Một chiều cuối năm 2009, chúng tôi đến nhà ông Khang và thấy rất đông người đang tấp nập chở gạch, xúc cát, mạt… để xây móng, làm nhà văn hóa. Nhìn vào ai cũng tưởng đấy là những người làm nghề xây dựng chuyên nghiệp đang lao động. "Nhưng khôgn phải, đó chính là bà con trong tổ dân phố 21 tự nguyện đóng góp ngày công để xây dựng "ngôi nhà chung", phục vụ sinh hoạt cộng đồng"- ông Bùi Văn Tự, Bí thư chi bộ tổ 21 giải thích. Cũng theo ông Tự, việc huy động được sức dân như thế là bắt nguồn từ tinh thần tự nguyện hiến, đổi đất làm nhà văn hóa của ông Hồ Truyền Khang…
Ông Khang tiếp chúng tôi với nụ cười chân tình, cởi mở, ông cho biết: Sinh ra ở Mỹ Thuận, Mỹ Lộc (Nam Định) rồi lớn lên và lập nghiệp tại Hà Nội. Năm 1982, ông và gia đình chuyển về ở khu tập thể của xí nghiệp đá Đồng Giao. Lúc đó, cuộc sống của gia đình gặp nhiều khó khăn. Nhưng với đức tính hay lam, hay làm, hai vợ chồng ông tích cóp mua mảnh đất và xây cất được căn nhà mà ông đang ở. Tháng 8 năm 2009, ông được bà con khu phố tín nhiệm bầu làm tổ trưởng tổ dân phố 21, phường Nam Sơn. Tổ dân phố hiện có 93 hộ với 390 khẩu, nằm tiếp giáp với thị xã Bỉm Sơn, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn…
Mỗi khi họp tổ dân phố, sinh hoạt chi bộ, tổ chức Tết Trung thu cho các thiếu nhi… đều phải nhờ nhà dân hoặc làm ở sân vận động, rất vất vả và bất tiện nhất là khi trời mưa gió. Đã từ lâu, nhiều người dân mong muốn có nhà văn hóa để sinh hoạt cộng đồng nhưng quỹ đất của tổ không còn, kinh tế của bà con gặp nhiều nhiều khó khăn nên "cái khó bó cái khôn". Khắc phục tình trạng không còn quỹ đất, UBND phường Nam Sơn đã có chủ trương vận động một số gia đình di chuyển chỗ ở sang tổ dân phố khác (nơi còn quỹ đất) để đổi đất làm nhà văn hóa cho tổ 21, nhưng gặp nhiều trở ngại bởi không ai muốn di dời đến nơi ở khác.
Trên cương vị là tổ trưởng tổ dân phố, ông Khang rất trăn trở và suy nghĩ làm thế nào để những khó khăn trong mỗi lần sinh hoạt cộng đồng không còn nữa. Thế là ông đã quyết định vận động các con đổi 216 m2 đất nhà mình để lấy mảnh đất giá trị kinh tế thấp hơn và xa nơi ở hiện tại. Lúc đầu, các con ông đã phản đối rất quyết liệt bởi mảnh đất và căn nhà của ông có rất nhiều kỷ niệm vì chính vợ chồng ông đã sớm hôm vất vả, nhọc nhằn đổ bao mồ hôi làm tất cả mọi công việc từ nung vôi, đốt gạch đến đặt từng viên xây móng, làm nhà… Hơn nữa, mảnh đất mà ông tậu được bây giờ giá trị đúng là "tấc đất, tấc vàng". Song, được học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, ông Khang đã thấm nhuần tinh thần hi sinh lợi ích cá nhân vì tập thể của Bác nên đã kiên trì, thuyết phục các con ông ủng hộ. Để có đường đi vào nhà văn hóa, ông Khang còn tự nguyện hiến gần 40 m2 đất (rộng 1,5m, dài 20,5m). Trên mảnh đất đổi và hiến này phải phá đi toàn bộ công trình phụ, các cây ăn quả, mái hiên nhà bằng bê tông của gia đình đang sử dụng mà ông Khang không hề nhận tiền đền bù.
Noi theo tấm gương cống hiến tài sản của gia đình ông Khang, nhiều người dân trong tổ dân phố 21 đã tự nguyện đóng góp ngày công và mỗi hộ đóng thêm 500.000 đồng để cùng nhau xây dựng "ngôi nhà chung". Hiện nay công trình này đang gấp rút được thi công, phấn đấu hoàn thành trước Tết Nguyên đán.
Bài, ảnh: Mai Lan