, chống cháy nổ nơi tổ chức Đại lễ, tại các khách sạn có đại biểu chính thức, đoàn khách quốc tế lưu trú và khu du lịch Tràng An. Phương án phân luồng giao thông từ các hướng về chùa Bái Đính và ngược lại cũng được phê duyệt.
Song song với đó, Tiểu ban Y tế được thành lập, trong đó có 3 đội chống dịch cơ động; 3 tổ giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm để phối hợp Tổ giám sát của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) tổ chức kiểm tra, giám sát đảm bảo công tác vệ sinh an toàn thực phẩm; 6 tổ cấp cứu lưu động đảm bảo công tác thường trực cấp cứu tại 5 điểm: Hội trường trung tâm, Điện Tam thế, Điện Thích ca, cổng Tam quan, bến thuyền Tràng An, thường trực cấp cứu buổi tối tại 8 cụm khách sạn để đảm bảo công tác y tế cho khách nghỉ tại 19 khách sạn có đại biểu chính thức lưu trú.
Tỉnh đã chỉ đạo ngành điện và Công ty cấp nước tập trung nhân lực và trang thiết bị phục vụ. Công ty TNHH MTV Điện lực Ninh Bình chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai công tác đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định toàn tuyến, trong đó ưu tiên cung cấp điện khu vực chùa Bái Đính và nơi ăn, nghỉ của đại biểu chính thức. Đồng thời, xây dựng phương án cấp điện và vị trí đặt máy phát điện 275kVA dự phòng cấp điện cho khu vực chùa Bái Đính. Hiện tại, một trạm biến áp 750 KV đã được xây dựng mới để cung cấp điện cho Hội trường trung tâm.
Đại lễ Vesak 2014 là dịp để quảng bá hình ảnh, đất nước, con người, sự đoàn kết tôn giáo trong tiến trình đổi mới của đất nước nói chung cũng như của tỉnh nói riêng; khẳng định chính sách tự do tôn giáo, đường lối đối ngoại rộng mở của Đảng và Nhà nước ta. Thông qua đó để mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực du lịch và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Vì vậy, hoạt động du lịch quảng bá hình ảnh đất và người Ninh Bình đã được tỉnh đặc biệt quan tâm chú trọng.
Đến thời điểm hiện tại, các hoạt động chào mừng như: Tổ chức các hoạt động chiếu phim, tổ chức triển lãm mỹ thuật và triển lãm ảnh; chương trình văn nghệ… đã và đang được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch gấp rút phê duyệt, thẩm định, cấp phép. Cùng với đó, 1.500 bức tranh thêu tay hình ảnh Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng; 1.500 đĩa DVD (bằng 3 ngôn ngữ: Anh, Pháp, Việt) và 1.500 cuốn sách (bằng 2 ngôn ngữ: Anh, Việt) có nội dung giới thiệu về khu du lịch Tràng An đã hoàn tất để làm quà cho đại biểu quốc tế.
Đây là lần thứ 2 Đại lễ Vesak LHQ được tổ chức tại Việt Nam và là lần đầu tiên được tổ chức tại Ninh Bình. Tin rằng với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành cho đến mỗi người dân, Đại lễ Vesak năm 2014 sẽ thành công tốt đẹp, đem lại niềm hoan hỷ cho người tham dự không chỉ bởi ý nghĩa của các diễn đàn, sự phong phú trong các hoạt động văn hóa mà còn bởi tính chuyên nghiệp trong công tác tổ chức của tỉnh Ninh Bình.
Mai Lan