Cụ Nguyễn Văn Tơn năm nay đã 83 tuổi nhưng còn rất minh mẫn. Cụ vẫn còn nhớ rõ từng mốc thời gian từ khi còn là một chàng tân binh, đến khi trở thành người chỉ huy Trung đoàn 148 anh hùng. Tháng 6-1948, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Tơn nhập ngũ vào Tiểu đoàn 61 của Tỉnh đội Ninh Bình. Sau một thời gian huấn luyện, năm 1950 chuyển về làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 92, Trung đoàn 46, Quân khu Tả Ngạn. Ngày đó cụ Tơn được giao phụ trách chỉ huy 1.000 cán bộ, chiến sỹ đánh Pháp ở các tỉnh Ninh Bình, Thái Bình, Hải Dương... Sau đó Tiểu đoàn được điều động bổ sung về Trung đoàn 254 của Bộ quốc phòng luyện quân đánh ở địa hình rừng núi. Khi Sư đoàn 316 được thành lập thì Trung đoàn 254 được đổi tên thành Trung đoàn 148 và bắt đầu tham gia vào chiến dịch Tây Bắc.
Có lẽ trong ký ức của người cựu chiến binh từng tham gia 2 cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc thì kỷ niệm về những trận đánh tại Điện Biên Phủ đọng lại sâu sắc nhất. Cụ Tơn còn nhớ thời điểm sau khi chiến đấu trên đất bạn Lào trở về thì Trung đoàn được giao nhiệm vụ đánh dọc tuyến Mường Thanh. Đánh chiếm được sân bay Mường Thanh, Sư đoàn 316 tiến vào đồi Him Lam đánh 12 tiểu đoàn tinh nhuệ của thực dân Pháp. Lúc đó lực lượng của địch rất mạnh, song bằng tinh thần quả cảm của các cán bộ, chiến sỹ, chiến thuật tác chiến linh hoạt của cán bộ chỉ huy bí mật đưa bộc phá vào sát chân đồi Him Lam cho nổ, nhờ vậy quân ta đã tiêu diệt gọn nhiều tiểu đoàn mạnh của địch.
Hội viên CCB phường Bích Đào thăm Điện Biên Phủ. Ảnh: PV
Trong trận chiến hết sức ác liệt mà ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc đã có rất nhiều cán bộ, chiến sỹ của quân ta anh dũng hy sinh, nhiều người bị thương, trong số đó có cụ Tơn. Lúc này, Bộ Quốc phòng có lệnh đưa Sư đoàn 316 và Sư đoàn 304 ra vòng ngoài để củng cố lực lượng và làm nhiệm vụ ngăn cản không cho địch tiếp viện. Hai Sư đoàn dự bị là Sư đoàn 312 và 351 được giao nhiệm vụ thay thế để tiếp tục chiến đấu với Thực dân Pháp, đưa chiến dịch Điện Biên Phủ đến ngày toàn thắng 7/5/1954.
Kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, cụ Tơn xuất ngũ về công tác tại địa phương. Năm 1965 khi đang là Chủ nhiệm HTX nông nghiệp, cụ Tơn được giao nhiệm vụ làm Bí thư đội Vận tải số 3, Phó Ban Thanh tra vận tải phía Nam thuộc Bộ giao thông vận tải trực tiếp chỉ huy xe vận chuyển vũ khí quân lương cho các chiến trường. Tháng 9/1969, cụ Tơn xuất ngũ trở về quê hương, cụ xin vào làm việc tại Xí nghiệp Vận tải của thành phố. Từ đó đến nay, phát huy bản chất tốt đẹp của bộ đội cụ Hồ, cụ Tơn luôn tích cực tham gia vào các hoạt động của địa phương. Mặc dù đã bước vào tuổi "thất thập cổ lai hy", sức khỏe không còn như xưa nhưng cụ vẫn được tín nhiệm bầu vào Ban chấp hành Hội người cao tuổi và Hội Cựu chiến binh của phố và là hội viên tích cực của Ban liên lạc truyền thống Sư đoàn 316. Cụ Tơn luôn tự hào về truyền thống cách mạng của gia đình. Cha của cụ từng là trung đội trưởng du kích chiến đấu, 2 vợ chồng người chị gái là chiến sỹ tình báo, em trai cụ là liệt sỹ trong kháng chiến chống Mỹ.
Bài và ảnh: Kim Duyên