Tuy nhiên, do là huyện miền núi có hơn 80% dân số tham gia lao động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp nên việc thực hiện tiêu chí về chuyển dịch lao động (tiêu chí số 12) từ sản xuất nông nghiệp sang các lĩnh vực phi nông nghiệp đang gặp nhiều khó khăn.
Là địa phương có nhiều thuận lợi trong phát triển kinh tế, trên địa bàn có các doanh nghiệp, tổ hợp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, TTCN, xã Phú Lộc có nhiều điều kiện để giải quyết việc làm cho lao động trong độ tuổi.
Theo đồng chí Nguyễn Xuân Biên, Phó Chủ tịch UBND xã, số lao động trong độ tuổi toàn xã có 3.695 người, chiếm 57,05% dân số xã, trong đó lao động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 65%; 35% lao động có việc làm thường xuyên ở lĩnh vực công nghiệp, TTCN. Để giải quyết việc làm cho lực lượng lao động địa phương, những năm qua xã Phú Lộc đã tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của huyện, các doanh nghiệp, tổ hợp trên địa bàn để đào tạo nghề, giới thiệu việc làm.
Năm 2011, có hơn 200 lao động được đào tạo các nghề may công nghiệp, làm nấm. Từ đầu năm 2012 đến nay, có khoảng 50 lao động tham gia học nghề. Công ty may Văn Phú, 1 doanh nghiệp sản xuất nấm và 1 doanh nghiệp xây dựng, thu hút hơn 1.000 lao động vào làm việc. Bên cạnh đó, gần 20 tổ hợp về xây dựng, mộc cũng góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho nhiều lao động. So với nhiều địa phương trong huyện, Phú Lộc là xã có thuận lợi hơn trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập của người dân.
Tuy nhiên, so với tiêu chí về cơ cấu lao động trong xây dựng nông thôn mới, Phú Lộc vẫn còn một chặng đường dài để đạt được mục tiêu về chuyển dịch cơ cấu lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Bởi theo nội dung tiêu chí về cơ cấu lao động, đối với những xã làm điểm như Phú Lộc, tỷ lệ lao động từ lĩnh vực nông nghiệp cần phải chuyển dịch sang lĩnh vực phi nông nghiệp đến năm 2015 chỉ còn 25%.
Hiện tại, xã có gần 40% lao động đã qua đào tạo nghề ngắn hạn hoặc có trình độ trung cấp.
Trao đổi với đồng chí Đinh Vạn Hưng, Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nho Quan, được biết: Với hơn 80% lao động tham gia trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, việc chuyển dịch cơ cấu lao động theo tiêu chí nông thôn mới hết sức khó khăn. Đối với huyện Nho Quan, chỉ có một số xã như: Đồng Phong, Phú Lộc, Lạng Phong… phát triển mạnh sản xuất công nghiệp, TTCN, còn phần lớn các xã đều là xã thuần nông, nghề phụ không có nên để giải quyết được số lao động trong lĩnh vực nông nghiệp sang phi nông nghiệp không thể ngày một ngày hai có thể giải quyết được.
Khi triển khai thực hiện tiêu chí về cơ cấu lao động theo chương trình xây dựng nông thôn mới, nếu đến năm 2015 chỉ tiêu này cần phải đạt là chuyển số lao động trong lĩnh vực nông nghiệp còn 25% là không khả thi. Do đó, các địa phương đang triển khai xây dựng nông thôn mới và cả huyện đều kiến nghị với Trung ương nên điều chỉnh cơ cấu này là 55% vào năm 2015. Như xã Phú Lộc, với mục tiêu giảm số lao động trong lĩnh vực nông nghiệp từ 65% (năm 2012) xuống còn 40% vào năm 2015 và còn 20% vào năm 2020, xã phải nỗ lực rất cao để đạt được mục tiêu.
Trong đó, xã đang đẩy mạnh việc tuyên truyền, khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, tập trung nâng cao năng suất, sản lượng sản phẩm, đa dạng hóa các sản phẩm như: thêu ren, mộc… nhằm thu hút khách hàng, nâng cao thu nhập cho người làm nghề. Bên cạnh đó, để chuyển dịch được số lao động nông nghiệp sang lĩnh vực phi nông nghiệp, Phú Lộc còn tính đến những giải pháp mang tính chất dài hơi, đó là thực hiện quy hoạch đất khu sản xuất công nghiệp, TTCN, làng nghề để thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ theo quy hoạch của tỉnh. Hiện xã đã xây dựng quy hoạch điểm sản xuất TTCN và đất dự trữ cho phát triển TTCN, làng nghề của xã có diện tích 8,96 ha trên trục quốc lộ 12, quy hoạch khu làng nghề 15,5 ha tại thôn Đồi Chè…
Đối với huyện Nho Quan, cùng với những giải pháp tập trung để giải quyết việc làm cho lao động địa phương, nhất là lao động đã qua đào tạo thông qua việc tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp, TTCN trên địa bàn bằng nhiều chính sách ưu đãi, tổ chức đào tạo nghề gắn với nhu cầu của người lao động nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong việc đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu của thị trường… Huyện cũng mong muốn tỉnh có chính sách phân bổ hợp lý việc đầu tư của các doanh nghiệp đều khắp các huyện, thành phố, thị xã.
Với nhiều nỗ lực và cố gắng, Nho Quan phấn đấu đối với việc thực hiện cơ cấu lao động sẽ giảm tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp xuống còn 55% vào năm 2015 và đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề từ trên 30% hiện nay tăng lên 40% vào năm 2015.
Bùi Diệu