Xây dựng "một cửa" trở thành địa chỉ quen thuộc.
Năm 2007, công tác cải cách hành chính (CCHC) ghi "dấu ấn" quan trọng với việc hình thành mô hình "một cửa liên thông" ở thành phố Ninh Bình và Sở Kế hoạch và đầu tư. Điều này đồng nghĩa với việc mọi nhu cầu giao dịch về mặt thủ tục hành chính của tổ chức, công dân trên địa bàn được tạo điều kiện thuận lợi, nhanh chóng, đơn giản hơn trước.
Cùng với đó, mô hình "một cửa" ở cả ba cấp chính quyền đã thực sự nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị nên đã phát huy tác dụng tích cực trong việc xây dựng một "hình ảnh" mới cho các cơ quan hành chính Nhà nước trong giao dịch, giải quyết công việc cho tổ chức, công dân.
Không chỉ rút ngắn thời gian, đơn giản hóa các thủ tục, giấy tờ mà thông qua việc quan tâm đẩy mạnh công tác CCHC ở mỗi địa phương, đơn vị đã góp phần xây dựng, hoàn thiện đội ngũ cán bộ, công chức có chuyên môn vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới.
Đến các cơ quan hành chính ở cả ba cấp chính quyền, có thể dễ dàng nhận thấy sự tồn tại của mô hình "một cửa' trong giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, công dân. Đó có thể là một đơn vị cấp tỉnh mà nhu cầu hồ sơ, giấy tờ của công dân được tiếp nhận hàng ngày lớn như Sở Giao thông vận tải, Sở Lao động, thương binh và xã hội hay cơ quan chính quyền cấp huyện như UBND huyện Kim Sơn, Yên Khánh với nhiều lĩnh vực thực hiện cải cách thủ tục hành chính gắn với đời sống nhân dân, các đơn vị cấp xã tuy còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế… đều quan tâm bố trí địa điểm, những phương tiện cần thiết như: Niêm yết đầy đủ danh mục, hồ sơ, thông báo số điện thoại đường dây nóng, hòm thư góp ý… để duy trì hiệu quả mô hình "một cửa", tiếp nhận và trả kết quả cho tổ chức, công dân đúng thời gian quy định.
Đến nay, mô hình "một cửa" không chỉ có mặt ở các cơ quan hành chính Nhà nước ba cấp là: 147/147 xã, phường, thị trấn, 8/8 huyện, thành phố, thị xã, 16/17 sở, ngành của tỉnh mà tại các cơ quan ngành dọc của Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh như: Kho bạc Nhà nước tỉnh, Cục Thuế tỉnh, Công an tỉnh; Chi cục Hải quan, Bảo hiểm xã hội và các đơn vị sự nghiệp trong tỉnh như: Đài PT-TH tỉnh… Ban quản lý dự án CCHC tỉnh đã quan tâm đầu tư, xây dựng mô hình "một cửa" thực sự là địa điểm thuận tiện trong giải quyết công việc của tổ chức, công dân.
Hình thành nhiều mô hình "một cửa liên thông".
Thành phố Ninh Bình là đơn vị cấp huyện đầu tiên và là đơn vị thứ 2 trong tỉnh triển khai mô hình "một cửa liên thông" hiện đại vào phục vụ nhu cầu giải quyết công việc của tổ chức, công dân trên địa bàn. Mô hình, "Một cửa liên thông" một năm qua không chỉ tạo thuận lợi cho việc giao dịch của tổ chức, công dân qua hệ thống công nghệ thông tin hiện đại được áp dụng mà việc trao đổi công văn, giấy tờ, công việc giữa các phòng, ban thuộc UBND thành phố, việc kiểm tra, giám sát của lãnh đạo UBND đối với từng công chức phụ trách lĩnh vực cũng được thực hiện thông qua hệ thống phần mềm "nối mạng" trong toàn cơ quan.
Ngay sau thời gian ngắn đi vào hoạt động với hiệu quả khả quan từ "Một cửa liên thông", lãnh đạo thành phố đã xây dựng ý tưởng thực hiện "liên thông" từ thành phố xuống các xã, phường để tiết kiệm chi phí, thời gian vận chuyển các công văn, giấy tờ. Qua hơn 2 tháng thực hiện (từ tháng 9/2008), có 550 văn bản đến và 1.350 văn bản đi. Kết quả này đã tiết kiệm cho thành phố khoản kinh phí hàng tháng phải chi trả cho việc mua giấy, mực, in tài liệu, tem thư, khắc phục tình trạng văn bản bị thất lạc…
Cũng là một đơn vị hành chính cấp huyện có số lượng hồ sơ, giấy tờ của tổ chức, công dân hàng ngày tương đối lớn, UBND huyện Kim Sơn đã xây dựng mô hình "một cửa liên thông" phục vụ công tác cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn. Tiếp quản địa điểm từ mô hình "một cửa" cũ, huyện Kim Sơn đầu tư trên 1 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị, cải tạo phòng làm việc, đầu tư hệ thống phần mềm, đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức… với mục đích xây dựng mô hình mới hiện đại, khoa học, áp dụng công nghệ thông tin tiên tiến vào giải quyết công việc cho tổ chức, công dân trên địa bàn.
Để làm được "Một cửa liên thông", gần 4 năm qua mô hình "một cửa" huyện Kim Sơn được sự quan tâm của Huyện ủy, UBND huyện nên có nhiều đổi mới, phát huy hiệu quả, tác dụng trong việc nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức và giải quyết tốt nhu cầu của tổ chức, công dân. Kim Sơn cũng là đơn vị trong quá trình làm "một cửa" đã bổ sung thêm 2 lĩnh vực mới vào thực hiện cải cách thủ tục hành chính là đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư xây dựng và quyết toán vốn đầu tư. Do đó, khi đi vào triển khai "một cửa liên thông", huyện Kim Sơn có đầy đủ các yếu tố, điều kiện để làm tốt và làm hiệu quả.
Cùng với huyện Kim Sơn, trong năm 2009 sẽ có thêm huyện Yên Khánh, thị xã Tam Điệp triển khai thực hiện mô hình "một cửa liên thông" theo hướng áp dụng công nghệ thông tin hiện đại. Toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2010, 100% đơn vị hành chính cấp huyện sẽ xây dựng mô hình "một cửa liên thông" nhằm tạo thuận lợi nhất phục vụ nhu cầu chính đáng của tổ chức, công dân được giải quyết nhanh chóng, đơn giản, đúng quy định của pháp luật.
Bùi Diệu