Hồi hộp chờ đợi các ni cô đưa bé Thiên Duyên trở về Chùa sau hơn 1 tuần điều trị bệnh viêm phế quản ở Bệnh viện Sản - Nhi trở về, ni sư Thích Đàm An - Trụ trì chùa Nhất Trụ hết chạy vào nhà để bày biện sẵn các món đồ chơi mà bé Thiên Duyên yêu thích lại chạy ra sân để ngóng đợi. Cuối cùng, các ni cô cũng đưa bé Duyên trở về. Nhoẻn nụ cười thật tươi khi thấy "bà"- từ mà bé gọi ni sư Thích Đàm An từ khi bập bẹ biết nói. Đón bé trên tay, ni sư xúyt xoa vì bé gầy đi một chút, nhưng bù lại bé nhanh nhẹn và đã khỏe mạnh trở lại.
Giấu giọt nước mắt vui mừng, ni sư chia sẻ với chúng tôi, đây là bé lớn nhất trong tổng số 3 trẻ bị bỏ rơi mà chúng tôi đang nuôi dưỡng tại nhà chùa. Bé đã được gần 3 tuổi rồi, đã biết nói sõi và tự chơi nên việc chăm sóc bé cũng đỡ vất vả. Mọi người lại tập trung chăm sóc hai bé nữa, trong đó bé út mới được hơn 3 tháng tuổi. Ngậm ngùi chia sẻ về hoàn cảnh gặp được 3 bé, ni sư cho rằng đó cũng bởi một chữ duyên. Vì vậy, lần lượt 3 bé được ni sư đặt cho các tên là Thiên Duyên, Kỳ Duyên và Hạnh Duyên. Nuôi những đứa trẻ từ khi chúng mới lọt lòng mẹ được vài ngày là một thử thách quá lớn đối với ni sư. "Điều thôi thúc tôi luôn cố gắng, đó là tình yêu thương vô bờ đối với các sinh linh bé bỏng ấy. Chắc cũng vì hoàn cảnh quá khó khăn nên mẹ các con mới gửi lại chúng nương nhờ cửa Phật. Chúng tôi cố gắng để sưởi ấm phần nào những thiệt thòi mà các con phải chịu đựng"- ni sư Thích Đàm An xúc động nói.
Rồi ni sư kể, 3 đứa trẻ đến từ ba thời điểm khác nhau, nhưng đều có chung một điểm đó là vào lúc thời tiết khắc nghiệt nhất. Bé Thiên Duyên đến vào một trưa hè nắng nóng. Khi ni sư đi kiểm tra quanh chùa thì thấy có một chiếc làn cũ. Nhìn lại gần, ni sư hốt hoảng vì đó là một đứa trẻ còn đỏ hỏn. "Đứa bé đã không thể khóc được mà chỉ nằm im thin thít. Có lẽ, nắng nóng và bị bỏ đói đã khiến đứa trẻ yếu ớt đến vậy. Tôi vội ôm đứa trẻ vào trong phòng và nhờ người đi xin sữa của một bà mẹ mới sinh ở trong thôn. Tôi cũng cho người lên báo cáo với chính quyền địa phương và nhờ các nhân viên ở Trạm y tế xã kiểm tra sức khỏe cho bé. Thật kỳ diệu làm sao, đứa trẻ bú sữa vào rồi tỉnh táo dần. Chúng tôi lại tràn trề hy vọng về sự hồi sinh của bé"- ni sư Thích Đàm An kể. Vậy là trải qua hơn 2 năm được sự nuôi dưỡng, chăm sóc của ni sư và những người trong thôn, đứa trẻ bị bỏ rơi năm nào nay đã lớn và khỏe mạnh. Làn da bé trắng hồng, ánh mắt đen láy, trong veo như chưa hề phải trải qua những thời khắc khó khăn nhất.
Bé thứ hai là Kỳ Duyên cũng đến với nhà Chùa vào một đêm tháng 11 lạnh buốt. Còn bé út Hạnh Duyên mới đến cách đây hơn 3 tháng, đó là một ngày tháng Bảy mưa bão. Đứa trẻ được đưa vào tận trong chùa, khi ấy bé mới chỉ được chừng vài ngày tuổi, bé xíu với cân nặng chưa đầy 2 kg. Nay Hạnh Duyên đã được hơn 3 tháng, bé ngoan lắm, càng lớn càng đáng yêu. Chăm sóc một đứa trẻ đã vất vả, nhà chùa còn chăm sóc tới 3 đứa trẻ mồ côi còn ít tuổi thì nỗi nhọc nhằn ấy còn tăng lên gấp bội. Chắc cũng cảm thương ni sư, mà bọn trẻ rất ngoan, trừ lúc ốm đau còn lại chúng rất ít khi quấy khóc. Những phật tử trong thôn nghe tin đều cảm động trước tấm lòng nhân ái của ni sư mà đều phát tâm làm điều thiện. Ai có sữa thì cho sữa, người mua cho các bé đồ chơi, quần áo… những người lớn tuổi hơn thì thường xuyên đến chùa để phụ giúp ni sư chăm sóc các bé và cùng hạnh phúc chứng kiến sự lớn khôn mỗi ngày của ba đứa trẻ tội nghiệp.
Bà Đàm Thị Niên năm nay gần 60 tuổi ở xóm Nam. Từ khi nhà chùa nuôi dưỡng trẻ mồ côi, gần như ngày nào bà cũng ra hỗ trợ ni sư việc tắm cho các bé. Bà Niên xúc động: chừng này tuổi, tôi hết chăm sóc con rồi đến cháu vậy nhưng có khi còn không đủ khéo tay, khoa học như ni sư Thích Đàm An. Những lúc nhìn ni sư cho bé uống sữa, rồi nựng nịu những lời yêu thương hay những hôm phải thức cả đêm vì các bé bị ốm… tôi mới hiểu phải có tình yêu lớn lắm ni sư mới vượt qua được chừng ấy thời gian, chừng ấy khó khăn. Nhiều gia đình hiếm muộn nghe tin cũng đến xin trẻ về nuôi. Nhưng lần nào cũng vậy, ni sư Thích Đàm An đều nhẹ nhàng từ chối. Bởi với ni sư, đứa trẻ đến với Chùa là bởi chữ Duyên. Vì vậy, nhà chùa sẽ hết lòng nuôi dưỡng, dạy dỗ cho các bé nên người.
Ngoài thời gian chăm sóc trẻ, ni sư và các phật tử còn dành nhiều tâm huyết trong việc chăm sóc cả vườn sắn dây. Mỗi năm, ni sư Thích Đàm An trồng và bán hàng tấn sắn dây để lấy tiền xây dựng chùa, chăm lo cho trẻ mồ côi và còn đi phát tâm cho những mảnh đời khó khăn trên địa bàn.
Bài, ảnh: Nguyễn Hùng