Chúng tôi đến thăm mẹ Việt Nam anh hùng Hà Thị Yến ở xã Gia Xuân (Gia Viễn), là mẹ của liệt sỹ Vũ Văn Chuyên. Nhắc tới liệt sỹ Vũ Văn Chuyên, người con trai duy nhất, mẹ không giấu nổi cảm xúc, nỗi thương nhớ khôn nguôi về người con hiếu thảo với cha mẹ, đã dâng hiến trọn cuộc đời mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Mẹ kể: Năm 1968, anh Chuyên tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp và dự định tham gia công tác tại địa phương. Nhưng lúc đó chiến tranh khốc liệt, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, anh đã xung phong ra mặt trận, để lại mẹ già, hai con gái nhỏ và người vợ khi đó đang mang thai. Ngày nhập ngũ, anh đã nói với mẹ: "Mẹ cứ yên tâm, nhất định con sẽ cùng đồng đội chiến thắng trở về"... Đến cuối năm 1968 thì vợ anh sinh người con thứ 3, mẹ đặt tên là Vũ Văn Lương và báo tin cho anh. Song, chiến trường gian lao, khốc liệt, anh chưa thể về nhìn mặt cậu con trai mà chỉ biên thư báo tin cho gia đình biết ở đơn vị anh vẫn khỏe. Do có nhiều thành tích trong chiến đấu nên năm 1970, anh đã được đơn vị nâng 2 cấp bậc, cử giữ chức vụ Trung đội phó. Niềm vui, tự hào về người con trai của mình chưa được bao lâu thì năm 1971 mẹ nhận được tin báo tử của đơn vị, anh Vũ Văn Chuyên đã anh dũng hy sinh tại chiến trường Quảng Trị. Kể đến đây, mẹ trầm lặng hồi lâu rồi nhìn lên bàn thờ. Thời gian và nỗi đau đã làm cho mẹ không còn nước mắt để khóc.
Bà mẹ Việt Nam anh hùng Hà Thị Yến (thứ 2, từ trái sang). Nỗi đau cũng nguôi ngoai phần nào khi giờ đây các cháu của mẹ khôn lớn, trưởng thành và hiện mẹ đang ở với cháu nội Vũ Văn Lương. Nhiều năm qua, mẹ luôn nhận được sự quan tâm chu đáo của các cấp chính quyền địa phương và đặc biệt là năm 1994, Viện Quân y 5 đã nhận phụng dưỡng mẹ suốt đời. Từ đó, mẹ đã có thêm những người con, mẹ rất vui. Mẹ luôn động viên các con, cháu phải biết vươn lên trong cuộc sống và không được quên công ơn của những người đã hy sinh máu xương của mình cho độc lập dân tộc. Tuy cuộc sống đã đủ đầy, song mẹ vẫn đau đáu trong tâm khảm một mong muốn là sớm tìm thấy di hài của liệt sỹ Vũ Văn Chuyên. Dù chưa có tin tức gì về phần mộ của liệt sỹ, nhưng mẹ nghĩ còn nhiều gia đình, nhiều người cũng giống như mình. Mẹ tin rằng dù nằm lại ở đâu, liệt sỹ Vũ Văn Chuyên cũng luôn được chăm sóc hương khói như nhiều liệt sỹ khác bởi tình đồng đội, đồng chí, đồng bào, giữa người mất, người còn luôn bền chặt...
Chiến tranh đã lùi vào quá khứ hơn 30 năm, nhưng dư âm và nỗi đau của những người mẹ, người cha đã mất đi những người con thân yêu của mình thì vẫn còn đọng mãi trong họ. Chúng tôi tới thăm mẹ Nguyễn Thị Phúc vào một chiều cuối tháng 7. Ngôi nhà của mẹ gọn gàng, ngăn nắp ở phố Nam Phong, phường Ninh Phong (thành phố Ninh Bình). Mẹ Nguyễn Thị Phúc là người công giáo duy nhất trong vùng có 3 người con trai và 1 cháu nội là liệt sỹ. Khắp gian phòng nơi mẹ ở là những tấm huân, huy chương, bằng Tổ quốc ghi công của 3 người con, đó là các liệt sỹ: Phạm Văn Điển, Phạm Văn Nam, Phạm Văn Tỉnh và liệt sỹ Phạm Như Tuấn (cháu nội của mẹ). Mỗi bằng khen, mỗi tấm huân, huy chương là một niềm tự hào nhưng cũng chính là nỗi đau tột cùng của mẹ.
Câu chuyện về những người con của mẹ Phúc với chúng tôi đã không được liền mạch bởi mẹ đã khá mệt. Tưởng chừng như thời gian, năm tháng và những nỗi đau tột cùng đã làm mẹ không thể khóc được nữa, vậy mà nhắc tới anh Nam, anh Tỉnh, anh Điển, cháu Tuấn... mẹ lại ứa nước mắt. Năm 1965, lần đầu tiên nhận được tin báo tử của anh Nam, lòng mẹ đau thắt nhưng vẫn cố kìm nén, động viên các con trong chiến trường can đảm chiến đấu. Sau đó, liên tiếp trong 2 năm (1968, 1969) mẹ lại nhận được tin báo tử của anh Tỉnh và anh Điển. Hòa bình lập lại, cả nước khôi phục chiến tranh, mẹ lại một lần nữa đau đớn tột cùng khi nhận được tin cháu nội Phạm Như Tuấn hy sinh tại mặt trận phía Nam Lào (năm 1979). Cả 3 người con trai và cháu nội của mẹ đều hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Trong số đó có anh Điển tái ngũ và hy sinh ở tuổi 28 với bao ấp ủ về tương lai đôi lứa với người yêu cùng làng... Tâm sự đến đây, mẹ dừng lại nhìn những tấm hình các con, cháu được treo trang trọng trên tường rồi chỉ tên từng người. Mẹ ngắm những đứa con yêu của mình hồi lâu. Những người con trong các bức ảnh như cũng đang nhìn mẹ, như muốn sẻ chia nỗi buồn trong lòng mẹ. Mẹ bảo: nhiều đêm mẹ vẫn mơ thấy các con và cháu nội về. Mẹ choàng dậy thảng thốt... Khi tôi hỏi, bây giờ mẹ có mong muốn gì? Mẹ nhìn vào xa xăm rồi nói: Năm 2004, sau nhiều lần đi tìm và gửi thư đi, thư về giữa đơn vị của liệt sỹ Phạm Văn Điển với Ban chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị, nơi liệt sỹ hy sinh, gia đình đã đưa được di hài của anh về an táng tại quê nhà. Ngày đưa hài cốt liệt sỹ về, mẹ đã òa khóc nức nở, cứ ôm chặt di hài mà mẹ tưởng như đang ôm ấp đứa con bằng xương, bằng thịt vậy!... Bây giờ mẹ chỉ mong sao tìm thấy di hài của anh Nam, anh Tỉnh để mẹ cảm thấy các con gần mẹ hơn. Từ ngày nhận giấy báo tử, mẹ chỉ biết các anh hy sinh tại chiến trường phía Nam. Mà chiến trường đó rộng lớn quá nên hơn 30 năm qua, gia đình vẫn chưa biết các anh nằm lại nơi nào trên đất lành Tổ quốc... Đó là tâm nguyện cuối cùng của mẹ.
Năm nay mẹ Phúc đã 95 tuổi. Mẹ tặng cho cuộc sống bình yên của đất nước 3 người con trai và 1 đứa cháu nội. Cuộc đời tặng lại mẹ sức khỏe và hàng ngàn người con, người cháu trong cả nước vẫn dành tấm lòng hiếu thảo với mẹ. Chia tay, mẹ tiễn chúng tôi ra tận cổng, dáng mẹ xa dần trong ánh nắng nhạt cuối chiều, chợt văng vẳng bên tai tôi câu hát: "Nhìn mái tóc mẹ bạc phơ và ánh mắt mẹ như mơ là biết mấy chờ mong mỏi mòn,... tự hào chúng con có mẹ Việt Nam anh hùng". Mong sao mẹ mạnh khỏe, sống lâu để các con và đất nước được chăm sóc, phụng dưỡng mẹ nhiều hơn nữa.
Đinh Ngọc