Đến thăm gia đình chị Hoa chúng tôi được nghe chị kể rất nhiều câu chuyện liên quan đến quá trình khởi nghiệp và con đường đưa chị trở thành một chủ tổ hợp may mặc xuất khẩu, giám đốc công ty sản xuất các loại nấm tọa lạc trên mảnh đất vùng cao Phú long (Nho Quan). Chị tâm sự, từ những ngày còn nhỏ chị đã thích được trở thành một nhà thiết kế may mặc và mơ ước tự mình có thể may được những bộ quần áo đẹp cho bản thân và các thành viên trong gia đình.
Theo định hướng của gia đình, khi lớn lên chị lại xin vào làm kế toán cho một công ty may mặc cũ của huyện Hoa Lư. Mặc dù là một kế toán song cái duyên với may mặc lại không rời xa chị, có lẽ vì thế mà chị luôn gần gũi với anh chị em công nhân, quan sát ở họ từng đường kim mũi chỉ. Nhiều đêm chị về suy nghĩ, thiết kế nên những mẫu áo comple, áo dài...và quyết tâm phải thực hiện bằng được mơ ước. Và chị đã có một quyết định táo bạo là xin nghỉ việc ở công ty để về mở hiệu may tại gia đình.
Trong khoảng thời gian cách đây khoảng 7-10 năm tên tuổi của hiệu may do chị Hoa làm chủ đã trở nên khá quen thuộc với người dân thành phố Ninh Bình. Khi có chút vốn kha khá trong tay, chị thành lập tổ hợp may công nghiệp tại phường Ninh Phong (thành phố Ninh Bình). Đó là thời điểm đầu năm 2005. Nhưng "thương trường như chiến trường", với nam giới đã khó, với một người phụ nữ còn khó khăn hơn. Chính sự bỡ ngỡ ban đầu đã khiến chị một phen rơi vào tình trạng tưởng như phá sản.
Do các điều khoản trong hợp đồng không rõ ràng chị đã bị công ty đối tác từ chối tiếp nhận lô hàng quần áo mùa đông do không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, thêm vào đó đối tác ở nước ngoài cũng bị phá sản nên không thể tiếp tục cộng tác làm ăn. Trong vụ làm ăn đó tổ hợp may của chị bị thiệt hại trên 300 triệu đồng. Gượng dậy sau lần vấp ngã đó chị Hoa đã tự rút ra cho bản thân được những bài học sâu sắc trong sản xuất, kinh doanh, nhất là trong khâu ký kết hợp đồng, chọn đối tác tiêu thụ sản phẩm.
Ngoài các sản phẩm may đồng phục cho công nhân các công ty, xí nghiệp, hiện nay sản phẩm may của công ty Hồng Ngọc còn được xuất khẩu ra thị trường trong và ngoài nước. Trung bình mỗi năm lĩnh vực may của công ty thu về khoảng 100 triệu đồng lãi. Nhung niềm vui lớn nhất của chị Hoa đã giải quyết được việc làm cho trên 100 công nhân là lao động địa phương với mức thu nhập từ 800 nghìn -1,5 triệu đồng/người/tháng.
Không chỉ thành công trong lĩnh vực may mặc, chị Hoàng Thị Bảo Hoa còn đang mạnh dạn đưa nghề trồng nấm về các địa phương trong tỉnh. Thời gian qua Công ty Hồng Ngọc đã đầu tư kinh phí hàng tỷ đồng xây dựng lán trại làm nấm tại xã Phú Long (Nho Quan).
Rất nhiều người băn khoăn hỏi chị tại sao lại tìm đến vùng rừng núi khó khăn để gây dựng nghề trồng nấm, chị Hoa tâm sự "vì tôi thấy đất đai rộng, lao động lại dư thừa nếu biết tận dụng, khai thác tối đa lợi thế này thì sẽ mang lại lợi ích cho công ty và tạo được việc làm cho nhiều nông dân, chủ yếu là bà con dân tộc nơi đây. Thêm một nguyên nhân quan trọng nữa thôi thúc tôi đến với mảnh đất còn nhiều gian khó này, đó là tôi không muốn xây dựng lán trại trên mảnh đất "bờ xôi ruộng mật" của người nông dân. Làm như vậy tôi thấy xót xa lắm...".
Để đưa nghề trồng nấm về địa phương, nhất là về với bà con nông dân ở 9 xã nghèo trọng điểm của huyện miền núi Nho Quan thì việc đầu tiên mà chị Hoa và lãnh đạo Công ty làm đó là đi học tập kỹ thuật sản xuất nấm từ Công ty nấm trung ương, trường đại học nông nghiệp I - Hà Nội.
Ngoài việc tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ KHKT, công ty Hồng Ngọc còn ký kết bao tiêu sản phẩm cho người nông dân để họ yên tâm sản xuất. Mặc dù mới chỉ đi vào hoạt động được 5 tháng nhưng công ty đã sản xuất được nhiều loại nấm như; nấm mỡ, nấm sò, nấm linh chi...
Riêng sản phẩm nấm linh chi là loại được giá nhưng khó chế biến Công ty đã sản xuất được 5 tạ. Cùng với hàng chục công nhân lao động thường xuyên tại lán trại, những lúc cao điểm công ty còn hợp đồng với hàng trăm hộ nông dân thực hiện một số khâu trong quy trình sản xuất nấm với mức thu nhập trung bình 40 nghìn đồng/ngày/người. Hiện nay sản phẩm nấm của công ty sản xuất đến đâu tiêu thụ ngay đến đó.
Để đáp ứng nhu cầu của thị trường và góp phần tạo việc làm cho người nông dân, cuối tháng 6 vừa qua công ty còn khởi công xây dựng khu sản xuất nấm thứ hai tại phường Ninh Khánh (thành phố Ninh Bình). Dự kiến số vốn đầu tư cho khu sản xuất này khoảng 1,6 tỷ đồng. Khi đi vào hoạt động Công ty sẽ giải quyết thêm việc làm cho hàng trăm lao động tại chỗ và lao động không thường xuyên trên địa bàn.
Ngoài 2 lĩnh vực sản xuất kinh doanh trên, năm 2007 công ty còn mở thêm dịch vụ lắp đặt điện nước, lắp ráp quạt điện với hàng chục lao động tham gia.
Mặc dù công việc bận rộn nhưng chị Hoa vẫn cố gắng quan tâm dành thời gian chăm sóc dạy dỗ con cái. 2 con của chị đều chăm ngoan, học giỏi đang hoc lớp chuyên Lý trường THPT chuyên Lương Văn Tụy. Năm học 2007-2008 em đang là thành viên trong đội tuyển Vật lý của tỉnh chuẩn bị tham dự kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia. Chồng chị Hoa vốn là một cán bộ trong một đơn vị kinh doanh của tỉnh về nghỉ hưu, có nhiều kinh nghiệm nên đã giúp chị rất nhiều trong công việc. Nhiều năm liền gia đình chị Hoa được tổ dân phố và phường Đông Thành bình xét là gia đình văn hóa tiêu biểu.
Bài và ảnh: Nguyễn Kim