Ở thôn Vệ Chùa, xã Thạch Bình (huyện Nho Quan) câu chuyện của cặp đôi đặc biệt anh Trần Quốc Huy - một người khuyết tật và vợ là chị Duyên- một người phụ nữ khỏe mạnh, xinh xắn và thảo hiền đã viết nên một câu chuyện cổ tích giữa đời thường. Không chỉ có một gia đình hạnh phúc, vợ chồng anh Huy còn gây dựng được nền kinh tế ổn định, vững chắc.
Mặc dù đã được nghe giới thiệu trước, song khi tới tận nơi, nhìn tận mắt thành quả mà đôi vợ chồng "đũa lệch" tạo dựng lên, chúng tôi mới thực sự tin vào một "mối tình cổ tích". Hơn chục năm sau khi về một nhà, vợ chồng anh Huy đã sinh được hai đứa con một trai, một gái khỏe mạnh, ngoan ngoãn.
Anh Huy chia sẻ, anh bị khuyết tật vận động bẩm sinh, vì vậy khi gặp được người yêu thương, cảm thông với mình, anh như được hồi sinh những khát vọng của tuổi trẻ. Bỏ qua bao dị nghị, hoài nghi của người đời về mối tình giữa chàng trai khuyết tật với một cô gái lành lặn, xinh xắn, anh Huy và chị Duyên vẫn về cùng một nhà và bắt tay xây dựng một cuộc sống mới.
Hàng ngày, chị Duyên tần tảo trồng rau sạch rồi lại chạy chợ bán rau, lo toan cho cuộc sống của gia đình nhỏ. Thương vợ vất vả, anh Huy cũng học thêm nghề may và làm thuê cho một tiệm may. Sau này, khi tay nghề vững thì anh Huy tự mở cho riêng mình một tiệm may nho nhỏ. Đến nay, xưởng may của anh Huy còn giải quyết việc làm, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho hàng chục lao động khác.
Giống như anh Huy, chị Đinh Thị Hường- một người khuyết tật quê ở xã Cúc Phương cũng có một cuộc sống gia đình hạnh phúc. Nhưng con đường đến với hạnh phúc của vợ chồng chị Hường và anh Hoàng Văn Lâm, ở xã Văn Phương huyện Nho Quan) thì chông chênh hơn nhiều. Nhìn ngắm hai đứa con đang say giấc ngủ trưa, chị Hường trào nước mắt chia sẻ, đến bây giờ, mọi người và ngay cả bố mẹ đẻ của tôi mới tin vào sự lựa chọn của chúng tôi. Còn trước đó, chẳng nói ra nhưng thực sự trong lòng có lẽ ai cũng nghĩ "để xem mối tình ấy kéo dài được đến bao giờ".
Sinh năm 1991, sống trong một gia đình thuần nông ở xã vùng cao Cúc Phương, Hường bị khuyết tật vận động bẩm sinh. Bước vào đời bằng đôi nạng gỗ, mang trong mình một niềm mặc cảm rất lớn, chỉ chừng ấy thôi cũng đủ để dập tắt mọi giấc mơ tốt đẹp, nhất là giấc mơ về một mái ấm gia đình của thiếu nữ miền sơn cước. Để tự nuôi được bản thân, Hường tham gia vào một nhóm hát và đi biểu diễn khắp nơi theo yêu cầu.
Trên một chuyến xe từ miền Nam trở về nhà sau chuyến đi biểu diễn dài ngày, Hường đã gặp anh Lâm, họ trở thành bạn để tâm tình lúc vui, khi buồn. Dần dần, Lâm cảm thấy quý mến nghị lực của cô gái trẻ nhưng với Hường lại gặp không ít khó khăn, nhất là khi mối tình này không nhận được sự ủng hộ của bất kỳ ai trong gia đình. "Bố mẹ tôi bảo, sẵn sàng chấp nhận cho tôi làm mẹ đơn thân, có đứa con để bầu bạn lúc tuổi già. Nhưng lấy chồng thì không nên, nhất là khi người tôi muốn kết hôn lại là một chàng trai khỏe mạnh. Lý do là bố mẹ tôi sợ tôi khổ. Bố mẹ tôi không tin rằng trên đời có thể tồn tại một tình yêu chênh lệch nhiều đến thế"- chị Hường nói.
Những lý lẽ ấy của người thân thực sự đã làm chị suy nghĩ, đắn đo. Trong thời gian ấy, anh lâm xung phong đi thực hiện nghĩa vụ quân sự. Hai năm trời xa nhau, với cả anh Lâm, chi Hường đều là quãng thời gian cần thiết để cả hai cùng xem lại tình cảm của chính mình.
Và thực sự, thời gian đã làm bùng cháy lên ngọn lửa tình yêu mà cả hai cố gắng vùi quên. Những nhớ nhung của ngày đầu vào quân ngũ, anh Lâm gửi trọn vào những trang thư gửi về cho chị Hường. Những cánh thư viết vội ấy đã gắn kết hai người. Và khi anh Lâm ra quân, hai người chính thức đăng ký kết hôn, dù rằng vẫn gặp sự phản đối quyết liệt từ hai phía gia đình.
Đứa con trai đầu lòng, rồi đến con gái thứ 2 lần lượt ra đời, biết bao nhọc nhằn mưu sinh nhưng cũng không làm cho vợ chồng chị Hường nuối tiếc. "Những lúc thấy anh quá vất vả, lấm lem trong công việc của một người thợ mộc, tôi hỏi anh rằng có lúc nào anh ân hận vì lấy tôi không? Khi ấy, ngâm anh luôn đùa rằng, chỉ ân hận không lấy tôi sớm hơn. Tình cảm của chồng đã tiếp thêm cho tôi nghị lực, cố gắng động viên anh, giúp đỡ anh vượt qua tất cả. Vẫn có những nỗi hờn giận, song cả hai vợ chồng chưa bao giờ to tiếng với nhau cả. Hạnh phúc đã được chứng minh ấy dần thuyết phục được hai bên gia đình. Giờ, gia đình chồng yêu mến tôi lắm. Tôi cũng đã về quê chồng để sinh sống, dù rằng chúng tôi chưa có một đám cưới đúng nghĩa"- chị Hường nói.
Một tin vui bất ngờ đến với hai cặp vợ chồng Huy- Duyên và Hường- Lâm khi họ được lựa chọn để tham gia vào lễ cưới tập thể lớn tại Hà Nội "Giấc mơ có thật" vào cuối tháng 6 tới. Những ngày này, vợ chồng chị Hường và vợ chồng anh Huy cũng đang tích cực chuẩn bị cho đám cưới mà họ mong đợi bao lâu nay.
"Chúng tôi đã sống với nhau hạnh phúc, dù rằng vì hoàn cảnh mà chưa có cho mình một đám cưới đúng nghĩa. Khi được lựa chọn tham gia đám cưới tập thể lần này, vợ chồng tôi rất hạnh phúc. Vợ tôi sẽ được khoác lên mình bộ váy áo cô dâu, được sánh bước bên bạn đời và những đứa con được sinh ra trong niềm hạnh phúc và những nhọc nhằn. Thiệt thòi đôi chút vì đám cưới đến muộn, nhưng lại hạnh phúc vô bờ bởi chúng tôi không còn băn khoăn về chính sự lựa chọn của mình. Tham gia vào đám cưới tập thể, tôi cũng muốn lan tỏa niềm tin, hi vọng đến với tất cả các bạn trẻ có cùng cảnh ngộ. Chỉ cần cố gắng thôi thì hạnh phúc sẽ đong đầy, hạnh phúc là có thật, chứ không phải chỉ là giấc mơ"- anh Huy xúc động chia sẻ thêm.
Bài, ảnh: Đào Hằng