Nghề chọn người Chia sẻ về lý do chọn chuyên khoa ngành Ngoại khoa, mà bây giờ bác sĩ Nguyễn Đình Đức đi sâu hơn để chọn, đó là ngành Ngoại Thận- Tiết niệu, bác sĩ Đức cho biết: "Trong quá trình học tập và tiếp xúc bệnh nhân, tôi phát hiện ra rằng Thận-Tiết niệu là một lĩnh vực sâu rộng và khoảng hơn 30-40% dân số bị bệnh tiết niệu trên tổng sỗ các bệnh. Những bệnh lý đường tiết niệu, bệnh nam học nghe tưởng chừng đơn giản nhưng ảnh hưởng đến chất lượng sống của rất nhiều người. Nhiều bệnh nhân bị bệnh hành hạ một thời gian dài, gây bức bối, khó chịu, thậm chí trầm cảm nhưng chỉ sau một ca phẫu thuật điều trị lập tức cuộc sống của bệnh nhân thay đổi hoàn toàn, họ trở nên lạc quan hẳn ra. Tôi cảm thấy vui khi nhìn thấy những kết quả tức thì đó. Nhất là khi nhiều lần nhìn thấy bệnh nhân trẻ tuổi, đặc biệt là phụ nữ, phải chịu cảnh sống trong khó chịu và mặc cảm do các căn bệnh đường tiết niệu, tôi càng muốn tìm hiểu thêm về ngành này.
Không chỉ vậy, tôi nhận thấy y học hiện đại đang phát triển mạnh trong với những phương pháp điều trị ít xâm lấn. Trong khi đó, phẫu thuật nội soi can thiệp trong ngành Thận-Tiết niệu rất đa dạng và phát triển. 60 - 70% phẫu thuật nội soi trong chuyên ngành này có thể đi qua đường niệu đạo, ít xâm lấn; như: tán sỏi nội soi, tán sỏi nội soi ngược dòng, cắt u phì đại tuyến tiền liệt, cắt u bàng quang... Tôi bị hấp dẫn bởi những phương pháp đó nhất là khi nghĩ rằng nó có thể giúp bệnh nhân bớt đau, không bị ảnh hưởng, tác dụng phụ và thế là tôi cứ thế lao vào con đường tìm hiểu về chuyên ngành tiết niệu". Là trưởng khoa Ngoại Thận- Tiết niệu, bác sĩ Nguyễn Đình Đức được biết đến là người chuyên điều trị ngoại khoa với các loại phẫu thuật nội soi (ít xâm lấm) đối với những bệnh lý sỏi tiết niệu, bệnh lý bướu đường tiết niệu (tuyến tiền liệt, thận và bàng quang...). Nhấp chén chè đặc, anh trầm tư: Y học cũng như kinh tế, mỗi năm, mỗi tháng thậm chí mỗi ngày đều phát triển không ngừng. Vì vậy, tôi không bao giờ cho phép mình dừng lại.
Tôi luôn tìm hiểu và học tập những kinh nghiệm, phương pháp điều trị mới từ đồng nghiệp, đàn anh trong ngành. Mỗi lần nhìn thấy một bệnh nhân phải ra đi mà mình không giúp được gì tôi càng tự nhắc mình phải học hỏi nhiều hơn. Chính vì vậy mà ngoài công việc chuyên môn, tôi luôn dành thời gian cho các công trình nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng cao. Giải thưởng Kova năm 2014 của bác sỹ Nguyễn Đình Đức với đề tài "Nghiên cứu tháo lồng ruột ở trẻ em bằng bơm hơi tại giường cho 972 bệnh nhi đạt kết quả tốt trong 10 năm" ra đời từ những đêm trăn trở nghiên cứu và từ thực tiễn những ca phẫu thuật mà anh trực tiếp tham gia. Tại Ninh Bình và một số nơi trước năm 1985 trẻ em được tháo lồng ruột tại phòng X-quang, được bác sỹ chuyên khoa X-quang bơm hơi tháo lồng với mục đích vừa bơm hơi vừa nhìn trên màn X-quang xem hơi đi đến đâu, khối lồng ruột đã ra khỏi đoạn lồng chưa; hoặc có biến chứng vỡ, thủng ruột trong lúc tháo lồng thì phát hiện được ngay để xử trí phẫu thuật cấp cứu ngay. Nhưng nhược điểm là trẻ em, nhân viên y tế phục vụ cho ca tháo lồng bị ảnh hưởng, chịu tác hại của tia X.
Năm 1986 bác sỹ Nguyễn Đình Đức đã tháo lồng ruột cho trẻ em tại giường, không cần theo dõi trên màn hình X-quang. Phương pháp này đã giúp trẻ em mới tuổi còn bú mẹ cũng như bác sỹ tránh được tác hại của tia X. Từ năm 2006 trở đi, tại Bệnh viện đa khoa tỉnh, bác sỹ Nguyễn Đình Đức và các đồng nghiệp đã tháo lồng tại phòng mổ có hỗ trợ của thuốc gây mê mục đích tránh cho trẻ em trong lúc tháo lồng không tỉnh lơ mơ, khóc sẽ rặn, tránh tình trạng khó phát hiện khối lồng ruột đã tháo được hay chưa. Từ đó đến nay tại Ninh Bình, tháo lồng ruột cho trẻ em theo phương pháp này. Đây được đánh giá là phương pháp rất an toàn và hiệu quả đối với việc chăm sóc điều trị cho trẻ em
Coi bệnh nhân như người thân của mình
Tại tầng 5 bệnh viện Đa khoa tỉnh, khoa của bác sĩ Nguyễn Đình Đức, Khoa Ngoại Thận-Tiết niệuliên tục đón tiếp những người bệnh mắc các bệnh thuộc chuyên khoa thận tiết niệu. Lúc vào người bệnh đang mắc những căn bệnh trong người khó chịu, nhưng khi được các bác sỹ khám chữa, giải thích, tư vấn bệnh tình người bệnh lại ra về với niềm vui phấn khởi. Tôi nhận thấy trừ những lúc có ca mổ, chuông điện thoại di động của anh cứ reo liên hồi với những câu hỏi của bệnh nhân ở xa. Dù việc khám, chẩn đoán bệnh và những ca mổ gây cho anh nhiều mệt mỏi và căng thẳng, người ta luôn thấy bác sĩ Đức nở nụ cười khi tiếp xúc bệnh nhân. Bác sĩ Đức cho rằng nụ cười của người thầy thuốc dành cho người bệnh lúc nào cũng rất quý giá, "nó giống như liều thuốc giúp họ giảm bớt 50% nỗi đau bệnh tật đồng thời là chút sẻ chia, an ủi giữa con người với nhau" - anh cười. "Tuy nhiên, đôi lúc tôi cũng gặp những thất bại ngoài ý muốn với những bệnh lý khó, nó khiến tôi trăn trở và mất ngủ. Nỗi buồn đó cứ trĩu nặng trong lòng. Chính vì vậy, tôi luôn tự nhắc mình không ngừng nỗ lực học hỏi".
Điện thoại di động của anh không bao giờ tắt và nó thường làm anh giật mình thức giấc bởi những cú gọi của bệnh nhân lúc nửa đêm. Điều đó không làm anh bực mình mà trái lại: "Tôi sẵn sàng nghe máy. Đa số cuộc gọi này đều ở tỉnh xa, họ gọi mình vì cần mình tư vấn phương cách chữa trị và họ cần mình dẫn đường. Nếu phải mất ngủ nhiều đêm nhưng cứu giúp được nhiều người thì tôi chẳng nề hà".
Là một vị bác sĩ có y đức, bác sĩ Nguyễn Đình Đức cho biết: Tôi thường khuyên các đồng nghiệp trẻ là Ngoài trách nhiệm khám chữa cho người bệnh trong phạm vi của mình trong cơ quan, khoa phòng mình phụ trách, còn không được từ chối việc tư vấn, giúp đỡ người bệnh khi người bệnh trông nhờ vào mình. Họ lặn lội từ dưới quê lên đây chữa bệnh, mang theo căn bệnh trong người,. Họ giống như người lúc nào cũng ám ảnh có sự khuyết tật trong cơ thể và họ coi bác sĩ là chỗ dựa tin cậy mới có thể giúp cho họ thoát khỏi bệnh tật. Ông tổ ngành y từng nói: Người thầy thuốc giỏi mà thiếu lòng nhân ái thì hết sức nguy hiểm. Nhưng chỉ có lòng nhân ái mà không chịu học tập thì cũng không phải là thầy thuốc giỏi. Cho đến giờ, tôi thấy câu nói trên vẫn còn nguyên giá trị.
Bài, ảnh: Quỳnh Thu