Dáng người đậm nhưng nhanh nhẹn, hoạt bát, tiếng nói sang sảng, tôi chợt nghĩ: Đúng chất hình sự. Sau khi tiếp xúc, khác với suy nghĩ ban đầu, tôi nhận thấy Thượng tá Tống Như Sơn là người vui vẻ, thân thiện và dễ gần… Anh kể: Năm 2000, tốt nghiệp Học viện Cảnh sát nhân dân, anh được điều động về công tác tại Phòng Cảnh sát Hình sự với nhiệm vụ điều tra các vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra cấp tỉnh và những vụ án do yêu cầu của Thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra.
Những ngày đầu tiếp xúc với công việc, mọi thứ đều bỡ ngỡ, với hoài bão, nhiệt huyết của tuổi trẻ, anh hăng hái, muốn cống hiến hết mình cho công việc, nhưng được làm việc dưới quyền lãnh đạo, chỉ huy phụ trách rất nghiêm khắc nên Tống Như Sơn dần nhận ra những hạn chế của mình, anh tự đặt ra cho mình lộ trình phấn đấu, trong đó tự xây dựng chương trình, kế hoạch học tập, rèn luyện, công tác nghiêm khắc cho bản thân.
Bên cạnh việc lắng nghe, suy nghĩ, tìm tòi, đặt ra yêu cầu cho mỗi nhiệm vụ, anh luôn chú ý theo sát các chỉ đạo, kèm cặp của lãnh đạo, chỉ huy, ghi chép tỷ mỷ, cẩn thận để làm cẩm nang, đồng thời anh đặc biệt chú trọng việc tự nghiên cứu học tập các văn bản pháp luật, các phương pháp điều tra khoa học, lô gic, biện chứng để áp dụng vào thực tế công tác cho phù hợp, kết quả là chỉ sau một thời gian, anh đã dần quen và tiếp cận tốt, hoàn thành được các nhiệm vụ được giao.
Anh tâm sự: Người cán bộ điều tra, đặc biệt là điều tra trong lĩnh vực hình sự luôn phải hàng ngày, hàng giờ đối mặt với tội phạm và mặt trái của xã hội, do vậy yếu tố đầu tiên, quan trọng và có tính quyết định là phải giữ vững bản lĩnh chính trị vững vàng, đề cao tính kỷ luật, nghiêm khắc với bản thân, cương quyết, nhạy cảm, khôn khéo trong đấu mưu, đấu trí và luôn cảnh giác cao với những "viên đạn bọc đường" của tội phạm và muôn vàn sức ép khác. Phương châm công tác của anh là "Kiên quyết, kiên trì, bền bỉ, không khoan nhượng trong đấu tranh với tội phạm nhưng không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội".
Qua gần 20 năm gắn bó với công tác phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm hình sự, trải qua các vị trí công tác từ cán bộ Phòng Cảnh sát Hình sự, Phó Trưởng Công an thành phố Ninh Bình rồi được bổ nhiệm chức vụ Trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự, dù ở cương vị nào Thượng tá Tống Như Sơn cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Anh luôn tâm niệm, phải thực hiện nghiêm, đúng các quy định của pháp luật, phải luôn gương mẫu đi đầu trong mọi nhiệm vụ được giao, sẵn sàng khắc phục khó khăn đi đến mọi nơi, mọi chốn khi có manh mối vụ án… có như vậy mới có thể nhanh chóng điều tra, làm rõ các vụ án, truy bắt kịp thời đối tượng.
Người lãnh đạo chỉ huy đặc biệt là lực lượng trực tiếp đấu tranh với tội phạm hình sự thì khả năng nắm bắt và dự báo tình hình tội phạm, tập trung vào những tuyến, địa bàn trọng điểm, phức tạp, những vấn đề vụ án phức tạp đang nổi lên, biết áp dụng các kiến thức, kỹ năng, đặc biệt là các kiến thức về công nghệ thông tin vào nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tội phạm thực sự là yêu cầu quan trọng.
Đối với Tống Như Sơn, mỗi vụ án là một câu chuyện, một vấn đề xã hội, không vụ án nào giống vụ án nào, do vậy anh cho rằng phải đề cao tinh thần trách nhiệm với công việc, có tâm, có tầm, nêu cao vai trò gương mẫu của người đảng viên trước Đảng, trước đồng đội, trước nhân dân thì mới có thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Với vai trò là Bí thư chi bộ, Trưởng phòng nên Thượng tá Tống Như Sơn luôn chú trọng cùng Ban Chi ủy, lãnh đạo đơn vị tập trung xây dựng khối đoàn kết thống nhất nội bộ, phát động mạnh mẽ các phong trào thi đua, làm tốt công tác thi đua khen thưởng để tạo động lực cho phong trào.
Tập trung làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh, 6 điều Bác Hồ dạy CAND. Chú trọng hướng dẫn, kèm cặp cán bộ trẻ từng vấn đề, công việc nhỏ đến các chuyên đề, chuyên án, để cán bộ, chiến sỹ (CBCS) dần quen việc và dần trưởng thành, tăng cường tự học, tự rèn, tự đào tạo, tăng cường quản lý CBCS qua chương trình công tác hàng ngày, hàng tuần.
Bên cạnh đó phải chú ý lắng nghe tâm tư tình cảm, tiếp thu ý kiến đóng góp của CBCS, định hướng nhưng đi đôi với lắng nghe mới có thể giúp cho công tác chỉ đạo thực hiện tốt các mặt công tác, chiến đấu, xây dựng lực lượng của chi bộ, đơn vị.
Thượng tá Phạm Ngọc Minh, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự cho biết: Tác phong cụ thể, sâu sát, miệng nói, tay làm đã giúp cho Thượng tá Tống Như Sơn có được tình cảm và uy tín đối với CBCS, không chỉ chỉ đạo mà đối với các vụ án phức tạp, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, đồng chí Tống Như Sơn đều trực tiếp tham gia, vừa xây dựng kế hoạch điều tra, khám phá, vừa đến hiện trường, tham gia hỏi cung, động viên CBCS… do vậy tỷ lệ điều tra khám phá án của đơn vị luôn rất cao, luôn đảm bảo khách quan, chính xác, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không có án oan sai.
Hàng năm Phòng Cảnh sát Hình sự do anh phụ trách luôn đạt danh hiệu Quyết thắng, được tặng Cờ thi đua xuất sắc của Bộ Công an, của UBND tỉnh, Chi bộ đạt danh hiệu Chi bộ trong sạch, vững mạnh; nhiều năm liền, Thượng tá Tống Như Sơn đạt chiến sỹ thi đua cơ sở, đảng viên đủ tư cách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen của UBND tỉnh, của ngành và Giám đốc Công an tỉnh. Năm 2015, 2019, Thượng tá Tống Như Sơn được Bộ Công an tặng Danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn lực lượng CAND.
Nguyễn Bình (Công an tỉnh)