Tôi may mắn được tiếp cận với môi trường làm báo rất sớm bởi có cha làm việc trong nghề. Nhờ có những chuyến gặp mặt, giao lưu của cơ quan Báo mà tôi có điều kiện tiếp xúc, làm quen với các nhà báo đi trước, chứng kiến công việc họ làm, từ đó nuôi dưỡng đam mê theo đuổi nghề báo, để giờ đây tôi đã trở thành một phóng viên chuyên ảnh trưởng thành, chững chạc tại Báo Ninh Bình.
Chuyện tác nghiệp của phóng viên ảnh
Nhớ lại ngày tôi mới bước chân về Tòa soạn Báo Ninh Bình làm hợp đồng cộng tác viên, đó là vào những năm 2000. Việc gì tôi cũng xông xáo tham gia, lúc thì tham gia viết tin, bài, lúc lại chụp ảnh, nhưng công việc chính vẫn là chụp ảnh. Tôi thấy mình may mắn vì được là thế hệ tiếp bước của các nhà báo kỳ cựu như bác Thanh Bình, chú Thế Minh.
Ngày đó, điều kiện tác nghiệp của chúng tôi tất nhiên không được như bây giờ, thiếu thốn đủ thứ. Làm gì có máy ảnh kỹ thuật số, điện thoại Smartphone có chức năng chụp hình mà chỉ có máy ảnh cơ chụp phim. Để có một tấm ảnh hoàn chỉnh đăng trên mặt báo là cả một quá trình nỗ lực của người phóng viên. Khác với sự tiện nghi của máy ảnh số, thời đó, chụp ảnh phim, phóng viên phải tính toán trong từng chi tiết kỹ thuật như khẩu độ, tốc độ, ánh sáng, độ nét... Còn chụp khoảnh khắc di chuyển nhanh đối với máy ảnh phim và tự chỉnh nét thì rất khó... Sau khi chụp xong, đem phim ra hàng phóng rồi gửi về tòa soạn cũng rất mất thời gian và tốn kém, nhiều khi rửa mấy ảnh chỉ dùng 1 ảnh. Đó là chưa kể, chụp bằng phim cũng lắm rủi ro, nhỡ ai đó táy máy mở chốt máy, phim bị lọt sáng thì cả cuộn phim coi như "xong", cả chuỗi sự kiện trong máy coi như không có tấm ảnh nào...
Nhắc về những kỷ niệm ngày đó, làm tôi bồi hồi nhớ lại khoảng thời gian thường xuyên gửi ảnh cộng tác với Báo Nhân dân... Hôm đó là ngày lễ Noel, Báo Nhân dân đặt tôi gấp vài bức ảnh về không khí buổi lễ tại nhà nhờ đá Phát Diệm. Tôi vội vàng từ tòa soạn "phi" xuống Kim Sơn cho kịp thời gian, ảnh chụp xong lại vội vàng ra hiệu cắt phim, rửa nhưng gửi ảnh đi thế nào lại là điều rất khó khăn. Muốn gửi nhanh thì phải dùng đến internet, nhưng thời điểm đó mạng và các thiết bị phục vụ cho việc truyền tải thông tin qua mạng internet chưa phát triển, không còn cách nào khác, tôi phải một mình vượt qua đoạn đường dài hơn 100km lên trụ sở Báo Nhân dân để đưa ảnh, xong việc cũng hơn 12 giờ đêm...
Nhà báo Đức Lam tại đồi A1 khu di tích chiến trường Điện Biên Phủ.
So với trước đây, điều kiện tác nghiệp của phóng viên ngày nay có nhiều thuận lợi hơn. Đó là phương tiện tác nghiệp, phương tiện đi lại, điều kiện ăn, ở phục vụ công tác và hơn cả là sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, internet. Đặc biệt, đối với phóng viên ảnh mảng chính trị, việc cần thiết phải có những thiết bị, máy móc hiện đại, phục vụ tốt yêu cầu nhiệm vụ công tác là hết sức quan trọng. Đáng phấn khởi là những năm gần đây, Báo Ninh Bình rất quan tâm trang bị, nâng cấp trang thiết bị phục vụ phóng viên tác nghiệp. Trong đó, tôi may mắn được cơ quan trang bị máy ảnh mới, hiện đại, do vậy, tôi có điều kiện để tác nghiệp nhanh, chụp được những bức ảnh đẹp phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Người ta nói: "Một bức ảnh tốt còn hơn một nghìn lời nói", để nói về sức mạnh, sức thuyết phục của hình ảnh.
Vì vậy, tôi nghĩ dù ở thời đại nào, phóng viên ảnh trước hết phải có tư duy của một nhà báo, máy ảnh chỉ là công cụ tác nghiệp để thể hiện quan điểm của mình trước các vấn đề cần phản ánh. Do vậy người cầm máy ngoài việc làm chủ được chiếc máy ảnh của mình, hiểu biết tất cả các tính năng của nó, am hiểu và sử dụng thành thạo các kỹ thuật tạo hình nhiếp ảnh: ánh sáng, màu sắc, đường nét, nhịp điệu, góc độ, bố cục, độ nét… còn cần phải tư duy, chọn lựa thời khắc để bấm máy. Bức ảnh ngoài giá trị thông tin cần có tính thẩm mỹ cao thì mới có sức truyền cảm tới người xem. Vì vậy, để có được những bức ảnh đẹp, ưng ý, tôi luôn phải chú ý quan sát, tìm góc độ thích hợp nhất, lựa chọn những khoảnh khắc đặc trưng nhất. Như khi tác nghiệp tại các Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh; hoặc sự kiện các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước về thăm và làm việc tại Ninh Bình; các sự kiện văn hóa, thể thao ngoài trời...
Dù là phóng viên lâu năm nhưng tôi vẫn không khỏi lo lắng, bởi trách nhiệm được giao là rất lớn, ảnh chụp dù bất kỳ lý do gì cũng không được phép hỏng. Bởi vậy, bao giờ tôi cũng có mặt tại sự kiện từ rất sớm và chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện nhỏ nhất như: Sạc đầy pin, chuẩn bị ống kính, túi đựng máy ảnh sao gọn nhất và ngay cả trang phục cũng phải chọn lựa phù hợp để có thể di chuyển nhanh nhất, chọn được vị trí đứng chụp thuận tiện nhất…
Từ thực tế tác nghiệp đã giúp tôi đúc rút được nhiều bài học kinh nghiệm quí báu. Cùng với các thiết bị công nghệ hỗ trợ khác tôi đã luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao, có tác phẩm đẹp nhất, sớm nhất gửi về tòa soạn, trong đó việc chuyển tải ảnh về tòa soạn được thực hiện chỉ trong vài phút sau khi sự kiện diễn ra hoặc ngay cả khi sự kiện đang diễn ra, góp phần đáp ứng tốt nhu cầu thông tin của độc giả và khẳng định uy tín, vị thế của Báo Ninh Bình trong lòng bạn đọc.