Nghị quyết tạo ra hiệu quả rõ rệt, đóng góp tích cực thúc đẩy kinh tế phát triển, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp, giữ vững ổn định chính trị, xã hội ở địa phương.
Trong chế độ sử dụng đất, thực hiện Nghị quyết 26, công tác quản lý, sử dụng đất nông nghiệp của tỉnh được chú trọng, từng bước đi vào nền nếp. Tỉnh chủ trương khuyến khích nhân dân chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cây trồng, dồn điền, đổi thửa, tăng cường công tác khai hoang, phục hóa, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, do vậy diện tích đất nông nghiệp của tỉnh luôn tăng theo các năm, năm 1995 đạt trên 79 nghìn ha, đến năm 2010 tăng gần 97 nghìn ha.
Công tác bảo vệ đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất được tăng cường. Tỉnh đã xác định rõ diện tích quy hoạch đất trồng lúa của từng địa phương trên cơ sở chỉ tiêu phân bổ của cấp trên, xác định rõ vị trí, diện tích đất lúa cần bảo vệ, có những chính sách hỗ trợ cụ thể về giống, chi phí phục vụ sản xuất..., kết hợp với việc tổ chức lại sản xuất, thực hiện đầu tư thâm canh chiều sâu, sản xuất hàng hóa tập trung theo hướng xuất khẩu để nông dân yên tâm với nghề trồng lúa, nâng cao đời sống.
Tuy nhiên, quá trình phát triển nhanh của nền kinh tế theo hướng CNH- HĐH kéo theo việc thay đổi trong bố trí sử dụng đất trên địa bàn, một số diện tích đất trồng lúa phải chuyển sang phục vụ mục đích đầu tư phát triển công nghiệp, dịch vụ, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển các khu, cụm công nghiệp, khu dân cư mới, phát triển kinh tế trang trại tổng hợp. Bên cạnh đó, tăng cường có hiệu quả công tác trồng rừng, bảo vệ rừng, duy trì diện tích rừng hiện có, đặc biệt là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Ở khu vực đô thị thành phố Ninh Bình, thị xã Tam Điệp đã có quy hoạch cụ thể, theo đó công tác quản lý, sử dụng đất hợp lý, phù hợp với quy định của Nhà nước. Đất ở nông thôn và đất ở tại đô thị chủ yếu được công nhận quyền sử dụng đất, giao đất hoặc đấu giá giá trị quyền sử dụng đất với thời hạn sử dụng đất lâu dài.
Với vai trò là đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai, trong những năm qua, công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất 3 cấp của tỉnh được thực hiện tốt, từng bước đáp ứng nhu cầu sử dụng đất cho các ngành, lĩnh vực, tổ chức, hộ dân, cá nhân, đảm bảo sử dụng đất tiết kiệm, phát huy hiệu quả.
Việc định hướng duy trì quỹ đất nông nghiệp, nhất là đất chuyên trồng lúa nước đảm bảo an ninh lương thực được giữ vững. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh đến thời điểm năm 2010 được Chính phủ phê duyệt phù hợp với hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, trong đó đất phi nông nghiệp là 33.041 ha; đất chuyên dùng gần 19.697 ha, gồm đất khu công nghiệp gần 730 ha, đất cơ sở sản xuất, kinh doanh 1.506 ha, đất hoạt động khoáng sản 93,21 ha, đất sản xuất vật liệu gốm sứ gần 784 ha, còn lại là đất sử dụng vào mục đích công cộng, đất tôn giáo, tín ngưỡng, đất sông, suối...
Công tác hướng dẫn và tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật, chính sách về đất đai được các cơ quan chuyên môn thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn bằng nhiều hình thức rộng khắp đến cán bộ, nhân dân trên địa bàn, các văn bản ban hành kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế địa phương, tạo hành lang pháp lý cho việc giải quyết các vấn đề về quản lý, sử dụng đất.
Công tác giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất chặt chẽ theo quy định. Công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đất đai, công tác giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo được quan tâm, chú trọng, triển khai đồng bộ, thường xuyên. Từ năm 2003 đến nay, thanh tra chuyên ngành đất đai đã tiếp nhận 356 lượt đơn khiếu nại, tố cáo của công dân, tiến hành 96 cuộc thanh tra, kiểm tra, qua đó kịp thời phát hiện, xử lý các vụ việc theo thẩm quyền, tránh sử dụng đất lãng phí, lấn chiếm trái phép, sử dụng không hiệu quả.
Có thể khẳng định, việc thực hiện Nghị quyết 26 trên địa bàn tỉnh đã phát huy tối đa tiềm năng đất đai, tăng thu ngân sách, thay đổi diện mạo của tỉnh; đất được chuyển dịch hợp lý theo đúng quy hoạch, hiệu quả sử dụng cao, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Nhưng trên thực tế vẫn còn tình trạng sử dụng đất không đúng mục đích, không hiệu quả, một số đơn vị, cá nhân vi phạm Luật Đất đai...Việc quản lý đất đai ở một số địa phương, nhất là cấp xã còn chưa tốt; kiểm tra việc sử dụng đất sau khi có quyết định giao đất chưa thực hiện thường xuyên; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở một số xã, phường, thị trấn chưa sát với tình hình thực tế, phải điều chỉnh, bổ sung nhiều. Việc bồi thường giải phóng mặt bằng ở một số dự án còn chậm... Mong rằng những tồn tại trên sớm được ngành chức năng, các cấp, ngành tháo gỡ, giải quyết.
Thanh Thủy